Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác “thị trường ngách” như thế nào hiệu quả?

07:02, 06/02/2012

Thời gian qua, trên lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) đặc biệt chú trọng đến “thị trường ngách” (tập trung khai thác vào phần lớn của thị trường nhỏ, thay vì chú ý đến phần nhỏ của thị trường lớn). Với nhận thức này, không ít DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã tạo được cách làm ăn mới khá hiệu quả…

Thời gian qua, trên lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) đặc biệt chú trọng đến “thị trường ngách” (tập trung khai thác vào phần lớn của thị trường nhỏ, thay vì chú ý đến phần nhỏ của thị trường lớn). Với nhận thức này, không ít DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã tạo được cách làm ăn mới khá hiệu quả…

Khách mua hàng may mặc tại một phiên chợ “hàng Việt về nông thôn” ở Đồng Nai. (Ảnh minh họa)
Khách mua hàng may mặc tại một phiên chợ “hàng Việt về nông thôn” ở Đồng Nai. (Ảnh minh họa)

Nhờ biết khai thác “thị trường ngách” nên nhiều DN đã thực hiện cạnh tranh tốt hơn vì xác định được phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng cụ thể. Qua đó, nhiều người nhận định, một sản phẩm hay thương hiệu muốn có “thị trường ngách” cho riêng mình chỉ cần tạo một khác biệt nổi trội, chú ý những chi tiết nhỏ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng.

* Cơ hội từ “thị trường ngách”

Công ty cổ phần An Phú Thịnh có mặt trên thị trường trên 10 năm, thời gian đầu hoạt động thương mại trong lĩnh vực đồ bảo hộ lao động. Nhận thấy tiềm năng của thị trường mới này tại một tỉnh phát triển nhanh về công nghiệp, DN đã chuyển đổi từ hoạt động thương mại sang đầu tư sản xuất. Nhờ chọn đúng “thị trường ngách” là chuyển hướng sản xuất đồ bảo hộ lao động, sản phẩm của An Phú Thịnh không chỉ tìm được chỗ đứng tại thị trường nội địa mà xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh cho biết, DN chỉ tập trung sản xuất 2 mặt hàng găng tay và khẩu trang bảo hộ lao động vì nhu cầu sử dụng mặt hàng này rộng, không chỉ dùng trong công nghiệp mà cả những lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp và nhiều ngành nghề khác. Đây là những sản phẩm đang có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Găng tay do An Phú Thịnh xuất khẩu có giá cạnh tranh hơn cả hàng Trung Quốc do DN tận dụng tốt những lợi thế của mình. Đó là sử dụng những sản phẩm phế thải của dệt may, chủ yếu là vải vụn làm nguyên liệu sản xuất. Năm 2011, DN đầu tư cả triệu USD mở thêm xưởng sản xuất sợi dệt, nhằm chủ động và giảm chi phí nguyên liệu, đồng thời mở rộng hoạt động, trở thành nhà cung cấp vải dệt cho ngành sản xuất mặt hàng bảo hộ lao động đang ngày càng phát triển hiện nay.

“…Một trong những cơ hội làm nên thành công cho DN vừa và nhỏ là việc tạo ra “thị trường ngách”. Qua đó, hãy đi tìm sự khác biệt để thiết lập một thị trường riêng cho DN mình. Bởi, nếu cố gắng giành lấy một thị phần nhỏ bé trong một thị trường rộng lớn sẽ gặp khó khăn trăm bề. Khi đó, DN phải có nguồn lực dồi dào để tạo sự khác biệt nhỏ trong thị trường rộng lớn, điều này đôi lúc quá sức cho không ít DN. Nhất là trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc tạo ra một thị trường mới (ngách) có thể phù hợp hơn nhằm tìm kiếm hợp lý những giá trị nhỏ nhưng mới lạ, từ đó gây được sự chú ý. Thực tế, các DN vừa và nhỏ thực hiện cạnh tranh tốt hơn nếu nhắm đến một phân khúc thị trường nhỏ. Nghĩa là hãy tranh thủ lợi thế đặc trưng ngành nghề của mỗi DN để tập trung nguồn lực cho mục tiêu phát triển hiệu quả…”

(theo Hội marketing Việt Nam)

Theo đánh giá của các nhà kinh doanh, việc tạo ra “thị trường ngách” có thể xác định phân khúc thị trường cụ thể, DN nắm bắt chi tiết hơn nhu cầu của khách hàng. Ông Nguyễn Hưng Thành, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Hưng Thành Tài chuyên sản xuất chăn, ga, vỏ gối cho rằng, nhà sản xuất luôn phải nắm chắc sản phẩm của DN mình cung cấp cho thị trường nào và đối tượng khách hàng là ai. Có như vậy, DN mới đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng. Ông Thành dẫn chứng, mặt hàng chăn, ga, vỏ gối cung cấp cho thị trường Úc có giá thành cao nên đòi hỏi rất khắt khe về mặt kỹ thuật, chất lượng và hoa văn trang nhã, sang trọng. Thị trường Lào, Campuchia thì thích sự cầu kỳ, màu sắc rực rỡ hơn và đảm bảo độ thoáng mát vì đây là xứ nhiệt đới. Ngay cả sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa, DN phải chú ý đến thị hiếu của từng khu vực, tỉnh, thành. Một số tỉnh miền Đông, Tây Nguyên có thời tiết mát mẻ thì chuộng sản phẩm vải dày hơn để chống lạnh. Các tỉnh miền Tây ưa loại mẫu cầu kỳ, hoa văn rực rỡ. Những tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai và các khu đô thị lớn thì yêu cầu sự đa dạng, phong phú mẫu mã.

* Khai thác “thị trường ngách” ở nông thôn

Đại diện Công ty TNHH Minh Long Hưng chia sẻ, năm qua tăng trưởng của DN vẫn tốt dù tình hình kinh tế chung gặp khó khăn do DN chọn ngành hàng quần áo trẻ em mặc hàng ngày và tập trung vào phân khúc thị trường bình dân. DN luôn theo sát các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, phiên chợ vui công nhân để đưa hàng đến tận tay người lao động. “Đừng nghĩ về nông thôn chỉ có hàng giá rẻ. Bây giờ người dân quê vẫn thường rủ nhau đi siêu thị, bỏ tiền mua những món hàng giá cao đáp ứng nhu cầu của mình. Chính vì vậy, điều quan trọng khi DN đưa hàng về nông thôn vẫn là chất lượng. Tuy thị trường chính của Hưng Thành Tài là thành thị và xuất khẩu nhưng doanh số bán hàng tại nông thôn của đơn vị vẫn khá cao là nhờ uy tín chất lượng và mẫu mã sản phẩm hợp với thị hiếu người mua” - ông Nguyễn Hưng Thành khẳng định.

Cùng trong ngành sản xuất chăn, ga, vỏ gối nhưng Công ty TNHH một thành viên Mai Thu lại tập trung vào phân khúc thị trường bình dân với ưu thế về giá để thu hút người tiêu dùng. Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng phòng kinh doanh của Mai Thu cho biết, thị trường nông thôn chiếm khoảng 70% thị phần của DN, bởi đơn vị luôn theo sát các hoạt động đưa hàng về nông thôn. Tuy DN có sản xuất cả dòng hàng cao cấp nhưng tiêu thụ mạnh tại thị trường nông thôn chủ yếu vẫn là hàng giá mềm. Ngoài ưu thế về giá, sản phẩm của DN này được thị trường chấp nhận, cơ bản là phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Cụ thể, những vùng đất đỏ tại Đồng Nai, sản phẩm màu tối, màu nhu tiêu thụ mạnh. Với dòng hàng cao cấp hay bình dân, DN đều phải giữ chất lượng thì mới được người tiêu dùng ủng hộ.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều