Báo Đồng Nai điện tử
En

Quý I: GDP tăng nhưng vẫn còn khó khăn

09:04, 02/04/2012

Mặc dù mức tăng GDP của tỉnh vẫn ở con số 12,1%, song nhiều đánh giá cho thấy, cần phải sớm có những biện pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, bởi trong thời gian tới, khó khăn vẫn còn với nhiều hàng hóa, vật tư đầu vào tăng.

 Mặc dù mức tăng GDP của tỉnh vẫn ở con số 12,1%, song nhiều đánh giá cho thấy, cần phải sớm có những biện pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, bởi trong thời gian tới, khó khăn vẫn còn với nhiều hàng hóa, vật tư đầu vào tăng.

Nhiều doanh nghiệp làm hàng may mặc xuất khẩu đã ký được hợp đồng cho đến quý II hoặc hết quý III năm nay. Ảnh: V. LÂM
Nhiều doanh nghiệp làm hàng may mặc xuất khẩu đã ký được hợp đồng cho đến quý II hoặc hết quý III năm nay. Ảnh: V. LÂM

Đến hết quý I năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011; kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ tăng trên 14%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của các năm trước luôn đạt trên 20%. Trong đó, nhiều ngành gặp khó khăn do thị trường giảm sút, như: chế biến gỗ, nông sản, gốm sứ và thủ công mỹ nghệ. Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn ở những ngành có tính cạnh tranh cao, như: linh kiện điện tử...

* Một số chỉ tiêu giảm

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đồng Nai trong quý I tuy thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, song lại tăng cao hơn mức bình quân chung cả nước - điều này ít khi xảy ra. Theo đó, CPI tháng 3 đã tăng 0,57% so với tháng 2 - 2012 và chỉ số tăng giá quý I là 3,13%. Như vậy, so với chỉ số tăng giá cả nước, CPI Đồng Nai tăng cao hơn (CPI tháng 3 của cả nước tăng 0,16% và quý I chỉ tăng 2,55%). Lý giải điều này, ông Trần Quốc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Thống kê, cho rằng CPI Đồng Nai tăng là do một số nhóm hàng tăng đột biến trong tháng 3, trong đó có gas, gây ảnh hưởng dây chuyền lên nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác. Cũng theo ông Tuấn, không riêng gì Đồng Nai, một số tỉnh, thành phía Nam khác như: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh hay Bà Rịa - Vũng Tàu đều có mức tăng CPI quý I cao hơn bình quân cả nước.

Theo Sở Tài chính, thu ngân sách quý I đạt 3.300 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch năm, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến một số lĩnh vực thiếu nguồn chi. Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, kết quả thu thấp là do ảnh hưởng của khó khăn chung. Cả nước thu ngân sách trong quý I cũng chỉ đạt 20% kế hoạch và các địa phương có số thu lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... đều đạt thấp. Theo đó, kinh tế khó khăn, nhiều DN nhỏ và hợp tác xã xin giải thể, các DN lớn có doanh thu nhưng không tăng bao nhiêu... Giá nông sản hiện đang xuống thấp và lợi nhuận DN giảm. Hiện tại, nhiều ngân hàng công bố lãi suất giảm, song trên thực tế, DN - nhất là nhóm DN vừa và nhỏ - tiếp cận khá khó khăn. Chính vì vậy, nợ thuế đã tăng mạnh từ 800 tỷ lên trên 1.000 tỷ đồng.

* Nhiều thử thách trước mắt

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn rẻ

Theo ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, một trong những điểm khó khăn nhất tồn tại hiện nay vẫn là DN khó xoay xở được nguồn vốn rẻ - ít nhất là đủ để đảm bảo lợi nhuận các đơn hàng. Theo đó, lãi suất tuy được nhiều ngân hàng công bố giảm, song trên thực tế, nhóm DN tiếp cận được nguồn vốn lãi suất 15-17% là không nhiều, đa số vẫn phải chịu mức lãi từ 18 - 20%/năm nên gặp nhiều khó khăn, trong khi thị trường sụt giảm. Về đơn hàng, hầu hết DN xuất khẩu ở các ngành mũi nhọn của tỉnh, như: may mặc, giày dép... đã có đơn hàng đến quý II hoặc hết quý III năm nay. Xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung ở những thị trường truyền thống, như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc... Hiện tại, thị trường châu Âu vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Ông Dành cũng cho rằng, còn khá sớm để có những nhận định chi tiết ở thời điểm này, ít nhất phải hết quý II, hiệu quả các ngành sản xuất - xuất khẩu mới thể hiện rõ ràng hơn.

Gia Hân

Một trong những vấn đề “nóng” được lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm trong buổi họp nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I vừa qua là những khó khăn của ngành chăn nuôi trong tỉnh sau khi có thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đến lúc này, mặc dù kết quả xét nghiệm đã được công bố rõ ràng rằng chỉ có 3% các mẫu xét nghiệm dương tính với chất cấm - không như các phương tiện truyền thông đã đưa ra trước đó với con số cao hơn nhiều - song sức tiêu thụ thịt heo tại các chợ, đặc biệt ở khu vực đô thị vẫn rất chậm chạp, giá heo hơi chưa phục hồi. Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khá bức xúc khi đề cập tới việc hàng chục ngàn hộ chăn nuôi Đồng Nai đang điêu đứng vì những thông tin về sử dụng chất cấm - mà đa phần là không chính xác - trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua. Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đề nghị, khi cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, các ban, ngành cần chờ kết luận cuối cùng và đưa thông tin chính xác, tránh tạo những hiểu lầm trong dư luận dẫn đến việc người tiêu dùng “tẩy chay” thịt heo và làm người chăn nuôi lao đao. Hiện tại, chưa có thống kê nào về thiệt hại của ngành chăn nuôi Đồng Nai sau vụ chất cấm, tuy nhiên, sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức, kinh phí để phục hồi.

Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cũng cho rằng GDP vẫn tăng ổn định, song vấn đề đặt ra là giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt thấp so với cùng kỳ do giá cả vật tư nguyên liệu đầu vào, như: điện, gas, xăng dầu tăng trong khi lãi suất ngân hàng đứng ở mức cao đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Nếu thu ngân sách không được cải thiện thì khả năng sẽ thiếu vốn đầu tư cho công tác bồi thường, các công trình y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới. Bà Thu cũng cho biết, số lượng DN thành lập mới cũng như đăng ký vốn bổ sung trong quý I-2012 giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, với những khó khăn do biến động giá cả thị trường, nguyên liệu vật tư đầu vào và đặc biệt là động đất, sóng thần tại Nhật Bản còn chưa được phục hồi, dự báo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới sẽ còn gặp khó khăn.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều