Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp - “Điểm tựa” cho phát triển bền vững

09:07, 14/07/2011

Tại phiên họp trực tuyến ngày 11-7 “về nông nghiệp, nông thôn, nông dân” của Chính phủ, đa số các tỉnh, thành đều khẳng định, ưu tiên phát triển “tam nông” là tiền đề phát triển công nghiệp bền vững. Nông nghiệp phát triển tốt góp phần rất lớn cho việc kiềm chế lạm phát.

 

Tại phiên họp trực tuyến ngày 11-7 “về nông nghiệp, nông thôn, nông dân” của Chính phủ, đa số các tỉnh, thành đều khẳng định, ưu tiên phát triển “tam nông” là tiền đề phát triển công nghiệp bền vững. Nông nghiệp phát triển tốt góp phần rất lớn cho việc kiềm chế lạm phát.

 Thực tế chứng minh trong gần 3 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, song nông nghiệp, nông thôn cả nước vẫn vững vàng vượt qua, duy trì được tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát. Thu nhập của người dân mỗi năm đều tăng, số hộ nghèo giảm trên 1%/năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các tỉnh thành cũng nêu lên những khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách “tam nông” như: sản xuất nhỏ lẻ, đào tạo nghề và  cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu kém…

 * Hướng đến sản xuất hàng hóa

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Trong thời gian qua, năng suất chất lượng nông sản, thực phẩm, thủy sản tăng cao. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Thế nhưng, số hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Hiện nay, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có vị thế quan trọng trên thị trường thế giới, nếu bố trí sản xuất theo hướng hàng hóa đảm bảo chất lượng, số lượng sẽ bán được giá cao”.

Nhiều hộ trồng bưởi ở HTX Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) đã xây dựng được mô hình sản xuất GlobalGAP  và VietGAP (thực hành nông nghiệp sản xuất tốt), tạo điều kiện cho trái bưởi có đầu ra thuận lợi. Trong ảnh: Anh Nguyễn Thanh Vân ở xã Tân Bình đang thu hoạch bưởi.
Nhiều hộ trồng bưởi ở HTX Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) đã xây dựng được mô hình sản xuất GlobalGAP và VietGAP (thực hành nông nghiệp sản xuất tốt), tạo điều kiện cho trái bưởi có đầu ra thuận lợi. Trong ảnh: Anh Nguyễn Thanh Vân ở xã Tân Bình đang thu hoạch bưởi.

Để sản xuất hàng hóa, nông dân phải có diện tích sản xuất lớn, thực hiện cơ giới hóa, áp dụng khoa học đồng bộ và sử dụng giống mới. Ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chia sẻ: “Trước đây, mỗi hộ nông dân ở Thái Bình có đến 6 - 7 miếng ruộng nhỏ, đa số canh tác theo phương pháp thủ công tốn nhiều công lao động, thu nhập thấp. Gần đây, tỉnh đã thực hiện quy hoạch chi tiết, vận động người dân dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa vào thay sức người, giảm được công lao động, hạ giá thành sản xuất, lợi nhuận tăng cao. Điều này được người dân đồng thuận thực hiện”.

Kinh nghiệm của tỉnh Lâm Đồng chọn ra đúng loại cây trồng thế mạnh là: rau củ, trà, cà phê để vận động người dân sản xuất trên diện tích  lớn và tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Nếu như năm 2008, thu nhập trên đất sản xuất nông nghiệp khoảng 45 triệu đồng/hécta/năm, thì cuối năm 2010 đã tăng lên 67 triệu đồng/hécta/năm.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, thực hiện Nghị quyết 26 của Chính phủ và Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy,  Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới từ cấp tỉnh xuống đến huyện, xã. Tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực “tam nông” trong 2 năm qua trên 4.109 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện, xã chiếm 61%, người dân đóng góp trên 16%, còn lại là vốn huy động từ các nguồn khác. Các nguồn vốn đa số được đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, giảm nghèo và đào tạo nghề để giải quyết việc làm. Nhờ vậy, nông nghiệp Đồng Nai đang từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lớn. Năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm cải thiện. Giá trị sản xuất trên 1 hécta đất nông nghiệp tăng 18,7%/năm, mỗi năm giảm được hàng chục ngàn hộ nghèo.

 * Chuẩn bị nguồn nhân lực

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, trong 5 năm tới (2011-2015), cả nước dự tính sẽ đào tạo nghề cho 1 triệu lao động ở nông thôn nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Song, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý: “Hiện nay, trên 50% nông dân cả nước chăn nuôi, trồng trọt mang tính tự cấp tự tiêu, nên thu nhập còn thấp. Muốn chuyển sang sản xuất hàng hóa, các tỉnh phải chọn ra cây trồng thế mạnh, gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực bằng cách đào tạo nghề cho lao động nông thôn để họ dễ dàng tiếp cận khoa học công nghệ”.

Tại Đồng Nai, mỗi năm các sở ngành mở hàng trăm lớp chuyển giao tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, trồng trọt và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 117 ngàn lao động, góp phần nâng thu nhập bình quân của người dân tăng 1,2 lần/năm. Hiện nay, các loại cây trồng đang được nông dân Đồng Nai chuyển qua các giống mới có năng suất, chất lượng cao như: lúa, bắp, cà phê, sầu riêng…Bên cạnh đó, bà con nông dân còn áp dụng các quy trình mới vào chăn nuôi, trồng trọt tăng năng suất, giảm giá thành. Đơn cử như cây lúa, bắp, rau mỗi năm đều được người dân đẩy năng suất tăng 0,2 - 0,3 tấn/hécta. Tuy nhiên, giống như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn là thiếu cán bộ nông nghiệp có kinh nghiệm ở các xã, ấp để thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.

Tại phiên họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã yêu cầu các địa phương thời gian tới cần chú trọng công tác đào tạo nghề ở nông thôn nhiều hơn nữa. Có như vậy mới xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại song song với phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kiềm chế lạm phát phải dựa vào nông nghiệp

Sau gần 3 năm thực hiện nghị quyết về “tam nông”, các địa phương đều có chương trình cụ thể tạo bước chuyển biến lớn. Nông nghiệp phát triển và có mức tăng trưởng cao hạn chế tình trạng lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian tới các địa phương phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa chính sách về “tam nông” , đề ra các giải pháp cụ thể đồng bộ, tạo bước đột phá mới đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, các tỉnh cần tính toán cân đối nguồn ngân sách và phải ưu tiên nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể, tập trung chuyển giao khoa học công nghệ, giống mới, tăng năng suất gắn chế biến nâng cao giá trị nông sản. Các tỉnh sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết về nông thôn, vận động người dân và các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nông thôn mới. Lạm phát vẫn đang diễn ra, muốn kiềm chế được phải dựa vào nông nghiệp, do đó phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp.

 

 Hương Giang

 

 


Tin xem nhiều