Sau nhiều năm bươn chải với nghề nông, có trong tay số vốn kha khá ông Nguyễn Văn Lộc ở xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh) đã thực hiện ước mơ là mở công ty đầu tư phát triển nông nghiệp.
Sau nhiều năm bươn chải với nghề nông, có trong tay số vốn kha khá ông Nguyễn Văn Lộc ở xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh) đã thực hiện ước mơ là mở công ty đầu tư phát triển nông nghiệp.
Vào năm 2003, khi ông Lộc đã ở tuổi 56, ước mơ có được một công ty chuyên đầu tư phát triển một loại cây trồng có thể đem lại lợi nhuận cao cho mình và những nông dân trong vùng mới thành hiện thực. Loại cây ông Lộc chọn để đổ hết vốn liếng và tâm sức vào là cây ca cao. Lúc đó, không ít bạn bè, người thân khuyên ông hãy chọn cây trồng khác để đầu tư. Vì cây ca cao từng có mặt ở Đồng Nai cách đó hơn 10 năm và người dân không tìm được đầu ra đã chặt bỏ hàng loạt.
* Lăn lộn nghề nông
Xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp nên khi trưởng thành ông tiếp tục theo nghề nông với mong muốn sẽ làm giàu từ chính nghề này. Lúc đầu chưa có vốn, ông trồng những cây ngắn ngày: lúa, bắp, đậu... Đến khi tích lũy chút vốn ông chuyển qua trồng cây lâu năm: tiêu, cà phê, sầu riêng... Do chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, ông Lộc luôn thu được lợi nhuận cao.
Ông Lộc hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành trong vườn ca cao ở xã Hàng Gòn (TX. Long Khánh). Ảnh: H. Giang
Năm 1995, ông Lộc là một trong ba nông dân của Đồng Nai được cử tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ I. Không bằng lòng ở đó, năm 2002 ông Lộc đã chọn hướng bứt phá mới là đưa cây ca cao về trồng lại ở Đồng Nai. Sau 1 năm trồng thí điểm, thấy cây ca cao sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán cây lâu năm già cỗi, ông Lộc “liều” dồn hết vốn liếng tích lũy được thành lập doanh nghiệp chuyên hỗ trợ phát triển cây ca cao.
* Trở thành chủ doanh nghiệp
Năm 2003, ông Lộc thành lập Công ty Nguyên Lộc. Việc đầu tiên ông làm là liên kết với Trường đại học nông lâm TP. Hồ Chí Minh xây dựng vườn cây đầu dòng 4 hécta và một vườn ươm cây giống 1,5 hécta để có loại giống tốt, sạch bệnh, cung cấp cho người trồng.
Với diện tích sản xuất giống kể trên, mỗi năm ông cung cấp ra thị trường từ 200-400 ngàn cây giống. Có được nguồn giống tốt, nhưng ông Lộc lại gặp phải trở ngại là làm sao cho người dân đầu tư trồng lại cây ca cao. Những ngày đầu với ông thật gian nan, vì phải tìm đến một số vườn cây già cỗi ở huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và TX. Long Khánh để vận động nông dân trồng ca cao. Để người dân tin, ông ký hợp đồng trực tiếp với các hộ cùng nhiều ưu đãi như: hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra với giá có lời dù giá ca cao xuống dưới giá thành.
Với chính sách hỗ trợ như trên, ông Lộc đã từng bước đưa được cây ca cao trở lại Đồng Nai và xây dựng được uy tín, thương hiệu cho mình. Sau khi cây ca cao đã có chỗ đứng ở Đồng Nai, ông tiếp tục mở rộng diện tích ra tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Đến nay, diện tích cây ca cao được ông Lộc bao tiêu đầu ra lên đến gần 800 hécta. Ông Lộc cho biết: “Nhờ tìm hiểu trước thị trường, dự tính trong tương lai sản lượng ca cao thế giới sẽ thiếu hụt lớn và có giá, tôi đã liều bỏ ra trên 4 tỷ đồng đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật cho nông dân để trồng ca cao. