Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp châu Âu cần gì ở Đồng Nai?

09:11, 06/11/2011

Hơn 40 doanh nghiệp đến từ các nước châu Âu do ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) châu Âu dẫn đầu, đã tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư dành cho DN châu Âu tại TP. Biên Hòa, diễn ra vào ngày 4-11 vừa qua…

 

Hơn 40 doanh nghiệp đến từ các nước châu Âu do ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) châu Âu dẫn đầu, đã tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư dành cho DN châu Âu tại TP. Biên Hòa, diễn ra vào ngày 4-11 vừa qua…

Nhiều ý kiến của các nhà đầu tư xoay quanh các vấn đề hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong khi đó, Đồng Nai đang quan tâm đến những nhà đầu tư châu Âu và Nhật vốn có thế mạnh về công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Hiện các DN châu Âu đang thuộc tốp các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều dự án (DA) đầu tư tại Đồng Nai nhất, với 65 DA và tổng vốn lên đến 2,33 tỷ USD.

 * Đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng…

Đồng Nai hiện có khá nhiều nhà đầu tư châu Âu có tên tuổi và quy mô tương đối lớn đang hoạt động, “phủ sóng” ở nhiều ngành, nghề. Đơn cử là Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Thụy Sỹ) với vốn đầu tư hơn 410 triệu USD, chuyên sản xuất, chế biến, đóng gói và tiêu thụ thức uống dinh dưỡng, ngũ cốc, cà phê, sữa và các sản phẩm từ sữa, nước hoa quả không ga. Hay như các công ty: TNHH Robert Bosch Việt Nam (Đức, vốn đầu tư hơn 140 triệu USD), sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho các động cơ ô tô, động cơ xe; TNHH Shell Việt Nam (Hà Lan, vốn đầu tư 45,1 triệu USD), sản xuất, phân phối các loại dầu nhờn, mỡ công nghiệp; TNHH Akzo Nobel Coatings Việt Nam (Hà Lan, vốn đầu tư 29,6 triệu USD), sản xuất, gia công các loại sơn và nguyên vật liệu liên quan đến sơn; chi nhánh Công ty TNHH Metro Cash & Carry (Đức, vốn đầu tư 17 triệu USD), siêu thị bán buôn hàng hóa…

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao giấy phép mở rộng đầu tư cho Công ty Nestlé. Ảnh: V. Lâm
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao giấy phép mở rộng đầu tư cho Công ty Nestlé. Ảnh: V. Lâm

 

Nhiều DN châu Âu có mặt tại hội nghị tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề hạ tầng giao thông, vị trí địa lý của Đồng Nai cũng như các dịch vụ cảng biển, sân bay trong hiện tại và tương lai. Bởi xét trên mối tương quan với các địa phương lân cận như TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu thì Đồng Nai đang có tốc độ phát triển nhanh. Tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, Đồng Nai đang tập trung nguồn lực cho nhiều DA kết cấu hạ tầng giao thông như mở rộng quốc lộ 51; đường tránh TP.Biên Hòa; đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… Ngoài ra, dự án sân bay quốc tế Long Thành đã được Chính phủ phê duyệt và sẽ khởi công trước năm 2015. Về hệ thống cảng, Đồng Nai hiện có Cảng Đồng Nai và Cảng Gò Dầu đang hoạt động thường xuyên, riêng dự án Cảng Phước An và cụm cảng Phú Hữu cũng đang chuẩn bị được xây dựng với công suất gấp 2 - 4 lần các cảng đang hoạt động.

Nhà đầu tư châu Âu hiện được đánh giá có tiềm năng lớn về vốn, công nghệ; triển khai nhanh và hiệu quả; chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường và luôn quan tâm đến cộng đồng. Thời gian tới, Đồng Nai mong muốn các DN châu Âu đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp kỹ thuật cao; công nghiệp phụ trợ…Trong nông nghiệp, tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư châu Âu thực hiện các DA cơ sở hạ tầng, du lịch, đào tạo nghề; chế biến thực phẩm an toàn… Chủ trương của Đồng Nai là không thu hút đầu tư bằng cách ban hành các ưu đãi riêng ngoài quy định của pháp luật hiện hành, mà chủ yếu tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, thông qua sự ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ tốt môi trường sống, giải quyết hợp lý các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và công nhân, chú trọng bảo vệ an toàn cho doanh nhân, tăng cường cải tiến thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ trợ để các doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển… (trích ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái)

 

Giới thiệu về những tiềm năng ở Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh: “Lãnh đạo tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kể trên. Như vậy, từ nay đến năm 2020, nhiều dự án lớn sẽ bắt đầu hoạt động. Ngoài ra, các lĩnh vực khác, như: điện, nước, xử lý nước thải, nhà ở công nhân, dịch vụ… cũng sẽ được đầu tư đồng bộ để tạo nền tảng cho việc thu hút đầu tư lâu dài, ổn định. Hy vọng sau năm 2013, Đồng Nai sẽ đáp ứng được căn bản các yêu cầu của nhà đầu tư về kết cấu hạ tầng cơ sở và một số dịch vụ cơ bản khác…”.

