Từng là sĩ quan quân đội, nhưng sau khi rời quân ngũ, ông Đặng Văn Long (TP.Hồ Chí Minh) chọn ngành chế biến gỗ để khởi nghiệp. Ngụ ở Sài Gòn nhưng ông Long lại chọn đất Đồng Nai lập nghiệp, vì theo ông đánh giá, đây là tỉnh công nghiệp, cửa ngõ kinh tế của vùng Đông Nam bộ và nhất là có làng nghề gỗ.
Từng là sĩ quan quân đội, nhưng sau khi rời quân ngũ, ông Đặng Văn Long (TP.Hồ Chí Minh) chọn ngành chế biến gỗ để khởi nghiệp. Ngụ ở Sài Gòn nhưng ông Long lại chọn đất Đồng Nai lập nghiệp, vì theo ông đánh giá, đây là tỉnh công nghiệp, cửa ngõ kinh tế của vùng Đông Nam bộ và nhất là có làng nghề gỗ.
Ông Đặng Văn Long tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. |
Năm 2003, ông Long mở Công ty TNHH Đăng Long tại phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa. Thời gian đầu, doanh nghiệp (DN) chủ yếu nhận làm hàng gia công cho khách với quy mô chưa đến 50 công nhân. Sau vài năm, Đăng Long chuyển sang sản xuất và trực tiếp xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội-ngoại thất với số lao động làm việc hơn 300 người. Công ty Đăng Long được đầu tư khá quy mô trên diện tích rộng hơn 2 hécta, từ xưởng sản xuất, khu văn phòng đến môi trường cây xanh bên trong khuôn viên DN. Tại đây còn có một showroom trưng bày sản phẩm được thiết kế khá chuyên nghiệp, ấn tượng. Hiện sản phẩm của DN có mặt trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng tại nhiều thị trường lớn, như: châu Âu, Mỹ, Úc... Trung bình mỗi năm, Đăng Long xuất khẩu đạt vài triệu USD.
Giới thiệu về hoạt động của DN, ông Long cho biết, Đăng Long phát triển được như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực, trong đó đầu tư vào con người là vấn đề ông quan tâm hàng đầu. DN có đội ngũ sale (bán hàng) chuyên lo phát triển thị trường, đồng thời có hẳn đội ngũ thiết kế riêng. Nhằm quảng bá thương hiệu rộng rãi, DN còn đầu tư xây dựng trang web, thường xuyên tham gia các hội chợ quốc tế để mở rộng thị trường. Gần 10 năm hoạt động sản xuất, Đăng Long sử dụng hoàn toàn sản phẩm từ cây trồng của nông dân; tập trung sản xuất những mặt hàng cung cấp cho thị trường bình dân; không ngừng đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng… đều là những ưu thế mà DN đã tận dụng khai thác tốt. Các mặt hàng xuất khẩu của DN hiện lên đến vài trăm mẫu sản phẩm. Trong đó, từ tủ kệ, bàn ghế đến các loại đôn, chậu trồng hoa, đồ trang trí… được thị trường thế giới chú ý.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, DN đang quan tâm xây dựng mạng lưới tiêu thụ nội địa gồm showroom giới thiệu sản phẩm và các đại lý bán lẻ, bước đầu tập trung ở khu vực TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Đặng Văn Long, để tiếp cận được thị trường nội địa, DN phải đầu tư nhiều cho các khâu nghiên cứu thị hiếu khách hàng, thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu người Việt. Hiệu quả kinh tế của hướng đầu tư này đến nay chưa cao vì nhu cầu tiêu thụ trong nước còn thấp, nhưng đây sẽ là thị trường tiềm năng lâu dài của DN. Hướng đi của Đăng Long là tạo thêm nhiều điểm tựa để có thể chia sẻ rủi ro cho DN trong tình hình thị trường khó khăn như hiện nay.
Bình Nguyên