Khoảng một tuần nay, tại một số vùng nông thôn trong tỉnh liên tục có sương mù dày đặc vào buổi sáng và chiều. Hiện tượng thời tiết trên làm nông dân lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất cây trồng…
Khoảng một tuần nay, tại một số vùng nông thôn trong tỉnh liên tục có sương mù dày đặc vào buổi sáng và chiều. Hiện tượng thời tiết trên làm nông dân lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất cây trồng…
Toàn tỉnh hiện có gần 346 ngàn hécta cây trồng các loại. Trong đó, cây hàng năm khoảng 180 ngàn hécta, cây công nghiệp lâu năm hơn 119 ngàn hécta và cây ăn quả 47 ngàn hécta. Giá trị trồng trọt hàng năm đem lại khoảng 4.600 tỷ đồng. Do đó, thời tiết bất lợi cho cây trồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của nông dân.
* Cây trồng dễ bị bệnh
Hiện tượng sương mù vào buổi sáng và buổi chiều là do có đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào khiến nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh nhau nhiều, dẫn đến sương mù. Đối với các loại cây trồng thì hiện tượng bất thường này gây hại không nhỏ, vì độ ẩm trong không khí tăng sẽ phát sinh nấm, sâu hại phát triển nhanh và dễ dàng lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, với một số cây trồng không ưa độ ẩm cao, như: cây có múi, tiêu, sầu riêng, cao su, lúa, bắp… rất dễ mắc bệnh.
Sương mù làm độ ẩm cao gây ảnh hưởng cây trồng (ảnh chụp ở Biên Hòa sáng 11-10). Ảnh: H. Giang
Ông Trần Khanh ở xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) thổ lộ: “Năm nay mưa nhiều kèm sương mù, sẽ ảnh hưởng lớn đến vườn tiêu. Với độ ẩm cao như hiện nay, nếu không đào mương thoát nước và chăm sóc tốt cho vườn cây thì các loại nấm, bệnh sẽ phát sinh rất nhanh. Tuy chăm sóc và phòng bệnh khá kỹ cho vườn tiêu, song với tình hình thời tiết này thì vụ tiêu tới chắc chắn năng suất sẽ giảm khoảng 20%”. Cùng nhận định như ông Khanh, ông Lê Văn Thịnh ấp 3, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) lo lắng nói: “Gần đây, thời tiết thất thường làm cây lúa khó có thể đề kháng với các loại bệnh. Để hạn chế nấm phát triển trên lúa, tôi phải tiến hành phun xịt thuốc đặc trị để phòng trừ mới bớt. Nhưng nếu sương mù tiếp tục kéo dài thêm nhiều ngày nữa thì cây lúa không chỉ bị bệnh mà các loại sâu, rầy khác cũng sẽ gây hại, ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch”.
* Giải pháp giảm sâu bệnh
Đề cập về tình hình thời tiết trong những ngày qua, ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, sương mù và mưa nhiều rất thuận lợi để đối tượng dịch hại phát sinh làm thiệt hại cây trồng. Trong điều kiện thời tiết bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nông dân nên áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, chăm sóc tốt vườn cây.
Đào mương thoát nước tốt cho vườn tiêu sẽ hạn chế được sâu bệnh. Ảnh: H. Giang
Theo ông Tú, hiện diện tích lúa, bắp, tiêu, cao su, sầu riêng, cây có múi… trên toàn tỉnh bị bệnh đang tăng lên, làm cây rụng lá, nấm hồng ở cao su; chảy mủ, loét loại có múi; cháy lá vi khuẩn, đạo ôn trên lúa và đốm lá ở bắp. Do đó, với cây trồng cạn, nông dân cần thoát nước tốt cho vườn cây, khi mưa xuống sẽ hạn chế được nấm bệnh lây lan và tăng nhanh. Đồng thời, bón phân đầy đủ để tạo sức đề kháng cho cây, chú ý bón thêm lân, kali và phân chuồng ủ hoại. Ngoài ra, nông dân thường xuyên thăm vườn, nếu phát hiện cây bị bệnh nặng thì tiến hành phun thuốc đặc trị và phun vào thời điểm không có mưa thuốc mới phát huy hiệu quả. Riêng với cây tiêu trong điều kiện hiện nay, phải hạn chế đi lại trong vườn vì có thể gây tổn thương bộ rễ làm nấm bệnh dễ xâm nhập. Về cây lúa, chú ý giảm lượng phân ure, duy trì mực nước vừa đủ và áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”.
Thời gian gần đây, các loại cây trồng có diện tích lớn như: tiêu, cà phê, điều, sầu riêng, xoài, cây có múi, lúa, bắp, mì… được ngành nông nghiệp xây dựng các mô hình điểm về phòng trừ dịch hại, thâm canh tăng năng suất, chất lượng. Các hộ tham gia mô hình này khi thu hoạch, sản lượng tăng gấp 1,5 -3 lần, trong khi chi phí đầu vào thấp hơn hoặc bằng so với phương pháp sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, nếu không có những giải pháp chăm sóc tốt, sẽ gây bất ổn đối với sản xuất nông nghiệp.
Hương Giang