Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10: Làm sao vượt khó?

08:10, 12/10/2011

“Khoác” trên mình chiếc áo “đầu tàu kinh tế”, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước không phải là chuyện hoàn toàn “dễ chịu” đối với mỗi doanh nhân. Làm sao lèo lái con thuyền doanh nghiệp (DN) để có thể vượt qua những khó khăn như hiện nay là cả vấn đề cần chia sẻ…

“Khoác” trên mình chiếc áo “đầu tàu kinh tế”, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước không phải là chuyện hoàn toàn “dễ chịu” đối với mỗi doanh nhân. Làm sao lèo lái con thuyền doanh nghiệp (DN) để có thể vượt qua những khó khăn như hiện nay là cả vấn đề cần chia sẻ…

Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, số DN gửi đơn thông báo phá sản hoặc ngưng hoạt động gần đây cho thấy, họ đang đứng trước những khó khăn khắc nghiệt nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

 * Nhìn thẳng thực tế

Trong buổi giao lưu giữa lãnh đạo tỉnh với giới DN Đồng Nai nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, tổ chức ngày 10-10 vừa qua, không ít người bày tỏ quan điểm khá thẳng thắn là trong bối cảnh này, doanh nhân phải dám nhìn thẳng vào thực tế. Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nhận định: “Có thể nói, thời điểm này, hàng loạt những khó khăn của nền kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến doanh nhân Việt Nam. Chính vì vậy, DN phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Theo ông Bình, vì quá khó khăn nên bản thân Công ty cổ phần Thanh Bình do ông làm Chủ tịch hội đồng quản trị cũng phải đóng cửa 3 nhà máy. Song với ông, điều này là bình thường bởi một khi hoạt động không hiệu quả thì tạm thời ngưng hoạt động là hợp lý.

Công nhân đang sản xuất sản phẩm bao bì nhựa ở Công ty cổ phần Đồng Thắng.
Công nhân đang sản xuất sản phẩm bao bì nhựa ở Công ty cổ phần Đồng Thắng.

Ông Phạm Trịnh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại Mai Khôi, doanh nghiệp chuyên kinh doanh phân bón (có thị trường ở miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Campuchia) cho biết, trong hai năm 2010 và 2011, ngành nông nghiệp gặp nhiều rủi ro bởi thời tiết thất thường, liên tục xảy ra bão lũ ở miền Trung và ngập lụt ở miền Tây Nam bộ. Hàng ngàn hécta lúa, hoa màu bị mất gây thiệt hại lớn đến kinh tế nói chung và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống các hộ dân ở những khu vực này. Là ngành nghề gắn bó mật thiết với nông dân, nên tình hình sản xuất nông nghiệp bất lợi đã tác động mạnh tới DN. Không chỉ vậy, những vấn đề khác như lãi suất ngân hàng cao, lạm phát, tín dụng bị siết chặt, biến động tỷ giá ngoại tệ… cũng làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, khiến DN phải chống đỡ khá vất vả.  Theo kế hoạch, năm nay Mai Khôi nhập khẩu và cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 180 ngàn tấn phân các loại, tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Nói về việc kinh doanh của đơn vị mình, anh Thắng tâm sự: “Năm ngoái, doanh thu của chúng tôi đạt 1.600 tỷ đồng, năm nay doanh thu sẽ vượt số đó. Do tình hình lạm phát nên mặc dù doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận lại giảm!”.

* Tiếp tục kỳ vọng

Ông Vũ Ngọc Quốc, Phó tổng giám đốc Tài chính của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải cũng chia sẻ một số biện pháp mà nơi đây đang áp dụng để tái cấu trúc DN trong thời điểm khó khăn hiện tại. Theo đó, Trường Hải vẫn tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất xe bus, dịch vụ cảng logistic ở Quảng Nam. Riêng tại Đồng Nai, DN sẽ nâng cấp nhà máy và tiếp tục đầu tư showroom. Hiện tại, tổng tài sản của Trường Hải khoảng 9 ngàn tỷ đồng và đang cố gắng giảm thiểu vốn vay. Theo ông Quốc, ô tô Trường Hải đang thực hiện tái cơ cấu nhân sự để tạo hiệu quả sản xuất - kinh doanh tốt nhất, bằng cách sàng lọc nhân sự, tuyển dụng người giỏi cho giai đoạn phát triển sắp tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái: Doanh nghiệp cần chủ động “cưỡi sóng”

Tại buổi họp mặt doanh nhân ngày 10-10 vừa qua với Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh: Thời điểm này, sau những “liều thuốc đắng” của Nghị quyết 11, kinh tế đã bắt đầu có tín hiệu tốt qua việc lãi suất giảm, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) có xu hướng hạ. Tuy nhiên, DN không được chủ quan mà cần nhận thức rõ về những khó khăn trước mắt nhằm đặt ra những giải pháp tháo gỡ. Trước các vấn đề như tái cấu trúc hay đầu tư mở rộng, DN phải cẩn trọng tính toán để “cưỡi sóng” một cách khôn ngoan. UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, vướng mắc, tiến tới làm ăn hiệu quả.

Trên lĩnh vực sản xuất khác, nhiều DN đang tự bươn chải nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời đặt nhiều kỳ vọng cho năm tới. Một trong những ngành nghề được xem là có mức “cán đích” sớm năm nay là may mặc xuất khẩu. Thời điểm này, các DN đã có đơn đặt hàng đến hết năm và một số có hàng sản xuất năm 2012. Tổng công ty may Đồng Nai (Donagamex) cho biết, đến nay công ty đã ký hợp đồng sản xuất đến hết quý I năm 2012. Trong 9 tháng đầu năm 2011, doanh thu của Donagamex đạt 700 tỷ đồng, cao hơn cả năm 2010 là 80 tỷ đồng. Dự kiến, doanh thu cả năm 2011 của tổng công ty đạt gần 1 ngàn tỷ đồng, cao hơn gần 200 tỷ đồng so với kế hoạch. Mức tăng trưởng năm nay của Donagamex tăng 70% so năm ngoái. Nhận định về tình hình sản xuất - kinh doanh trong năm 2012, ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Donagamex cho rằng, nếu không có biến động thì mức tăng trưởng của ngành may mặc sẽ không cao như năm nay mà chỉ tăng khoảng 50%.

Khắc Giới - Vi Lâm

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều