Tuy mới qua nửa năm 2011 nhưng nhiều nhà sản xuất nhận định đây là năm thành công của ngành may mặc xuất khẩu. 6 tháng qua, hầu hết các doanh nghiệp (DN) làm hàng may mặc đều có kim ngạch xuất khẩu vượt cao so với dự kiến. 6 tháng cuối năm, hợp đồng một số loại hàng tuy chùng xuống, nhưng các DN vẫn kỳ vọng nhiều.
Tuy mới qua nửa năm 2011 nhưng nhiều nhà sản xuất nhận định đây là năm thành công của ngành may mặc xuất khẩu. 6 tháng qua, hầu hết các doanh nghiệp (DN) làm hàng may mặc đều có kim ngạch xuất khẩu vượt cao so với dự kiến. 6 tháng cuối năm, hợp đồng một số loại hàng tuy chùng xuống, nhưng các DN vẫn kỳ vọng nhiều.
Tháng 2 và 3 hàng năm thường vào mùa thấp điểm của ngành may mặc xuất khẩu. Các năm trước, vào thời điểm này, DN tìm mãi mới đủ hàng sản xuất. Thế nhưng, năm nay hoàn toàn khác hẳn. Ngay từ đầu năm các công ty đã đầy ắp đơn hàng, có những đơn vị mới tháng 1 đã có hợp đồng sản xuất đến giữa năm. Hàng nhiều, DN có được sự lựa chọn tốt hơn nên doanh thu tăng đáng kể.
* Đầu năm “trúng mùa”
Theo anh Nguyễn Thế Thông, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Khang (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), năm 2011 ngành may mặc đã trúng lớn trong thời điểm trái mùa. 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vĩnh Khang đạt trên 9 tỷ đồng, bằng doanh thu 8 tháng đầu năm 2010. Anh Thông chia sẻ: “Năm nay khá lạ, nhiều người dự đoán may mặc sẽ khó khăn hơn năm 2010, bởi giá bông trên thế giới tăng cao từ quý 4 năm ngoái làm giá sợi lên mạnh. Trong nước, tình hình lạm phát, lãi suất ngân hàng cao ảnh hưởng không ít đến sản xuất. Thế nhưng suốt 6 tháng đầu năm, thị trường của ngành may mặc lại rất tốt. Ngay vào lúc thấp điểm, lượng hợp đồng vẫn về nhiều đến mức DN tôi phải từ chối bớt vì không đủ sức làm, đây cũng là điều ít khi xảy ra”.
Công nhân Công ty Donagamex đang làm hàng xuất khẩu. Ảnh: V. NAM
Theo giới làm hàng may mặc xuất khẩu ở Đồng Nai, sở dĩ có tình trạng “trúng mùa” đột xuất như vậy là do nhiều khách hàng quốc tế đã chuyển hợp đồng từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Nguồn lao động giá rẻ ở nước này đã không còn nữa, chi phí sản xuất cũng tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, vì vậy không ít khách châu Âu, Nhật Bản đã tìm đến Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
* Đợi đơn hàng cuối
Đang bước dần vào mùa cao điểm làm hàng, những DN may hàng mùa đông đã ký được hợp đồng hết quý 3, thậm chí có công ty đã nhận được hợp đồng đến hết năm. Riêng loại hàng áo sơ-mi xuất khẩu thì đơn hàng hơi chậm hơn so với mọi năm. Anh Nguyễn Văn Lập, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH Việt Hoa (huyện Long Thành), cho hay DN nhận may gia công áo sơ mi cho một công ty xuất khẩu lớn ở TP.Hồ Chí Minh để xuất đi Mỹ, đến nay mới nhận được hợp đồng sản xuất tới giữa tháng 8. So với mọi năm, hợp đồng của mặt hàng này về chậm hơn gần 1 tháng. “Mọi năm giữa quý 2 là đã nhận được hợp đồng cho cả quý 3. Những DN lớn làm nhiều sản phẩm thì không mấy ngại, còn DN nào chủ yếu may áo sơ-mi và quần xuất khẩu hiện tại cũng hơi lo, nhưng tôi nghĩ sẽ không khó vì đang vào mùa cao điểm” - anh Lập nói.
Cũng theo anh Thế Thông, nguồn hàng áo sơ-mi hiện tại có hợp đồng chậm hơn mọi năm. Vĩnh Khang làm dòng sản phẩm áo sơ mi để xuất qua châu Âu mặc dù vẫn có hợp đồng làm đến tới tháng 10 nhưng lượng hàng không được nhiều.
Không chỉ ở DN nhỏ chậm ký được hợp đồng ở dòng sản phẩm này mà ngay cả những công ty lớn cũng vậy. Phó giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec) Nguyễn Văn Hoàng cũng cho biết, loại hàng mùa đông, đến nay Dovitec đã ký hợp đồng đến tháng 12, riêng đơn hàng áo sơ mi và quần tây xuất khẩu chỉ còn đủ làm đến cuối tháng 7. Hiện công ty đang chờ bạn hàng xác nhận những hợp đồng mới để sản xuất cho những tháng tiếp theo. Mặt hàng này chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm sản xuất của Dovitec. Anh Hoàng nhận định: “Như tôi biết, hàng sẽ chỉ thiếu cục bộ do một số thị trường có sự điều chỉnh, do vậy các khách hàng đang phải tính toán lại đơn hàng nên có hơi chậm. Theo tôi, thì năm nay may mặc vẫn sẽ là ngành xuất khẩu cán đích sớm”.
Nhận định của anh Hoàng cũng phù hợp với đánh giá của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas). 6 tháng đầu năm dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 6,16 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010 và là ngành đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Những đơn hàng lớn được xuất khẩu mạnh vào 3 thị trường lớn là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản được duy trì khá tốt. Vitas cũng cho rằng, khả năng kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành sẽ đạt trên 13 tỷ USD là rất có thể, vì nhiều DN đến nay đã ký được hợp đồng sản xuất đến hết năm, đây là tín hiệu đáng mừng.
Vân Nam