Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động ì ạch

08:07, 03/07/2011

Toàn tỉnh hiện có 73 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thì gần một nửa hoạt động ì ạch, không hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có 73 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thì gần một nửa hoạt động ì ạch, không hiệu quả.

Từ năm 2003 đến nay, Đồng Nai thành lập được 32 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 73 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, do các địa phương còn chạy theo số lượng nên sau khi thành lập, nhiều HTX nông nghiệp hoạt động rất yếu, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh kém khả thi.

 * Vì sao hoạt động yếu?

Có nhiều nguyên dẫn đến các HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém, song nguyên nhân chính vẫn là do năng lực, trình độ quản lý của cán bộ HTX còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Do đó, không xây dựng được các phương án làm ăn phù hợp, khiến việc vay vốn, huy động vốn kinh doanh khó khăn. Nhiều xã viên tham gia HTX nông nghiệp còn ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước hỗ trợ. Cũng chính vì vội vã thành lập cho đủ chỉ tiêu, chưa có sự chuẩn bị, chọn lựa kỹ nên trình độ của ban chủ nhiệm còn thấp, không tiếp thu và triển khai được các chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như kiến thức khoa học mới để áp dụng vào sản xuất - kinh doanh.

HTX Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) chuyên sản xuất cây cảnh, chậu cảnh đạt lợi nhuận cao. Ảnh: K.M
HTX Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) chuyên sản xuất cây cảnh, chậu cảnh đạt lợi nhuận cao. Ảnh: K.M

Bà Trần Thị Báu, Phó chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Đồng Nai, cho biết: “Trước đây, nhiều địa phương chạy theo số lượng nên HTX nông nghiệp được thành lập từ những hộ nông dân nghèo, vốn điều lệ ít, khi cần phải huy động vốn thì không có điều kiện nên bỏ mất nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có chính sách riêng cho HTX nông nghiệp nên đa số các HTX thiếu vốn, không có đất xây dựng văn phòng làm việc”.

Địa phương có nhiều HTX nông nghiệp hoạt động yếu, ì ạch đang chờ củng cố lại hoặc giải thể là: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ…

* Cần chính sách riêng

Thời gian qua, tỉnh đã có một số đầu tư cho các HTX nông nghiệp như: chuyển giao khoa học công nghệ thông qua công tác khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, chỉ khoảng 17 HTX tiếp cận sự hỗ trợ này đạt kết quả cao, như: HTX xoài Suối Lớn, HTX chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), HTX Long Thọ (huyện Nhơn Trạch)… Ông Nguyễn Công Châu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Lý Lịch, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), cho hay: “HTX tuy được đánh giá là mạnh, vốn điều lệ khá, song trong quá trình hoạt động vẫn rất thiếu vốn. Do vậy, chúng tôi mong được vay nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp, đầu tư kinh doanh sẽ đem lại hiệu quả cao hơn”.

Theo bà Trần Thị Báu, hiện một số tỉnh đã ban hành chính sách riêng cho HTX nông nghiệp. Điển hình là tỉnh Bình Dương, các HTX nông nghiệp mới thành lập được tỉnh cấp đất xây dựng văn phòng và trang bị đầy đủ thiết bị văn phòng. Đồng thời, các HTX này còn được hỗ trợ vốn không lãi suất trong thời gian đầu hoạt động. Bên cạnh nhu cầu cần có chính sách riêng cho HTX nông nghiệp, các địa phương nên rà soát lại hoạt động của các HTX, trường hợp quá yếu kém, không thể củng cố được thì phải mạnh dạn giải thể. Đối với các HTX thành lập mới, nên dựa trên nhu cầu thực sự của nông dân và chủ nhiệm phải chọn người có năng lực, trình độ.

 Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2009 đến nay, việc thành lập HTX nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã chú trọng về chất lượng nên đa số sản xuất - kinh doanh đạt kết quả cao, vốn hoạt động lên đến nhiều tỷ đồng.

Ông Văn Thắng, Phó chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai cho biết, Liên minh HTX có quỹ hỗ trợ vốn cho các HTX với lãi suất 9%/năm, song nguồn quỹ này chỉ khoảng 15 tỷ đồng đã được giải ngân hết. So với nhu cầu thực tế, nguồn quỹ này quá ít, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của các HTX, tổ HTX. Hiện nay, nhu cầu về vốn của các HTX nông nghiệp cũng như các HTX tiểu thủ công nghiệp, tổ hợp tác rất bức thiết, Liên minh đã đề nghị tỉnh tăng thêm nguồn vốn cho quỹ hỗ trợ.

K.Minh


 

 

 

 

Tin xem nhiều