Khi về Đồng Nai tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2010, giám đốc kinh doanh của một thương hiệu thực phẩm chế biến lớn tại Việt Nam nhận xét, thị trường bán lẻ Đồng Nai, đặc biệt là TP. Biên Hòa, có sức hút lớn so với nhiều tỉnh, thành khác.
Khi về Đồng Nai tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2010, giám đốc kinh doanh của một thương hiệu thực phẩm chế biến lớn tại Việt Nam nhận xét, thị trường bán lẻ Đồng Nai, đặc biệt là TP. Biên Hòa, có sức hút lớn so với nhiều tỉnh, thành khác.
Trong chưa đầy 10 năm trở lại đây, nhiều nhà bán lẻ hiện đại đã nhanh chóng có mặt và phát triển khá nhanh về quy mô tại TP. Biên Hòa, và sắp tới, sẽ có thêm một số gương mặt “đình đám” khác.
* Nhiều “đại gia” góp mặt
Cụ thể, hiện tại Đồng Nai đã đón nhận khá nhiều nhà bán lẻ có tiếng tăm như: Metro, Big C, Saigon Co.op, Vinatex, Fahasa, điện máy Chợ Lớn, Phan Khang, Thế giới di động, Viễn Thông A… trải rộng ở nhiều ngành hàng: bán lẻ tổng hợp, điện máy - kỹ thuật số, may mặc, sách và văn phòng phẩm. Nhận xét về sức mua và tiềm năng của thị trường bán lẻ Đồng Nai nói chung và TP. Biên Hòa nói riêng, lãnh đạo một siêu thị lớn tại Biên Hòa cho biết: “Dĩ nhiên không thể so với các thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, song thị trường bán lẻ Đồng Nai hấp dẫn ở những điểm như : sức mua cao và trải rộng ở nhiều phân khúc thị trường, từ bình dân đến cao cấp; thu nhập bình quân đầu người khá cao…”.
Big C - một trong những nhà bán lẻ hiện đại đầu tiên có mặt tại Đồng Nai. Ảnh: V. LÂM |
Qua khảo sát ở một số siêu thị thuộc nhiều ngành hàng có mặt tại TP. Biên Hòa cho thấy, doanh thu của nhiều đơn vị tại Đồng Nai hàng năm đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng, trung bình từ 30 - 50%, cá biệt có những đơn vị ngành điện máy - kỹ thuật số đạt mức tăng trên 100% về doanh thu trong 1 - 2 năm đầu có mặt tại Biên Hòa.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương cũng nhận định, thị trường bán lẻ ở Đồng Nai được đánh giá khá cao về độ hấp dẫn, và trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những tên tuổi lớn của ngành bán lẻ hiện đại trong và ngoài nước đến đầu tư như : Lotte Mart, Maxi Mark… Đó cũng là xu hướng tất yếu khi người dân đô thị ngày càng đòi hỏi những phương thức mua bán hiện đại, tiện lợi, đặc biệt rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng.
* Bán lẻ truyền thống cạnh tranh
Trong dịp về Đồng Nai tham dự hội thảo về Phát triển thị trường bán lẻ gần đây, TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, tuy phát triển bán lẻ hiện đại là xu hướng tất yếu, song bán lẻ truyền thống vẫn sẽ giữ một vai trò quan trọng nhất định. Theo đó, chợ truyền thống sẽ không biến mất mà sẽ đi dần đến độ cân bằng 50 - 50% giữa bán lẻ hiện đại và truyền thống. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh ngày một cao nên muốn tồn tại, tiểu thương chợ truyền thống phải phát huy được thế mạnh của mình. Bà Loan đã chỉ ra những điểm yếu mà bán lẻ truyền thống cần khắc phục như: có gì bán nấy, chưa chuyên nghiệp trong kỹ năng bán hàng, trong trưng bày, giới thiệu hàng hóa, giá thiếu ổn định, cân đong thiếu, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo…
Mua hàng tại siêu thị Điện máy Chợ Lớn Biên Hòa. Ảnh: V.L |
Bên cạnh đó, vẫn có những thế mạnh cần phát huy nhằm tăng sức cạnh tranh của chợ truyền thống, theo TS Loan, đó là: hiểu biết về tâm lý tiêu dùng và văn hóa mua sắm của người dân; quan hệ gần gũi, thân thiết với người tiêu dùng; hàng hóa phong phú, tươi sống phù hợp thị hiếu người Việt; giá cả linh hoạt, phù hợp người tiêu dùng bình dân…Về định hướng phát triển, các chợ truyền thống cũng cần thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa.
Vi Lâm