Hàng triệu người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh đang sử dụng nước sông Đồng Nai cho sinh hoạt. Thế nhưng chất lượng nước sông đang bị ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng.
Hàng triệu người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh đang sử dụng nước sông Đồng Nai cho sinh hoạt. Thế nhưng chất lượng nước sông đang bị ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng.
[links(left)]Tại hội thảo bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai vào ngày 11-1, các tỉnh, thành ở lưu vực sông Đồng Nai đều đề nghị Chính phủ tăng mức đầu tư cải tạo, bảo vệ môi trường sông Đồng Nai.
Phòng còn hơn chống
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai bao gồm lưu vực dòng chính sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Bé, sông La Ngà, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và lưu vực các sông ven biển. Có 11 tỉnh, thành thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Hàng ngày sông Đồng Nai gánh một lượng nước thải sinh hoạt, y tế, công nghiệp khá lớn từ các tỉnh, thành đổ ra. Trong đó, nhiều nguồn thải chưa được xử lý triệt để làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước. Thời gian qua, Chính phủ, các tỉnh, thành thuộc lưu vực sông đã có một số chương trình, đề án khắc phục, bảo vệ nguồn nước trên sông nhưng vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết, liên quan đến thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên sông Đồng Nai, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đa kiến nghị Chính phủ cần làm rõ đánh giá tác động môi trường của thủy điện. Nếu ảnh hưởng lớn đến môi trường lưu vực sông thì không nên cho triển khai. |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Thế Phương nhận định: “Gần đây, chất lượng nước sông Đồng Nai được cải thiện, nhưng chưa ổn định. Phòng tốt hơn nhiều so với chống nên các tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai phải thường xuyên kiểm tra, xử lý thật nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm. Đồng thời, các tỉnh, thành cần huy động các nguồn vốn tham gia cho công tác bảo vệ môi trường sông Đồng Nai”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Ngọc Thới khẳng định: “Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã đi vào hoạt động hơn 2 năm, song quyền hạn không rõ, chưa phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, mức xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm chưa đủ sức răn đe nên chưa xử lý triệt để được các cơ sở gây ô nhiễm. Nếu không bảo vệ tốt nguồn nước sông Đồng Nai sẽ có lỗi với 20 triệu dân sống ở lưu vực sông”.
Tăng mức đầu tư
Đa số các tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai đều kiến nghị Chính phủ tăng kinh phí đầu tư để bảo vệ môi trường hệ thống sông. Với mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng/năm cho các dự án, chương trình bảo vệ sông thì không đáp ứng được yêu cầu. Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên đề nghị: “Giai đoạn này, Chính phủ tập trung đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt ở các địa phương có nguồn thải lớn, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai để hạn chế ô nhiễm cho toàn lưu vực sông. Các dự án này phải triển khai nhanh bằng nguồn vốn của Nhà nước, không nên trông chờ vào nguồn vốn ODA”.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: “Bộ đã đề nghị Quốc hội tăng kinh phí cho bảo vệ môi trường từ 1% lên 2-5% tổng thu ngân sách của Nhà nước, song chưa được phê duyệt. Với kinh phí khoảng 13 tỷ đồng đầu tư cho việc bảo vệ, khắc phục môi trường ở sông Đồng Nai chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu”.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai Võ Văn Chánh, ngoài yêu cầu về tăng nguồn vốn đầu tư cho các dự án bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, trước mắt, các địa phương rà soát các quy hoạch phát triển thủy điện trên sông Đồng Nai, các quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, các dự án có nguy cơ làm mất đất rừng, làm tổn thất lớn về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học… để giúp nhận diện cụ thể hơn các vấn đề chính trong bảo vệ môi trường cần giải quyết trong thời gian tới.
Hương Giang