Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng mộc xuất khẩu trước sức ép về nguyên liệu

08:07, 01/07/2011

Cho dù đang bước vào mùa thấp điểm của ngành sản xuất đồ mộc xuất khẩu, nhưng giá các loại gỗ nguyên liệu vẫn ở mức cao và không có dấu hiệu giảm.

Cho dù đang bước vào mùa thấp điểm của ngành sản xuất đồ mộc xuất khẩu, nhưng giá các loại gỗ nguyên liệu vẫn ở mức cao và không có dấu hiệu giảm.

Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, tình trạng doanh nghiệp (DN) nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, Đài Loan và Malaysia ồ ạt mua gỗ nguyên liệu từ Việt Nam với số lượng lớn đã đẩy giá các loại gỗ rừng trồng tăng mạnh. Giá gỗ tăng cao khiến các  nhà sản xuất hàng xuất khẩu gặp khá nhiều khó khăn.

* Chọn hàng nguyên liệu

Chị Nguyễn Yến Trinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Gia Phát (huyện Trảng Bom) cho biết, hợp đồng sản xuất hiện không thiếu nhưng DN lại rất đắn đo trong việc lựa chọn đơn hàng. Phần lớn, DN phải chọn những hợp đồng không phải hàng sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu hay gỗ cao su, bởi những loại gỗ này giá khá đắt. “So với đầu năm 2010 thì đầu năm nay giá gỗ cao su tăng gấp đôi. Và từ đầu năm tới nay giá loại gỗ này lại tăng thêm 1 triệu đồng/m3. Có những hợp đồng lớn nhưng phải sử dụng nhiều gỗ cao su, tính ra không có lãi” - chị Trinh nói.

Cho dù đang bước vào mùa thấp điểm của ngành sản xuất đồ mộc xuất khẩu, nhưng giá các loại gỗ nguyên liệu vẫn ở mức cao và không có dấu hiệu giảm.

Công nhân một DN làm hàng mộc xuất khẩu ở huyện Trảng Bom đang xếp gỗ nguyên liệu để đưa vào kho Ảnh: Q.K

 

Cũng như Công ty Gia Phát, Công ty TNHH Vĩnh Thành (huyện Trảng Bom) chuyên làm hàng nội thất xuất khẩu hiện chủ yếu ký các hợp đồng nhỏ với sản phẩm không kén gỗ. Ông Nguyễn Văn Thanh, giám đốc công ty cho hay, từ đầu năm tới nay công ty chỉ chọn những đơn hàng không khắt khe về nguồn nguyên liệu. DN chỉ sử dụng một phần bằng gỗ nguyên khối, còn lại phải dùng gỗ ghép thanh để làm hàng xuất khẩu nhằm giảm giá thành sản phẩm. “Không chỉ Công ty Vĩnh Thành mà nhiều đơn vị khác cũng làm như vậy để giảm  giá. Trước đây, những loại gỗ vụn thường bỏ đi, nhưng bây giờ phải lọc lại để chế biến thành gỗ ghép đưa vào sản xuất” - anh Thanh chia sẻ.

Nhiều DN khác cũng cho biết, từ đầu năm 2011, khi giá gỗ cao su tăng mạnh, các DN làm hàng xuất khẩu đã đổ xô đi mua những loại gỗ khác thay thế, như: gỗ tràm bông vàng, xà cừ và keo lai, khiến các loại gỗ này cũng tăng giá.

* Nhu cầu giảm, giá  không giảm

Theo các DN làm hàng mộc xuất khẩu thì những tháng gần đây, nhu cầu về gỗ nguyên liệu trong nước không còn “nóng” như thời điểm đầu năm, thế nhưng giá những mặt hàng gỗ vẫn không hề giảm. Giám đốc một DN sản xuất hàng mộc xuất khẩu khá lớn ở TP.Biên Hòa cho rằng, nguồn gỗ rừng trồng đang sụt giảm mạnh và chịu sức hút của các DN nước ngoài quá lớn. “Gỗ chiếm 70% giá thành của sản phẩm, vì vậy nếu giá gỗ nguyên liệu chỉ tăng lên một chút là gây khó ngay cho nhà sản xuất” - vị giám đốc này nói.

Giữa tháng 5 vừa qua, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính nâng thuế xuất khẩu 2 mặt hàng là gỗ tà vẹt xẻ vuông 20 x 20cm và gỗ xẻ thanh có chiều dài 2m, dày khoảng 4cm nhằm hạn chế mức xuất khẩu gỗ thô. Kiến nghị này của Vifores cũng là sự kỳ vọng của nhiều DN làm hàng mộc xuất khẩu trong nước. Bởi, với tiềm lực tài chính tốt hơn và nhu cầu sử dụng gỗ lớn, các DN nước ngoài sẽ chấp nhận mua gỗ nguyên liệu với giá cao để sản xuất. Còn các DN trong nước sẽ bị đuối sức khi phải đeo theo giá gỗ này, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu hàng mộc.

Quốc Khánh

 

Tin xem nhiều