Lãi suất Việt Nam đồng (VNĐ) đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu thì đến thời điểm hiện tại, vay USD vẫn là một biện pháp khả thi để giảm chi phí. Tuy nhiên, ngày 8-3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2012/TT-NHNN quy định một số thay đổi đối với việc cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng.
Lãi suất Việt Nam đồng (VNĐ) đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu thì đến thời điểm hiện tại, vay USD vẫn là một biện pháp khả thi để giảm chi phí. Tuy nhiên, ngày 8-3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2012/TT-NHNN quy định một số thay đổi đối với việc cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng.
Lãi suất vay USD hiện chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 lãi vay tiền VNĐ. |
Thông tư 03/2012/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu tháng 5 tới, thay thế Thông tư 07 hiện hành, được dự báo sẽ gây nhiều xáo trộn trên thị trường, đặc biệt đối với địa bàn mà các DN xuất khẩu hoạt động dày đặc như Đồng Nai.
* Vay USD vẫn lợi
Thực tế, thị trường hiện vẫn tồn tại hai mặt bằng lãi suất chính. Theo đó, khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần lớn như BIDV, Vietcombank hay Vietinbank…cho biết lãi suất ngắn hạn ở các khoản vay sản xuất - kinh doanh, bình quân ở mức 15,5-16,5%/năm. Còn tại các NHTM quy mô nhỏ, lãi suất ngắn hạn vẫn từ 18%/năm trở lên.
Hiện tại, lãi vay USD tại một số NH lớn dao động từ 5,5-7%/năm, chưa bằng một nửa so với lãi vay của VNĐ. Tại một số chi nhánh NH của nước ngoài còn thấp hơn mức lãi nói trên. Chính vì vậy, nhiều DN có nguồn trả nợ vẫn mong muốn vay USD. Ông Hoàng Mạnh Long, Giám đốc NH Vietcombank Biên Hòa nhận định, nếu tỷ giá được kiềm giữ tốt như thời gian qua và cho đến hết năm, tình hình biến động không quá 3% thì lãi suất vay USD (hiện tại khoảng 7%) vẫn có lợi hơn VNĐ rất nhiều, bởi DN có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ với lãi suất chưa đến 10%/năm. Theo ông Long, một khi tỷ giá ổn định thì mọi DN đều muốn vay USD, trừ khi lãi vay VNĐ giảm mạnh. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc NH Eximbank chi nhánh Đồng Nai cho rằng, với sự ổn định của tỷ giá như thời gian qua thì ít nhất trong một thời gian ngắn sắp tới, DN nào có đủ điều kiện vẫn muốn vay USD. Về phía Eximbank, ông Hào khẳng định, NH có đủ nguồn USD để cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá, nhu cầu vay USD đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm ngoái không tăng nhiều.
* Thời gian tới vay USD sẽ khó?
Mục đích ban hành Thông tư 03/2012/TT-NHNN nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ngoại tệ phù hợp với khả năng huy động. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp thực hiện chủ trương đối với việc hạn chế tình trạng “đô-la hóa” trong nền kinh tế - theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước dự báo sẽ gây nhiều xáo trộn cho thị trường tiền tệ, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong ảnh: Ở một phân xưởng may hàng xuất khẩu tại Công ty CP may Đồng Tiến. Ảnh: V. LÂM |
So với cơ chế cũ, Thông tư 03 có nhiều điểm mới, song một trong những điểm cần lưu ý là quy định không còn nhắc đến nhóm nhu cầu của các DN xuất khẩu, hay vay ngoại tệ quy đổi sang VND để đưa vào sản xuất - kinh doanh trong nước. Nguồn ngoại tệ vay được bán lại cho tổ chức tín dụng, nguồn ngoại tệ trả có từ nguồn thu từ xuất khẩu đối ứng trong tương lai... Không thể phủ nhận, tín dụng ngoại tệ trong thời gian qua đã giúp nhiều DN tiếp cận dòng vốn rẻ có lãi suất thấp hơn nhiều so với vay VNĐ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, hạ giá hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh. Do đó, nếu Thông tư 03/2012/TT-NHNN bỏ qua lợi ích của nhóm DN này, đồng nghĩa với việc trước mắt, một trong những dòng vốn rẻ mà DN có thể vay trong lúc khó khăn, đã bị chặn lại. Nhận xét về điều này, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty CP may Đồng Tiến không khỏi băn khoăn khi nói về chính sách vay ngoại tệ trong thời gian tới, bởi trong bối cảnh giá đầu vào tăng, thị trường xuất khẩu sụt giảm ở nhiều ngành hàng thì nhiều DN sẽ gặp không ít khó khăn.
Với một địa bàn có thế mạnh về xuất - nhập khẩu và có tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ luôn ở trạng thái “nóng”, chính vì vậy, thông tư mới rõ ràng sẽ có tác động không nhỏ. Theo ông Hoàng Mạnh Long, khoảng 30-40% lượng khách hàng của Vietcombank Biên Hòa sẽ phải chịu tác động với các quy định mới. Tại Eximbank Đồng Nai, khoảng 10% lượng khách hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo nhiều dự đoán, từ nay đến tháng 5, khả năng nhu cầu vay USD sẽ tăng trước khi thông tư mới có hiệu lực.
NGÂN HÀNG ĐỒNG LOẠT HẠ LÃI SUẤT HUY ĐỘNG Sau vài ngày NHNN yêu cầu giảm lãi suất huy động (LSHĐ), đến thời điểm này, tất cả các ngân hàng thương mại đã giảm LSHĐ còn 13%, như: Vietinbank, SeaBank, BIDV, ACB, Vietcombank... LSHĐ phổ biến là 13%/năm, chủ yếu được các NH áp dụng cho kỳ hạn từ 1-12 tháng. Theo đó, Thống đốc cũng tuyên bố rằng, người dân và doanh nghiệp có thể vay với lãi suất giảm đến 2,5%, tức từ 14,5 - 16,5%/năm trong thời gian tới. Với việc trần LSHĐ hạ xuống còn 13%/năm, các ngân hàng cho biết sẽ từng bước giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, ở nhóm NHTM nhỏ, lãi suất vay khó có thể giảm về mức trung bình như NHNN mong muốn, bởi mặt bằng LSHĐ hiện tại của nhóm NH này vẫn ở mức 18%/năm trở lên. Gia Hân |
Vi Lâm