Dự án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở huyện Vĩnh Cửu được triển khai từ cuối năm 2009 và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Mới đây, Ban quản lý dự án (DA) huyện đã tiến hành chuyển giao dê giống, bò giống (đợt 2) cho các hộ nuôi.
Dự án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở huyện Vĩnh Cửu được triển khai từ cuối năm 2009 và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Mới đây, Ban quản lý dự án (DA) huyện đã tiến hành chuyển giao dê giống, bò giống (đợt 2) cho các hộ nuôi.
Lần chuyển giao này ở Mã Đà và Phú Lý có 6 hộ dân được nhận dê giống, mỗi hộ được nhận 6 dê cái giống Bách Thảo và 1 dê đực giống Boer. 14 hộ khác được nhận mỗi hộ 1 con bò giống lai Sin. Khác với lần trước, dê cái giống được giao từ chính đàn dê của các hộ đã nhận giống trước đây. Riêng đối với bò giống, ngoài phần hỗ trợ của dự án (bình quân 64%), người thụ hưởng phải góp phần vốn đối ứng còn lại.
Đợt chuyển giao đầu tiên vào cuối năm 2009, có tổng cộng 26 hộ ở 2 xã Mã Đà và Hiếu Liêm được xét đủ các điều kiện tham gia dự án. Trong đó có 20 hộ được chuyển giao dê giống miễn phí, mỗi hộ được nhận 10 dê cái Bách Thảo và 1 dê đực Boer, sau đó hộ nuôi sẽ nhân đàn và giao lại cho Ban quản lý DA 2 con giống để tiếp tục giao cho hộ khác. Được biết, qua 1 năm rưỡi kể từ đợt chuyển giao giống đầu tiên đến nay, đàn dê của các hộ chăn nuôi đã phát triển từ 200 con lên hơn 300 con. Một con dê nuôi 6 tháng có thể đạt trọng lượng trên 50kg/con. Giá bán dê thịt dao động từ 85 - 90 ngàn đồng/kg.
Ông Trần Thế Mỹ ở ấp 2, xã Phú Lý, người được chọn giao dê giống đợt đầu, bày tỏ: “Khi mới nhận dê về nuôi, tôi cũng gặp một ít khó khăn nhưng sau đó quen dần. Tôi thấy nuôi dê rất dễ và mau lớn, cho thịt nhiều. Thức ăn không khó tìm, vì dê chỉ cần ăn cỏ, lá cây và ở đây thì có nhiều. Mỗi năm dê cái đẻ 2 lần, mỗi lần bình quân cho 2 dê con. Dê cũng ít khi bị bệnh, chủ yếu là bị ho nhưng rất dễ trị. Tôi chỉ dùng gừng tươi hoặc sả cây đem đâm, vắt nước cho dê uống là khỏi; hoặc khi chúng bị lở miệng thì dùng phèn chua để bôi…”. Hiện tại, đàn dê của ông Mỹ đã tăng lên 31 con. Tương tự, ông Nguyễn Minh Phượng ở ấp 3, xã Mã Đà cũng đã tăng thêm 15 dê con...
Giao dê giống (đợt 2) cho nông dân nuôi. |
Ông Cao Hiền Quang, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý, cho biết Phú Lý có 80% hộ dân sống bằng nông nghiệp; điều kiện tự nhiên thích hợp với lập vườn cây, do vậy rất thuận lợi cho kết hợp chăn nuôi. Qua dự án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, trước mắt trong xã có gần 20 hộ tham gia chăn nuôi dê, bò giống và bước đầu đã có kết quả khả quan. Xã cũng đã thành lập tổ quản lý chăn nuôi để kịp thời theo dõi tình hình và xem xét các hộ có đủ điều kiện để vận động tham gia dự án. “Một thuận lợi là hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật trước khi nhận giống về nuôi. Ngoài ra còn được chỉ dẫn kinh nghiệm từ các hộ nuôi trước đó nên có thể nói mức độ thành công là khá cao” - ông Quang nói.
Lê Minh