Đồng Nai đang là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, với tỷ trọng trong GDP hàng năm chiếm trên 57% và đến nay đã thu hút gần 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) chuyên ngành còn thiếu và phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện, thiết bị, các nguyên liệu cho lắp ráp, chi phí cao, giá trị gia tăng thấp..., dẫn đến tình trạng nhập siêu lớn, nên luôn mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu hàng năm…
Đồng Nai đang là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, với tỷ trọng trong GDP hàng năm chiếm trên 57% và đến nay đã thu hút gần 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) chuyên ngành còn thiếu và phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện, thiết bị, các nguyên liệu cho lắp ráp, chi phí cao, giá trị gia tăng thấp..., dẫn đến tình trạng nhập siêu lớn, nên luôn mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu hàng năm…
* Thấy được điểm yếu
Có thể nói, trong thời gian qua, ngành công nghiệp Đồng Nai chỉ mới phát triển theo chiều rộng, với hầu hết các ngành chủ lực như: dệt may, giày dép, cơ khí ô tô, xe máy, điện tử... sản xuất còn mang nặng gia công, lắp ráp; nguyên vật liệu, linh kiện chủ yếu nhập khẩu, nên giá trị gia tăng thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao...
Công ty VMEP - SYM, sản xuất xe máy hiệu quả nhờ vào CNPT.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do các ngành CNPT chưa phát triển mạnh.
Đồng Nai hiện có 3 ngành công nghiệp có khả năng thúc đẩy và kéo theo các ngành CNPT phát triển đó là: cơ khí; điện - điện tử và dệt may - giày dép. Đồng thời, trên thực tế thời gian qua, CNPT cho 3 ngành này đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một số sản phẩm (như xe máy, ô tô, điện - điện tử...) và cung cấp phụ tùng linh kiện cho các ngành công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết ngành CNPT của Đồng Nai hiện nay chủ yếu vẫn là do các doanh nghiệp sản xuất linh kiện Nhật Bản, Đài Loan và phần nhỏ là các doanh nghiệp trong nước cung ứng. Vì, CNPT và các ngành công nghiệp chính yếu của tỉnh vẫn chưa tìm được mối liên kết với nhau để hướng tới chuyên môn hóa và hợp tác hóa trong sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp do chưa tính toán được mức lợi nhuận so với chi phí đầu tư và chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp lớn đặt hàng, nên chưa mạnh dạn đầu tư vào ngành sản xuất này.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, CNPT đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cuối cùng (công nghiệp sản xuất, lắp ráp) và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng vừa mở rộng, vừa phát triển theo chiều sâu. Bên cạnh đó, sự phát triển của CNPT sẽ góp phần hình thành mối liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã thu hút được một số dự án đầu tư sản xuất các chi tiết linh kiện máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu như: sản xuất nút áo, đế giày, vải sợi…Thế nhưng, mức độ đầu tư còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu và việc sắp xếp các nhà máy sản xuất chưa hợp lý và chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi, nên không khuyến khích được nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực này. Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: “Nếu để kéo dài tình trạng trên, thì ngành công nghiệp của tỉnh sẽ không chủ động được sản xuất, mà phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện, thiết bị và các nguyên liệu cho lắp ráp, từ đó không giảm được chi phí, khó cạnh tranh trên thị trường và tỷ trọng nhập siêu khó có thể giảm được”.
* Cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Từ thực tế tình hình nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh thành lập một số khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành sản xuất sản phẩm CNPT. Những KCN này được chọn từ những KCN đã có trong quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ cho phép các KCN này được hưởng các chính sách ưu đãi cả về cho vay vốn đầu tư, lẫn thuế và tiền thuê đất...
Được biết thời gian qua, tỉnh Đồng Nai cũng đã có chiến lược đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNPT. Bên cạnh đó, tỉnh luôn xem trọng việc tiếp thu và nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, quản lý từ các đối tác, các nhà đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong tỉnh...
Ông Matsuda Hirotoshi, chuyên viên văn phòng Dự án phát triển ngành CNPT (Nhật Bản) khuyến cáo, chuẩn bị cho năm 2015, khi các nước ASEAN xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, DN Việt Nam cần thắt chặt tinh thần liên kết, đoàn kết trong du nhập kỹ thuật mới, trao đổi thông tin kỹ thuật - sản xuất, tổ chức các lớp học; cải thiện điều kiện mua bán vật tư bằng cách cùng nhau hợp tác mua bán. Ông đưa ra mô hình liên kết hàng ngang theo dạng DN giữa các địa phương, trong cộng đồng khu vực, hợp tác xã theo cùng lĩnh vực và liên kết theo hàng dọc thông qua chuỗi cung ứng. Phía Nhật Bản rất quan tâm và luôn thể hiện thiện chí hợp tác, hỗ trợ việc phát triển CNPT của Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo động lực phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đồng thời hạn chế nhập siêu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, Đồng Nai chỉ có con đường tổ chức sắp xếp lại sản xuất theo hướng thu hút các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ; kể cả ưu tiên khuyến khích đầu tư vào CNPT đối với những ngành quan trọng, những ngành công nghệ cao, những ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội.... Ngoài ra, để phát triển nhanh ngành CNPT, Đồng Nai nên đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa trong hợp tác, liên doanh và liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng các linh kiện, sản phẩm phụ trợ. Cũng theo các chuyên gia kinh tế, trước đây chúng ta chỉ mới quan tâm đến liên doanh thông qua việc góp vốn đầu tư, gia công sản phẩm đơn giản, thì nay đã đến lúc phải coi trọng liên doanh, liên kết dưới dạng đối tác chiến lược, doanh nghiệp vệ tinh, chuyển nhượng bản quyền, thương hiệu... Và, chỉ có đa dạng hóa liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư, thì các doanh nghiệp trong nước mới là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.
Cùng với việc hình thành nhanh các khu, cụm công nghiệp phụ trợ và khuyến khích đầu tư bằng các chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý, các chuyên gia còn đề nghị tỉnh thiết lập định chế tài chính và hệ thống hỗ trợ tín dụng để cung cấp tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp được vay vốn từ ngân hàng); đồng thời xây dựng các trung tâm đào tạo kinh doanh, chuyển giao, hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi khi tham gia sản xuất…
Lê Hiền