Đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ phát triển diện tích trồng mía lên gần 11 ngàn hécta. Việc quy hoạch vùng sản xuất mía là để các nhà máy trong tỉnh tránh tranh chấp trong thu mua nguyên liệu và có chính sách đầu tư cho nông dân. Tuy nhiên, nông dân sẽ được hưởng lợi gì khi mía được quy hoạch thành vùng nguyên liệu?
Giống mía mới K95-84 trồng tại một số hộ ở xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) cho năng suất hơn 100 tấn/hécta/năm. |
Đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ phát triển diện tích trồng mía lên gần 11 ngàn hécta. Việc quy hoạch vùng sản xuất mía là để các nhà máy trong tỉnh tránh tranh chấp trong thu mua nguyên liệu và có chính sách đầu tư cho nông dân. Tuy nhiên, nông dân sẽ được hưởng lợi gì khi mía được quy hoạch thành vùng nguyên liệu?
Hai năm liền cây mía được giá nên năm nay, nông dân trong tỉnh tăng diện tích trồng mía lên gần 9 ngàn hécta. Địa phương có diện tích trồng mía nhiều là các huyện: Định Quán, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Xuân Lộc và Vĩnh Cửu. Năng suất bình quân của cây mía trong tỉnh một vài năm gần đây chỉ đạt gần 60 tấn/hécta/năm, nên lợi nhuận nông dân thu được hơn 30 triệu đồng/hécta/năm.
* Nhiều chính sách hỗ trợ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy mía đường là Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (Vĩnh Cửu) và Công ty cổ phần mía đường La Ngà (Định Quán). Hai nhà máy đường có công suất ép gần 5 ngàn tấn mía cây/ngày, vì thế sản lượng mía trong tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy. Những năm qua, để có vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất ổn định, các nhà máy đều đưa ra các chính sách hỗ trợ vốn, giống, phân bón, kỹ thuật cho nông dân và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thành. Đại diện Công ty cổ phần mía đường La Ngà cho biết, năm 2010 công ty đầu tư cho nông dân trồng mía Đồng Nai với số tiền gần 61 tỷ đồng. Trong đó, những hộ trồng mía mới được vay bình quân khoảng 20 triệu đồng/hécta, mía gốc là 10 triệu đồng/hécta. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ không hoàn lại từ 1-5 triệu đồng/hécta đối với những hộ chuyển đổi từ cây trồng lâu năm sang trồng mía. Hàng năm, công ty còn bỏ ra khoảng 1,5 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm kịp thời vận chuyển mía của nông dân về nhà máy.
Phía Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An cũng đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ nông dân ở các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Nhơn Trạch để mở rộng vùng nguyên liệu mía bằng cách cho vay vốn từ 14-28 triệu đồng/hécta. Sau khi thu hoạch mía bán cho nhà máy, nông dân mới phải thanh toán vốn vay. Ngoài ra, nhà máy còn có thêm các chính sách như: nông dân ký hợp đồng bán mía cho nhà máy 4 vụ liên tiếp sẽ được hỗ trợ không hoàn lại từ 2-4 triệu đồng/hécta bằng giống, phân bón. Tính ra, nguồn vốn mà doanh nghiệp đầu tư cho nông dân vay để trồng, chăm sóc mía, ước khoảng trên 100 tỷ đồng.
* Nâng cao năng suất
Nông dân xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) chuẩn bị giống mía mới để trồng. Ảnh: H.Giang |
Thực tế, trong các loại cây trồng ở Đồng Nai thì cây mía tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Do đó, nông dân trồng mía yên tâm không phải lo đầu ra vì đã có 2 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tuy diện tích trồng mía trong tỉnh thời gian qua tăng, nhưng vì năng suất đạt thấp nên thu nhập của nông dân chưa cao, khiến nhiều hộ dân chưa thực sự mặn mà và gắn bó với cây mía. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định: “Quy hoạch vùng nguyên liệu mía trong tỉnh là tránh cho 2 doanh nghiệp chồng lấn trong việc đầu tư cho nông dân và mua nguyên liệu. Song, muốn phát triển vùng nguyên liệu lên gần 11 ngàn hécta như quy hoạch, doanh nghiệp chú ý nghiên cứu đưa các giống mía mới, năng suất cao về cho nông dân sản xuất. Đồng thời, chuyển giao các kỹ thuật mới cho người trồng mía để nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích thì nông dân mới yên tâm đầu tư cho cây mía”.
Hai năm nay, giá mía luôn ở mức cao giúp nông dân lời hơn 30 triệu đồng/hécta/năm, nhưng so với một số cây trồng khác như bắp, đậu thì lợi nhuận của cây mía vẫn thấp. Do đó, nếu nông dân sử dụng giống mới, áp dụng kỹ thuật mới có thể đẩy năng suất mía lên 70-80 tấn/hécta/năm, với giá mía như niên vụ 2010-2011 thì lợi nhuận sẽ tăng thêm từ 10-20 triệu đồng/hécta/năm. Điển hình là thời gian qua, một số nông dân trồng mía ở huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom đã trồng giống mía mới K95-84 cho thu hoạch trên 100 tấn/hécta/năm, lợi nhuận thu được gần 70 triệu đồng/hécta/năm.
Hương Giang