Do sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) ngày càng tổ chức tốt hơn trong khâu phân phối, đảm bảo kịp thời cung cấp hàng hóa đến tận nơi, đồng thời giữ giá ổn định.
Do sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) ngày càng tổ chức tốt hơn trong khâu phân phối, đảm bảo kịp thời cung cấp hàng hóa đến tận nơi, đồng thời giữ giá ổn định.
Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, hiện từ tỉnh đến địa phương đều chủ động kế hoạch chuẩn bị hàng phục vụ tết. Đây là năm đầu tiên, Sở phối hợp với các DN tổ chức đưa heo về cơ sở giết mổ tại địa phương nhằm kịp thời cung cấp cho thị trường khi có tình trạng khan hàng. Dự đoán, với sức mua hiện nay, giá hàng tết khó xảy ra biến động mạnh.
* Cải thiện khâu phân phối
Với thị trường tràn ngập hàng hóa hiện nay, tổ chức tốt kênh phân phối là lợi thế cạnh tranh cho DN. DN trong nước cũng ngày càng ý thức rõ điều này nên quan tâm đầu tư cho đội ngũ bán hàng “phủ sóng” đến tận các khu vực hẻo lánh. Nói về vấn đề này, chị Trịnh Thị Chín, tiểu thương chợ Tân Hiệp (TP. Biên Hòa) cho biết, đội ngũ bán hàng của DN rất nhanh nhạy, cần đặt hàng gì gọi điện là có ngay. DN Việt hiện tổ chức khâu phân phối không thua gì hàng nhập ngoại, đội ngũ bán hàng luôn theo sát tình hình buôn bán của tiểu thương và nhanh chóng đáp ứng đủ số lượng khi cần.
Hàng hóa dồi dào phục vụ tết tại siêu thị Co.op Mart Biên Hòa. Ảnh: B. NGUYÊN |
Không chỉ những đơn vị lớn mà DN, cơ sở nhỏ cũng đang nỗ lực cải thiện khâu phân phối. Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại nuôi gà tại huyện Xuân Lộc cho biết, hiện đơn vị đã tổ chức tốt hoạt động giao hàng tận nơi cho khách. Ở khu vực các huyện gần, trang trại giao hàng mỗi ngày, khu vực xa hơn thì trung bình mỗi tuần 2 chuyến. Trên vỉ đựng sản phẩm in đầy đủ thông tin và điện thoại liên lạc, khách chỉ cần gọi điện là có hàng giao tận nơi. Thời gian đầu mới tổ chức khâu phân phối, trang trại cũng gặp không ít khó khăn, giờ mọi việc đã vào “guồng”, mở rộng được khách hàng và thị trường tiêu thụ.
* Đưa hàng về vùng sâu
Ông Trần Minh Nô, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ, thương mại Tân Phú chia sẻ, hiện đơn vị đang chuẩn bị nguồn hàng để từ 20-27 tháng Chạp đưa 8 chuyến hàng về phục vụ bà con các xã vùng sâu của huyện. Có những xã cách trung tâm huyện cả trăm cây số, HTX thường phải khởi hành từ 4 giờ sáng để kịp bán vào phiên chợ sớm. Hoạt động bán hàng không chỉ tại một điểm cố định mà đưa về tận ấp để bà con tiện mua sắm. Trước đó, HTX đã đưa nhiều chuyến hàng về vùng sâu và hiệu quả bán hàng rất tốt vì bà con tin tưởng chất lượng hàng hóa nên ủng hộ nhiều. Mỗi xe chở mười mấy tấn hàng, ngoài những mặt hàng bình ổn giá, thì chủng loại hàng hóa đa dạng theo kiểu siêu thị mini, cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch phục vụ tết do Sở Công thương tổ chức, đại diện của huyện Vĩnh Cửu cho hay, tuy không có HTX đăng ký tổ chức các chuyến bán hàng về vùng sâu nhưng địa phương vẫn đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết. Huyện đã làm việc với nhiều DN đến đại lý, cửa hàng kinh doanh về vấn đề dự trữ hàng tết. Ngoài ra, các phiên chợ vui công nhân, phiên chợ hàng Việt về nông thôn sẽ được tổ chức để phục vụ tết.
Nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. |
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương nhận định, năm nay tỉnh có nhiều giải pháp tích cực trong tổ chức hàng hóa phục vụ tết. Chương trình mạnh dạn hơn trong hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các đơn vị đưa hàng tết về phục vụ vùng sâu, không hạn chế về số lượng đơn vị đăng ký tham gia. Hiện chỉ tính riêng các HTX đã đăng ký đã có 40 chuyến hàng, tăng gấp đôi so với tết năm ngoái. Theo báo cáo việc triển khai kế hoạch phục vụ tết của các địa phương, hàng hóa rất dồi dào phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sẽ được tăng cường, nhất là biến động về giá cả, không để xảy ra tình trạng tin đồn thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Bình Nguyên Theo báo cáo của Sở Công thương, phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán 2013, nhiều đơn vị tập trung dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, dự trữ 1,2 ngàn tấn thịt heo, gà; hơn 1,6 ngàn tấn gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt. Ngoài ra còn có 900 tấn nước chấm, 225 tấn sản phẩm chế biến và khoảng 3,6 triệu trứng gà, vịt. Được biết, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã chỉ đạo cho các công ty thành viên đầu tư, ứng vốn và thu mua từ các đơn vị chăn nuôi với tổng sản lượng 468 tấn thịt heo, 81 tấn thịt gà. Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh dự trữ khoảng 120 tấn thịt gà và trang bị 15 xe vận chuyển chuyên dùng, đảm bảo cung ứng kịp thời đến các điểm bình ổn và các địa bàn có biến động giá trong vòng 2 giờ. Công ty cổ phần Sài Gòn lương thực dự trữ 80 tấn gạo các loại tham gia bình ổn giá. Công ty cổ phần Bibica cung cấp ra thị trường 1 ngàn tấn bánh hộp tết, gần 5 ngàn tấn kẹo. Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng tham gia dự trữ trên 24 tấn đường, gạo và gần 4 tấn dầu ăn. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 200 chợ nằm trong quy hoạch đang hoạt động, tham gia phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
B. Nguyên