Việt Nam là quốc gia đang được nhiều nhà đầu tư trên thế giới hướng đến, trong đó có các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản. Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các DN đến từ Nhật Bản.
Việt Nam là quốc gia đang được nhiều nhà đầu tư trên thế giới hướng đến, trong đó có các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản. Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các DN đến từ Nhật Bản.
Định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Đồng Nai trong giai đoạn mới là tập trung cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường và không sử dụng nhiều lao động. Do vậy, mời đón các nhà đầu tư Nhật Bản rất phù hợp với chủ trương này.
* Đón đầu cơ hội
Sau 15 năm đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai, đến nay Công ty phát triển KCN Long Bình (Loteco - liên doanh giữa Tập đoàn Thái Sơn với Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản) đã lấp kín diện tích cho thuê với 51 DN đầu tư vào đây, trong đó có 14 DN Nhật Bản. Là nhà kinh doanh hạ tầng KCN Nhật lại có khá nhiều DN đến từ Nhật đầu tư vào đây nên Loteco hiểu rõ về các DN này. Ông Toshio Kazama, Tổng giám đốc Loteco chia sẻ: “Đến nay, các KCN do DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam mới có 4 KCN, phía Bắc có 3 và miền Nam có 1 (Loteco). Đối với các DN Nhật Bản, trước khi xây dựng nhà máy, việc quan tâm đầu tiên là xử lý chất thải. Các DN này không chỉ chú ý đến những quy định về môi trường của chính quyền sở tại, mà còn quan tâm tổng thể việc bảo vệ môi trường chung. Nhờ vậy, các DN Nhật Bản luôn cùng nhau chấp hành các chính sách bảo vệ môi trường rất tốt”.
Tiến sĩ Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KHCN đang giới thiệu với một DN Nhật Bản quan tâm về Khu công nghệ sinh học Đồng Nai tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: V.N |
Ông Toshio Kazama cũng cho biết, công ty đang đầu tư thêm 1 KCN ở huyện Long Thành (KCN Long Đức) với diện tích 270 hécta, gần gấp 3 lần KCN Loteco Long Bình. Việc đầu tư mới KCN Long Đức của Loteco là nhắm vào các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, nhằm đón đầu các DN đến từ Nhật Bản. “Đến với hội nghị xúc tiến đầu tư của Đồng Nai lần này có rất nhiều DN Nhật Bản tiềm năng, họ tới tìm hiểu xem Đồng Nai có những ưu điểm và thế mạnh gì để quyết định cho việc đầu tư” - ông Kazama nói.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, sau đợt thiên tai động đất và sóng thần, các DN Nhật Bản đã hình thành 2 xu hướng đầu tư khá rõ nét. Một số DN đưa vốn trở về Nhật Bản để đầu tư tái thiết đất nước, một số khác thì tìm đến những địa chỉ an toàn ở nước ngoài để đầu tư. Đây cũng là một cơ hội tốt để thu hút những dòng đầu tư mới đến từ Nhật Bản.
* Còn không ít băn khoăn
Ông Shohei Onoshi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Onishi Manufacturing chuyên sản xuất về khoan máy vừa được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai xây dựng nhà máy tại KCN Loteco, nói: “Theo kế hoạch, khoảng tháng 3-2012 nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư ở Đồng Nai. Tôi mong muốn chính quyền sẽ tạo điều kiện tốt cho DN về thủ tục hành chính và hải quan. Điều tôi băn khoăn là tình trạng lao động ở đây không ổn định”. Tổng giám đốc Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (TIPA) Keichi Muto (KCN Amata) đang mở rộng sản xuất cũng kỳ vọng việc cơ sở hạ tầng ở địa phương phát triển theo đúng kế hoạch. Cụ thể là mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, cảng biển và sân bay quốc tế mới; tăng cường nguồn cung cấp điện; thu hút phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và đào tạo nguồn nhân lực. Theo kế hoạch mở rộng sản xuất của TIPA, đến năm 2015 sẽ sản xuất khoảng 1,2 triệu động cơ điện hiệu suất cao cung cấp cho toàn cầu, đặc biệt là thị trường Bắc Mỹ.
Còn ông Toshiyuky Nakane, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến đầu tư Nhật Bản ở Đồng Nai (trực thuộc Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh) thì phản ảnh rằng, các DN Nhật Bản đang băn khoăn về tình hình thiếu điện, đường giao thông và mất ổn định của công nhân sẽ gây khó khăn cho DN. “Đối với DN sản xuất thì nguồn điện không khác gì huyết mạch. Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn thủy điện, vì vậy năm 2010 khi lượng mưa ít, dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất của DN. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ các DN Nhật Bản về kế hoạch bảo dưỡng và nâng cấp quốc lộ 51 - con đường vận chuyển hàng quan trọng xuống cảng Cái Mép - Thị Vải. Tình trạng đình công bất hợp pháp của một số công nhân cũng gây ra khó khăn. Đồng Nai là nơi mà các DN Nhật Bản đang rất quan tâm, vì vậy tôi rất mong UBND tỉnh xem xét vấn đề này để tạo môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn” - ông Toshiyuky Nakane nói.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Đồng Nai diễn ra vào ngày 29-7-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái rất hoan nghênh những đóng góp của các DN Nhật Bản. Một số kiến nghị thuộc thẩm quyền của trung ương sẽ được tỉnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét. Những vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ được giải quyết ngay.
Số lượng DN thành viên của Hiệp hội DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang có xu hướng tăng. Tính đến tháng 7-2011, toàn Hiệp hội đã có 510 hội viên, trong đó có 50 DN đầu tư vào tỉnh Đồng Nai. Tôi được biết, đến cuối năm 2010, các DN Nhật Bản có 91 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ 101 triệu USD vào các KCN của tỉnh Đồng Nai tạo việc làm cho trên 41.500 lao động. Tôi tin tưởng với sự lãnh đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Công đoàn lao động và các KCN của tỉnh Đồng Nai cùng sự hợp tác các DN Nhật Bản sẽ khắc phục được những vấn đề nảy sinh. Môi trường đầu tư giữa hai nước đang trong giai đoạn chín muồi và việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang diễn ra thuận lợi.
UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư như vậy là rất tốt, đã cung cấp được thông tin cho DN. Theo tôi, ở những lần xúc tiến tiếp theo, nếu được thì tỉnh nên tổ chức tại Tokyo hoặc Osaka hay những thành phố khác của Nhật Bản, như thế sẽ thu hút được nhiều DN hơn. Tại Nhật Bản có rất nhiều DN tiềm năng nhưng họ lại ít thông tin về môi trường đầu tư ở đây. |
Vân Nam