* Nhân lực là trọng điểm

Rất quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ có trình độ cao để phục vụ các DA tại Đồng Nai do các DN châu Âu đầu tư, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu đặt câu hỏi: “Chúng tôi muốn biết, làm cách nào Đồng Nai đáp ứng được nguồn nhân công lành nghề để thực hiện các DA của chúng tôi?”. Cũng chung mối quan tâm, ngoài vấn đề thuế và công nghiệp phụ trợ, ông Erdal Elver - Giám đốc điều hành Siemens Việt Nam cho biết, DN của ông đang tìm kiếm địa điểm đầu tư nhà máy tại Việt Nam.

Một số sản phẩm điện cơ của tập đoàn Bosch sản xuất
Một số sản phẩm điện cơ của tập đoàn Bosch sản xuất

 

 

Trực tiếp trả lời những vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái khẳng định, nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề của Đồng Nai mỗi năm lên đến hàng chục ngàn người. Nắm bắt được điều này, Đồng Nai không ngừng cố gắng nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo và đến nay đã  đạt trên 50%. Tỉnh cũng đã có chương trình đào tạo cụ thể cho giai đoạn 2011-2015 với nhiều lĩnh vực, nhiều chuyên ngành. Đồng Nai hiện có 3 trường đại học, 8 trường cao đẳng nghề, hơn 100 cơ sở đào tạo nghề và nhiều chi nhánh trực thuộc các trường đại học của TP. Hồ Chí Minh. Cũng theo đó, một trong những lợi thế của Đồng Nai là cận kề TP. Hồ Chí Minh - điểm tập trung nhiều cơ sở, hình thức đào tạo - giáo dục của cả nước, do đó nguồn nhân lực của Đồng Nai cũng được hưởng thụ khá nhiều. Mặt khác trong tương lai, theo quy hoạch của Chính phủ, nhiều trường đại học lớn sẽ chuyển về Đồng Nai để giảm áp lực cho TP.Hồ Chí Minh. Đây sẽ là lợi thế lớn đối với các DN khi chọn Đồng Nai là điểm đến.

 

 
Ông Võ Quang Huệ - Tổng giám đốc Robert Bosch Việt Nam: Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền địa phương

 

“Chúng tôi có mặt ở Việt Nam từ năm 1993 và gần đây đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Đồng Nai. Mới đây nhất, với DA sản xuất dây đai truyền lực và linh kiện ô tô tại Long Thành, chúng tôi đã quyết định tăng vốn đầu tư từ 52 triệu lên 100 triệu euro. Đến nay, DA đang tiến hành thuận lợi, nhưng quan trọng nhất là chúng tôi đã nội địa hóa 100% các sản phẩm của nhà máy. Có nhiều lý do khiến chúng tôi chọn Đồng Nai làm nơi đầu tư, đáng kể là vị trí thuận lợi; giao thông khá tốt; nguồn nhân lực đáp ứng đủ (hiện tại trên 53% nhân sự đang làm việc cho Bosch là ở Đồng Nai)… và nhất là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với nhà đầu tư. Chẳng hạn, khi đầu tư DA, chúng tôi chỉ mất 3 tuần để nhận lại mọi giấy tờ liên quan đến công tác đầu tư của nhiều cấp, ngành; từ UBND tỉnh đến Ban Quản lý các KCN hay Sở Kế hoạch - đầu tư, thuế, hải quan… theo đúng quy trình. Nguồn điện cũng được cung cấp ổn định cho chúng tôi suốt 3 năm qua”.

 Ông David John Champion - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bayer Việt Nam: Đầu tư ở Đồng Nai có nhiều thuận lợi lớn

 

 

“Bayer có mặt ở Việt Nam đã 19 năm với ngành nghề chính là chế tạo dược phẩm phục vụ nông nghiệp. Điều mà chúng tôi thấy hài lòng nhất là  quá trình sản xuất đã nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu về chất lượng, doanh thu. Ngoài ra, chúng tôi còn được hỗ trợ tích cực từ phía địa phương. Ví dụ, năm 2000, khi có nhu cầu mở rộng đầu tư, chúng tôi nhanh chóng được giải quyết về thủ tục để nhận thêm 3 hécta đất. Điều này đã tạo thuận lợi lớn cho DN khi đến Đồng Nai đầu tư. Mặt khác, tất cả kiến nghị chúng tôi gửi đến lãnh đạo tỉnh, đều được giải quyết nhanh và rõ ràng từ phía các cơ quan hữu quan. Hiện Bayer Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt về sản lượng, doanh thu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á”.

K.Ngân

 

 

Vi Lâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều