Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 tăng mạnh là tín hiệu vui khi cả nước phải dồn sức chống lạm phát. Tuy nhiên, mức tăng này liệu có bền vững hay không và những khó khăn gì đang chờ đợi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay là điều mà Bộ Công thương cũng như các Hiệp hội xuất khẩu rất quan tâm.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 tăng mạnh là tín hiệu vui khi cả nước phải dồn sức chống lạm phát. Tuy nhiên, mức tăng này liệu có bền vững hay không và những khó khăn gì đang chờ đợi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay là điều mà Bộ Công thương cũng như các Hiệp hội xuất khẩu rất quan tâm.
Tăng trưởng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên đến 30,3%, trong đó một số mặt hàng nông sản có mức tăng “bứt phá” là thông tin tích cực mà Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên công bố trong phần mở đầu buổi họp giao ban xuất khẩu (XK) cả nước 6 tháng đầu năm 2011, diễn ra dưới hình thức trực tuyến giữa 2 đầu cầu TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vào chiều cuối tuần qua.
* Nông sản “bứt phá”
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, tổng kim ngạch XK của cả nước tính đến hết tháng 6-2011 đạt 42,3 tỷ USD. Tình hình XK hiện đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, bình quân mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,06 tỷ USD. Xét trên cả 2 phương diện sản lượng và giá, kim ngạch XK của đa số nhóm hàng đều tăng. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 26,7% (so với cùng kỳ năm 2010); nhóm hàng nông - lâm - thủy sản có kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 44,7%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng 26,3%…
Công ty cổ phần thiết bị điện (Thibico) có thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện Thibico ở KCN Biên Hòa 1.
Nhận định của Bộ Công thương cho thấy, trong số các mặt hàng XK 6 tháng qua, nhiều mặt hàng nông sản có sự vượt lên thấy rõ về kim ngạch do giá một số mặt hàng tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2010. Chẳng hạn, giá XK bình quân nhân điều tăng 39,8%, giá cà phê tăng 51,9%, giá hạt tiêu tăng 64,1%, giá gạo tăng 13,8%, giá cao su tăng 57,7%...
Trong mức XK cả nước tăng 30,3% thì yếu tố tăng do giá chiếm khoảng15,6% và tăng trưởng do yếu tố sản lượng khoảng 14,7%. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến chưa đồng đều, vẫn còn một số mặt hàng tăng trưởng không đạt như kỳ vọng, như: linh kiện máy tính và sản phẩm; phương tiện vận tải và phụ tùng; thậm chí, có một số mặt hàng tăng trưởng âm như: dây điện, cáp điện, hóa chất... Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, đây là điều cần lưu ý để có chính sách, biện pháp hỗ trợ cho những ngành này đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm nay.
* Cuối năm, lo giá giảm
Có mặt tại buổi họp giao ban, ngoài những thông tin tích cực nói chung về XK, đại diện nhiều hiệp hội lại tỏ ra băn khoăn, lo ngại nhiều hơn về tình hình XK 6 tháng cuối năm. Theo đó, nhiều vấn đề về giá, lãi suất ngân hàng, tình trạng tranh mua nông sản của các thương nhân nước ngoài, hàng rào kỹ thuật ở một số nước… là những thách thức chính cho XK từ nay đến hết năm 2011. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, bày tỏ những lo ngại về xu hướng giá hạt tiêu và một số loại nông sản khác có thể sẽ giảm mạnh về những tháng cuối năm, đồng nghĩa với việc nông dân và DN phải hết sức lưu ý, tránh đầu cơ và tăng lượng hàng tồn kho. “Bài học của năm 2008 là đầu năm giá XK tăng mạnh, nông dân mở rộng diện tích, DN đầu cơ tích trữ, nhưng từ giữa năm giá tụt dốc khiến nhiều DN lao đao. Năm 2010 có thể sẽ diễn ra tình trạng tương tự ở một vài ngành hàng do một vài tháng gần đây, giá một số loại nông sản bắt đầu giảm” - ông Nam nói. Theo đó, khi giá XK tăng quá cao, DN chủ quan “ôm hàng” và khi giá xuống thì trở tay không kịp, cộng với những bất lợi khác như tỷ giá hạ, lãi suất cao, DN có thể sẽ khốn đốn.
Cũng cùng lo ngại về giá với mặt hàng tiêu, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, cũng cho biết hiện nay giá thép XK đang có chiều hướng sụt giảm, trong khi giá đầu vào lại tăng mạnh. Bên cạnh đó, do những chính sách về thắt chặt đầu tư công, quản lý chặt thị trường bất động sản nên thị trường tiêu thụ trong nước của một số DN thép cũng đang giảm sút.
Một số vấn đề băn khoăn lo lắng mà đại diện nhiều hiệp hội lên tiếng tại buổi họp là lãi suất ngân hàng quá cao và kéo dài trong nhiều tháng đã làm hiệu quả XK không cao, lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam với các DN nước khác trong cùng thị trường, cùng ngành nghề bị giảm sút. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng cũng đang diễn ra ở các mặt hàng thủy sản như: tôm, cá tra, hải sản… Đại diện hiệp hội giày da cũng cho biết, do giá đầu vào tăng mạnh nên hiệu quả đơn hàng giảm sút, tìm kiếm lao động khó khăn.
Vi Lâm