Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường điện máy: “Miếng bánh” đang chia phần

09:07, 13/07/2011

Chưa đầy 1 triệu dân, song TP. Biên Hòa được các nhà bán lẻ thuộc nhiều ngành hàng đánh giá là thị trường rất hấp dẫn về sức mua, trong đó có hàng điện máy. Chính vì vậy, chỉ trong vòng 4 - 5 năm trở lại đây, nhiều siêu thị điện máy lớn, nhỏ thi nhau ra mắt.

 

Chưa đầy 1 triệu dân, song TP. Biên Hòa được các nhà bán lẻ thuộc nhiều ngành hàng đánh giá là thị trường rất hấp dẫn về sức mua, trong đó có hàng điện máy. Chính vì vậy, chỉ trong vòng 4 - 5 năm trở lại đây, nhiều siêu thị điện máy lớn, nhỏ thi nhau ra mắt.

Mới mẻ nhất là một siêu thị có diện tích khá lớn nằm trong chuỗi dienmay.com vừa được khai trương tháng 6-2011 trên đường Phạm Văn Thuận, TP. Biên Hòa. Cũng trên cung đường chỉ chừng 5 - 6km từ ngã 4 Tam Hiệp đến ngã 3 Vườn Mít, đã có nhiều siêu thị điện máy có tên tuổi như: Chợ Lớn, Phan Khang, dienmay.com… tọa lạc, cùng một số trung tâm điện máy quy mô nhỏ hơn, chưa kể các cửa hàng.

 * “Đại gia” vào cuộc cạnh tranh

Tại một số tuyến đường lớn khác như Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc… cũng có khá nhiều trung tâm điện máy lớn nhỏ hoạt động trong vài năm gần đây. Các siêu thị lớn như: Metro, BigC hiện cũng đẩy mạnh dòng hàng điện máy khi nhận thấy thị trường này rất có tiềm năng. Nhận xét về thị trường điện máy ở TP. Biên Hòa, giám đốc một trung tâm điện máy lớn trên đường Phạm Văn Thuận cho biết, nhu cầu tăng cao liên tục, xu hướng mua các mặt hàng công nghệ mới và đắt tiền tuy không quá phổ biến, nhưng đủ để “nuôi” các dòng hàng này. Vào những ngày cao điểm hay các dịp lễ, tết, doanh thu bán lẻ mỗi ngày của trung tâm có thể lên đến 300 - 400 triệu đồng.

Mua hàng tại siêu thị điện máy Chợ Lớn.  Ảnh: V. LÂM
Mua hàng tại siêu thị điện máy Chợ Lớn. Ảnh: V. LÂM

 

Sự hấp dẫn của thị trường Biên Hòa cũng được một lãnh đạo của một siêu thị điện máy khác tại TP. Biên Hòa cụ thể hóa qua các con số. Theo đó, từ khi có mặt ở thị trường này vào năm 2007 đến nay, mức tăng trưởng bình quân hàng năm của siêu thị luôn đạt khoảng 40%, kể cả năm kinh tế rất khó khăn như 2008.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các siêu thị lớn chuyên về điện máy khiến thị trường “nóng” lên bởi sức cạnh tranh nhằm chiếm giữ thị phần. Ông Đoàn Đình Lũy, Giám đốc siêu thị Đệ Nhất Phan Khang chi nhánh Biên Hòa nhận xét, thị phần đang và sẽ bị chia nhỏ bởi sắp tới sẽ có thêm nhiều thương hiệu siêu thị điện máy có mặt, chính vì vậy, tập trung nâng cao sức cạnh tranh ngay từ bây giờ là điều mà siêu thị nào cũng quan tâm. “Mỗi tháng ít nhất phải có một chương trình khuyến mãi, chi phí từ 50 - 70 triệu đồng/lần. Thêm vào đó là tìm nguồn hàng chất lượng, đầu tư hậu mãi, xây dựng chính sách tiếp thị và bán sỉ…” - ông Lũy nói. Quản lý một siêu thị lớn khác cũng thừa nhận, áp lực cạnh tranh bắt đầu đè nặng lên các siêu thị tên tuổi do cung cách kinh doanh khá giống nhau, do đó, có khả năng năm 2011, tăng trưởng sẽ không như dự kiến, đặc biệt khi các tên tuổi có tiếng khác xuất hiện, “tung chiêu” khuyến mãi để nắm bắt thị phần.

 * Nguy cơ “lép vế” của cửa hàng nhỏ

Sự xuất hiện của những trung tâm, siêu thị điện máy lớn tạo cho người tiêu dùng đô thị thói quen mua sắm mới với nhiều tiện ích về không gian, phục vụ, chế độ hậu mãi và chăm sóc khách hàng phần nào gây nên những khó khăn đối với hệ thống các cửa hàng điện máy nhỏ.

Khách hàng xem sản phẩm mới tại một trung tâm điện máy lớn trên đường Phạm Văn Thuận.
Khách hàng xem sản phẩm mới tại một trung tâm điện máy lớn trên đường Phạm Văn Thuận.

 

Anh Thành, chủ một cửa hàng điện máy trên đường Phạm Văn Thuận cho biết, khoảng 2 - 3 năm nay, cửa hàng rất khó tăng doanh thu do người tiêu dùng có xu hướng chọn các trung tâm, siêu thị điện máy lớn để mua sắm. “Theo dõi giá cả ở các siêu thị, chấp nhận giảm lãi để cạnh tranh, nhưng doanh thu không tăng bao nhiêu, thậm chí nhiều thời điểm còn giảm” - anh Thành nói. Tương tự, chị Ngọc, bán hàng điện máy ở đường Nguyễn Ái Quốc cũng cho biết, trước đây, cửa hàng tiêu thụ khá tốt các sản phẩm gia dụng giá rẻ, trung bình như: nồi cơm điện, máy xay sinh tố, bàn ủi… song hiện tại, người tiêu dùng cũng đến các siêu thị lớn để mua những mặt hàng này do mẫu mã đa dạng, giá phải chăng. Ông Đoàn Đình Lũy phân tích: “Chế độ hậu mãi chiếm đến 50% thành công của một nhà bán lẻ điện máy. Về điểm này, các siêu thị đã có tên tuổi có nhiều lợi thế do vừa có đội ngũ hậu mãi riêng, vừa được sự hỗ trợ nhiệt tình của các hãng sản xuất. Thứ nữa là nguồn hàng, khi tiêu thụ mạnh, doanh số cao thì việc chọn lựa nguồn hàng chất lượng và giá ổn định trở nên dễ dàng hơn”.

Vì vậy, các cửa hàng điện máy nhỏ lẻ hiện đang trở nên “lép vế” trước những trung tâm lớn trên cả 3 mảng: sự đa dạng về nguồn hàng, thương hiệu, cộng với hậu mãi. “Mỗi tiệm thường chỉ có vài thợ lo lắp ráp, sửa chữa lặt vặt, còn lại phụ thuộc vào bảo hành của hãng nên hậu mãi khó lòng chuyên nghiệp nổi, mặt khác, thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng nằm ngoài tầm với của các cửa hàng nhỏ” - chị Ngọc nói.

Vi Lâm


 

 

 

 

Tin xem nhiều