Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân có khó tiếp cận vốn vay?

08:09, 12/09/2011

Ngân hàng có làm khó nông dân trong vấn đề tiếp cận vốn? Làm sao để quan hệ tín dụng giữa nông dân và ngân hàng suôn sẻ hơn? Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai (Agribank Đồng Nai) - đơn vị chủ lực trong cho vay nông nghiệp - nông thôn ở Đồng Nai đã trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này.

Ông Nguyễn Huy Trinh
Ông Nguyễn Huy Trinh
Ngân hàng có làm khó nông dân trong vấn đề tiếp cận vốn? Làm sao để quan hệ tín dụng giữa nông dân và ngân hàng suôn sẻ hơn? Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai (Agribank Đồng Nai) - đơn vị chủ lực trong cho vay nông nghiệp - nông thôn ở Đồng Nai đã trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này.

Vốn: Ngân hàng thừa - nông dân thiếu

* PV: Có thông tin cho rằng, các ngân hàng đang làm khó nông dân trong việc tiếp cận các khoản vay nông nghiệp - nông thôn? Với cương vị giám đốc, ông nghĩ thế nào?

- Ông Nguyễn Huy Trinh: Theo tôi, thông tin đó chưa chính xác. Hiện tại, dư nợ của Agribank cho khu vực này khoảng 4 ngàn tỷ đồng, chiếm 50% dư nợ nông nghiệp - nông thôn ở Đồng Nai. Bản thân Agribank Đồng Nai cũng cần nông dân, bởi đây là khách hàng chính, là thị trường chính của chúng tôi, do đó không có lý do nào để “làm khó” họ. Tuy nhiên, tôi thừa nhận tình trạng “ngân hàng thừa vốn - nông dân thiếu vốn” là có. Agribank Đồng Nai cũng đang dư vốn, song nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được. Tuy nhiên, tiếp cận vốn khó là do ba nguyên nhân: Thứ nhất, người nông dân chưa mạnh dạn đến ngân hàng để đề xuất nhu cầu vay vốn của mình. Thứ hai, sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể xã hội ở nông thôn và các ban ngành liên quan chưa thực sự đầy đủ; chưa gắn kết được nhà nước với doanh nghiệp, với công tác khuyến nông, đào tạo nghề để nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và trả được nợ ngân hàng. Thứ ba, hoạt động cho vay đối với nông dân của ngân hàng còn cứng nhắc, chưa tháo gỡ được những khó khăn của người vay vốn trong điều kiện thực tế.

* Vậy, có hay không chuyện cán bộ của Agribank làm khó nông dân, hoặc không tận tình khi người dân có nhu cầu vay vốn?

- Đối với Agribank Đồng Nai, tôi thấy rằng đại bộ phận cán bộ tín dụng ở các khu vực nông thôn đã làm tốt và hết trách nhiệm của mình, được nông dân tín nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi không phủ nhận, một số cán bộ tín dụng vẫn chưa nhiệt tình hoặc làm khó người vay vốn. Trầm trọng hơn, đã nảy sinh hiện tượng “tín dụng đen” thông qua một số cán bộ tín dụng kém phẩm chất, nên gây thiệt hại cho cả nông dân và uy tín ngân hàng. Một số biện pháp của chúng tôi đối với tình trạng này là: quán triệt nội bộ và nâng cao đạo đức nghề nghiệp; thực hiện luân chuyển cán bộ định kỳ, tránh tình trạng một cán bộ “nằm” quá lâu ở một địa phương. Mặt khác, chúng tôi sẽ thiết lập đường dây nóng cho bà con nông dân phản ảnh trực tiếp vấn đề vay vốn khi có vướng mắc... Tôi cam đoan sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp sai phạm, làm ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước đối với nông dân.

Giao dịch tại Agribank Đồng Nai. Ảnh: V.NAM
Giao dịch tại Agribank Đồng Nai. Ảnh: V.NAM

Một bất cập khác trong vấn đề thỏa mãn vốn là một số cán bộ tín dụng khi duyệt hồ sơ vay, vẫn làm theo thói quen nhiều năm nay mà không tính đến sự biến động của giá cả thị trường. Chẳng hạn, trong khi phân bón, giống, thuốc trừ sâu... tăng giá mạnh, chi phí sản xuất tăng mà vẫn duyệt mức cho vay như nhiều năm trước thì nông dân không đủ vốn sản xuất. Vấn đề này cũng sẽ được khắc phục trong thời gian tới.

Lãi suất sẽ giảm tuy chưa nhiều 

 * Nhiều nông dân phản ảnh, vay tín chấp vẫn phải thế chấp tài sản, ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?

-  Ở đây có sự nhầm lẫn giữa vay tín chấp và thế chấp mà nhiều nông dân chưa nắm rõ. Cụ thể, nhiều người cho rằng, vay tín chấp mà phải giao sổ đỏ, hoặc giấy chứng nhận đất canh tác hợp pháp không tranh chấp cho ngân hàng, thì khác gì vay thế chấp? Tuy nhiên, cần hiểu rõ thế chấp và tín chấp khác nhau về mặt thủ tục. Với vay thế chấp, người vay phải mất thời gian để chứng nhận nhiều loại thủ tục, giấy tờ, trong khi vay tín chấp chỉ cần giao sổ đỏ cho ngân hàng, thủ tục rất nhanh gọn. Mục đích giữ giấy tờ của phía ngân hàng trong vay tín chấp là nhằm tránh tình trạng người vay mang giấy tờ đi thế chấp tại ngân hàng khác hoặc sang nhượng, mua bán trong thời gian vay vốn. Đó là cách mà ngân hàng phải làm để tránh rủi ro. Mặt khác, nên hiểu cụm từ “cho vay tín chấp đến 50 triệu hay 500 triệu”, có nghĩa là không phải bất kỳ hồ sơ nào cũng được duyệt vay ở mức đó, mà tùy vào nhu cầu sử dụng thực tế, ngân hàng sẽ duyệt  mức vay phù hợp.

*  Lãi suất cao đang là vấn đề lớn với nông dân. Vậy theo ông, với tỷ suất lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro thì lãi suất khu vực này bao nhiêu là hợp lý?

-  Tôi cũng cho rằng, lãi suất khu vực nông nghiệp - nông thôn hiện tại quá cao. Mặc dù Agribank Đồng Nai đang áp dụng mức lãi suất thấp nhất có thể cho các đối tượng vay nông nghiệp, song lãi suất trên dưới 18% vẫn cao so với tỷ suất lợi nhuận của khu vực này. Về giảm lãi suất, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước vào khoảng trung tuần tháng 9, dự kiến chúng tôi sẽ giảm lãi vay khu vực nông nghiệp - nông thôn xuống mức 17%/năm (giảm từ 1 - 1,5%/năm).

* Làm sao  để nông dân dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn, thưa ông?

-  Khi có nhu cầu vay hoặc tư vấn, người dân cần đến trực tiếp các điểm giao dịch của ngân hàng, không thông qua trung gian. Mặt khác, có thể phản ảnh nhu cầu vay vốn qua Hội Nông dân và các đoàn thể, hiệp hội. Về mặt thủ tục, các loại giấy tờ như sổ đỏ, giấy chứng nhận trang trại... cần được phía nhà nước hỗ trợ kịp thời cho nông dân vì đó là cơ sở để ngân hàng duyệt hồ sơ vay vốn. Các tổ chức đoàn thể xã hội cần tổ chức kênh tiếp vốn cho nông dân như các nghị quyết liên ngành đã ký với Agribank.

* Xin cảm ơn ông!

 Vi Lâm (thực hiện)

Tin xem nhiều