Dù đánh giá cao những kết quả đạt được sau 4 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, song nhiều ý kiến tại phiên họp trực tuyến mở rộng của Chính phủ với các tỉnh, thành phố ngày 1-7 vừa qua đã nhận định 6 tháng cuối năm nay còn rất nhiều thách thức.
Dù đánh giá cao những kết quả đạt được sau 4 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, song nhiều ý kiến tại phiên họp trực tuyến mở rộng của Chính phủ với các tỉnh, thành phố ngày 1-7 vừa qua đã nhận định 6 tháng cuối năm nay còn rất nhiều thách thức.
6 tháng đầu năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2010; vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 409,7 ngàn tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 55,1% dự toán năm; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước... là những con số chủ chốt của nền kinh tế mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc thông tin trong báo cáo mở đầu phiên họp.
* Lạc quan và thách thức chung
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhận định, GDP tăng trưởng 5,57% tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái (6,16%) nhưng là một nỗ lực lớn, do cả nước phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong phần nhận định về tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2011, người đứng đầu Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng, một số diễn biến mới của nền kinh tế thế giới sẽ tác động có lợi đến Việt Nam: xuất khẩu đang phục hồi ở những thị trường truyền thống như liên minh châu Âu; sự tăng giá trở lại của đồng USD cùng với xu hướng tăng giá ổn định của đồng nhân dân tệ; một số mặt hàng trên thị trường thế giới đang hạ nhiệt... Tuy vậy, các mối lo ngại cũng được Bộ trưởng đặt ra: lạm phát còn cao; nhập siêu cao; lãi suất cao; sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn; thu hút đầu tư nước ngoài giảm; thị trường chứng khoán sụt giảm và thị trường bất động sản đang có diễn biến bất thường; đời sống người nghèo gặp nhiều khó khăn...
Phiên họp trực tuyến ngày 1- 7 (chụp qua màn hình). Ảnh: K.N |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng đặt ra không ít quan ngại, đặc biệt là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá các mặt hàng đầu vào quan trọng, như: điện, xăng dầu, than... đang nằm trong tình trạng nhấp nhổm đòi tăng. Theo Bộ trưởng, tốc độ tăng CPI trong tháng 5 và 6 tuy có giảm, song vẫn ở mức cao và từ nay đến năm sau, áp lực về lạm phát vẫn là một gánh nặng của nền kinh tế. “Lộ trình điều chỉnh giá điện của chúng ta hiện nay rất căng thẳng. Hiện tại mới chỉ điều chỉnh được khoảng 1/4 so với mức giá cần điều chỉnh. Giá than cũng mới tăng được 5% so với trước, trong khi tổng mức cần tăng lên đến 50%” - Bộ trưởng Ninh nói.
Một số lo lắng khác của người đứng đầu Bộ Tài chính là tăng GDP còn thấp so với cùng kỳ; lãi suất và chi phí đầu vào cao; thu ngân sách tháng 5 và tháng 6 giảm so với các tháng đầu năm; khó huy động vốn cho đầu tư phát triển..
* Miễn, giãn thuế và kiềm chế CPI
Trong phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành cả nước lần này, Chính phủ đã đưa ra một số quyết định điều chỉnh quan trọng, trong đó 2 chỉ tiêu căn bản nhất là tăng trưởng GDP giảm từ 7 - 7,5% (Quốc hội thông qua từ đầu năm) xuống còn 6%/năm và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng từ 7%/năm lên 15 - 17%/năm. Nguyên nhân chỉ số CPI được điều chỉnh tăng mạnh là do tình hình giá cả diễn biến phức tạp hơn nhiều so với tiên liệu trước đó. 6 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng 13,29% so với cuối năm 2010. Một số chỉ tiêu khác là tỷ lệ nhập siêu không quá 16% kim ngạch xuất khẩu, giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5%.
Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất là vấn đề được Chính phủ quan tâm trong 6 tháng cuối năm. Trong ảnh: Sản xuất sợi ở Công ty An Phú Thịnh, huyện Trảng Bom. |
Một vấn đề quan trọng khác được đề cập trong phiên họp lần này là miễn, giảm và giãn thuế cho một số đối tượng liên quan. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất phương án miễn thuế thu nhập cá nhân, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho DN và hộ kinh doanh cung cấp bữa ăn giữa ca cho công nhân ở các KCN với điều kiện các DN này không giảm số lượng và tăng giá so với mức giá tháng 12-2010; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với các hộ có nhà cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp thuê với điều kiện các hộ này không tăng giá cho thuê nhà trong năm 2011.
* Khuyến khích sản xuất, xuất khẩu
Câu hỏi liệu rằng chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2011 có nới lỏng trong điều kiện lạm phát đang có dấu hiệu giảm dần hay không đã được khẳng định tại phiên họp lần này của Chính phủ. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm về điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ cả năm 2011 dưới 20% và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán 15 - 16%. Trong 6 tháng còn lại, tăng trưởng tín dụng sẽ phải tập trung tiếp tục vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu để tạo đà cho nền kinh tế những năm sau.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nhận định, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm là 7,13% so với cuối năm 2011 là mức tăng hợp lý. Trong đó, tín dụng sản xuất tăng gần 11% và tín dụng phi sản xuất đến cuối tháng 6 đã giảm xuống dưới 16%. Hiện tại, tỷ giá ngoại tệ đang được giữ ổn định, thị trường vàng bước đầu được quản lý. Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận, vấn đề nổi lên trong 6 tháng qua là lãi suất cao kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất - kinh doanh. Về lộ trình giảm lãi suất, Thống đốc không nêu rõ đến bao giờ thì lãi suất sẽ giảm, chỉ đưa ra đánh giá là nếu CPI tiếp tục giảm, lãi suất sẽ có cơ hội giảm theo một cách phù hợp.
Kim Ngân