Mỗi năm Việt Nam chế biến khoảng 700 ngàn tấn hạt điều, trong đó xuất khẩu gần 200 ngàn tấn nhân điều và là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm này. Thế nhưng, giá trị kinh tế từ xuất khẩu điều vẫn chưa cao.
Mỗi năm Việt Nam chế biến khoảng 700 ngàn tấn hạt điều, trong đó xuất khẩu gần 200 ngàn tấn nhân điều và là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm này. Thế nhưng, giá trị kinh tế từ xuất khẩu điều vẫn chưa cao.
Khoảng 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi ngày cơ sở kẹo Yến Nhi sử dụng trên dưới 500kg nhân hạt điều để chế biến kẹo. Trong đó 50% sản phẩm này dành cho xuất khẩu, số còn lại tiêu thụ trong nước. Theo bà Phạm Thị Sơn, chủ cơ sở, mấy năm gần đây nhu cầu về kẹo hạt điều trên thị trường tăng hơn trước khá nhiều. Tuy nhiên, tham gia vào thị trường bánh kẹo được chế biến từ nhân hạt điều còn khá ít và đơn điệu. Vấn đề này, cũng được Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) thừa nhận đây là điểm yếu của các doanh nghiệp (DN) chế biến trong nước.
Chế biến hạt điều tại công ty Donafoods. Ảnh: V.Nam
Theo Vinacas, từ trước đến nay các DN điều trong nước tập trung nhiều cho chế biến thô để xuất khẩu, chưa đẩy mạnh chế biến sâu (ra sản phẩm bánh kẹo) để nâng giá trị sản phẩm. Thị trường trong nước của ngành điều gần như còn bỏ ngỏ. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas cho hay, Ấn Độ là quốc gia có ngành công nghiệp chế biến hạt điều lớn hơn Việt Nam, nhưng xuất khẩu lại ít hơn, bởi tới 60 sản lượng hạt điều chế biến của họ được chế biến sâu để tiêu thụ trong nước. Nhờ đó, ngành điều của Ấn Độ chủ động được thị trường và thị phần của mình. Theo ông Học đây là mục tiêu mà ngành điều Việt Nam thời gian tới sẽ hướng đến.
Theo kế hoạch phát triển sản phẩm của Vinacas, đến năm 2015 các DN sẽ chế biến khoảng 190 ngàn tấn nhân điều, bao gồm xuất khẩu 180 ngàn tấn (trong đó 150 ngàn tấn nhân thô và 30 ngàn tấn được chế biến sâu có hàm lượng giá trị gia tăng cao) và lượng nhân hạt điều tiêu thụ trong nước khoảng 10 ngàn tấn. Đến năm 2020, sản lượng nhân điều chế biến khỏang 220 ngàn tấn, trong đó 100 ngàn tấn được chế biến sâu và tiêu dùng trong nước được nâng lên trên dưới 35 ngàn tấn/năm. Với kế hoạch này, các DN chế biến điều thời gian tới sẽ tập trung nhiều cho công đoạn chế biến sâu và khai thác thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Văn Chiêu, Phó chủ tịch Vinacas, đánh giá mức độ tiêu thụ hạt điều và hạt ăn được ở trong nước còn khá thấp so với một số quốc gia khác trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, mấy năm gần đây nhu cầu tiêu thụ cũng đã tăng dần. Nguyên nhân chính là kinh tế, đời sống của xã hội được nâng lên và nhận thức về nhu cầu sử dụng các loại hạt ăn được phục vụ sức khỏe của người tiêu dùng cũng tốt hơn. Đây cũng là tín hiệu vui cho các DN chế biến. Cũng theo ông Chiêu, để tăng mức tiêu thụ hạt điều và những loại hạt ăn được trong nước nhằm kích thích cho công đoạn chế biến sâu của ngành điều phát triển thì cần một số giải pháp như: phải tìm ra đầy đủ giá trị sử dụng của sản phẩm, công bố thành phần dinh dưỡng. Nhà sản xuất cần theo thị hiếu tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm cho phù hợp. “Hiện nay sản phẩm của các DN và cơ sở sản xuất còn khá đơn điệu chỉ mấy sản phẩm đơn giản là hạt điều rang muối hay kẹo điều. Trong khi đó hạt điều có thể chế biến được nhiều sản phẩm khác chẳng hạn như: điều bọc sôcôla, điều tẩm các loại gia vị, bánh điều... Trong một gói sản phẩm cũng cần pha trộn nhiều loại hạt với nhau để người ăn không ngán và hợp khẩu vị của nhiều người” - ông Chiêu chia sẻ.
Nếu khai thác tốt thị trường trong nước, ngành chế biến điều sẽ phát triển bền chắc hơn, đồng thời giá trị mang lại của nhân điều sẽ tăng cao.
Vân Nam