Từ gia súc, gia cầm bị bệnh nhưng vẫn lưu hành đến các chợ, cho đến rau nhiễm hóa chất và cả xăng dầu “bẩn”... là những vấn đề mà người tiêu dùng (NTD) đang phải đối mặt…
Từ gia súc, gia cầm bị bệnh nhưng vẫn lưu hành đến các chợ, cho đến rau nhiễm hóa chất và cả xăng dầu “bẩn”... là những vấn đề mà người tiêu dùng (NTD) đang phải đối mặt…
Theo quy định hiện hành, NTD là đối tượng được bảo vệ (Luật Bảo vệ người tiêu dùng), tuy nhiên lâu nay, tình trạng vi phạm quyền NTD vẫn diễn ra khá phổ biến. Ths. Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Đồng Nai nhận định, việc vi phạm quyền lợi của NTD không chỉ gây thiệt hại cho bản thân NTD mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, làm ăn chân chính, tạo tâm lý ngại dùng hàng Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, về lâu dài sẽ làm hạn chế đến tiến độ phát triển nền kinh tế trong nước.
* Người tiêu dùng bị xem thường
Thông thường, NTD khó có thể trở thành nhà “thông thái” trong việc chọn lựa sản phẩm, như khuyến cáo vẫn được các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra sau mỗi lần có sự cố về hàng hóa. Chỉ có cơ quan chuyên ngành được trang bị phương tiện mới phát hiện được tồn dư hóa chất trong thực phẩm, xăng lẫn tạp chất và hàng dỏm, hàng giả. Ngay cả khi nghi vấn về hàng hóa có vấn đề, không phải NTD nào cũng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho công tác giám định chất lượng nên thường im tiếng, cho qua.
Mua hàng tại siêu thị, người tiêu dùng an tâm hơn về chất lượng sản phẩm. Ảnh: B. NGUYÊN |
Nói về hàng loạt sự cố xảy ra trên diện rộng trong thời gian gần đây, như: cháy nổ xe máy, ô tô; nổ bình gas; thực phẩm chứa chất độc hại..., ông Nguyễn Văn Hùng, người dân ở huyện Vĩnh Cửu không khỏi lo lắng than: “NTD thấp thỏm lo âu vì “đụng” thứ nào trong tiêu dùng, sinh hoạt cũng cảm thấy không an toàn. Bởi, thực phẩm “bẩn” hoặc cháy nổ trực tiếp gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Chúng tôi còn hoang mang hơn khi đa số các vi phạm trên dù bị phanh phui, lên án nhưng NTD vẫn chịu thiệt vì không biết kêu ai để được bồi thường”.
Tại hội nghị “Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng hướng đến người tiêu dùng” vừa tổ chức tại Đồng Nai, Ths Phạm Gia Hải đánh giá, hiện nay quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp; tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng…tràn lan ngoài thị trường. NTD thì mệt mỏi vì phải lo đối phó, còn DN sản xuất - kinh doanh có liên quan thì lại thờ ơ.
Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có nội dung quy định trách nhiệm của DN sản xuất - kinh doanh đối với việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời DN cũng được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Bởi, quyền lợi NTD chỉ có thể được bảo vệ một cách đầy đủ khi gắn với quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng DN.
* Trách nhiệm của doanh nghiệp
Tẩy chay sản phẩm, dịch vụ có hành vi gian dối gây tác hại cho NTD là phản ứng tự nhiên nhằm tự bảo vệ sức khỏe mỗi người. Cụ thể, NTD đã quay lưng với thịt heo khi có thông tin dùng thuốc cấm tạo heo siêu nạc. Trước phản ứng mạnh mẽ từ phía NTD trước vấn đề thực phẩm không an toàn, nhà chăn nuôi, DN sản xuất - kinh doanh buộc phải nhìn nhận lại và có ý thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD khi đưa sản phẩm ra thị trường. Một trong những trách nhiệm đó là phải cung cấp đầy đủ thông tin cho NTD về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa để họ có cơ sở lựa chọn sản phẩm an toàn, phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy D&F cho biết, tôn chỉ kinh doanh của DN là luôn tôn trọng lợi ích của NTD. Hiện D&F chỉ sử dụng nguồn heo do các thành viên của tổng công ty cung cấp, được kiểm soát, đảm bảo sản phẩm sạch từ quy trình chăn nuôi đến giết mổ. Tuy bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn chung, nhưng sản phẩm chăn nuôi sạch, có thương hiệu vẫn tìm được đầu ra với giá bán tốt hơn mặt bằng chung của thị trường. Theo ông Phương, yêu cầu thịt heo có tỷ lệ nạc cao, chất lượng ngon, hình thức đẹp là nhu cầu chính đáng của NTD. Nhà chăn nuôi có thể tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu này - thông qua quá trình chọn lựa con giống, quy trình chăn nuôi. Chỉ một bộ phận nhỏ đối tượng chăn nuôi chạy theo lợi nhuận nên chọn cách “đi tắt” bằng sử dụng thuốc cấm tạo heo siêu nạc, tăng trọng nhanh. Điều này không chỉ gây hại đến NTD mà người chăn nuôi chân chính cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Mặt khác, khi sản phẩm không tiêu thụ được, ngành chăn nuôi sụt giảm, dẫn đến mất cân đối cung cầu, đồng thời tạo những cơn sốt giá là những hệ lụy lâu dài, gây hậu quả xấu cho xã hội. Do đó, nếu thiếu cương quyết xử lý vi phạm ngay từ gốc, đồng thời vô trách nhiệm với NTD thì những vụ tiêu cực liên quan đến môi trường, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu… vẫn có thể sẽ còn tái diễn.
Bình Nguyên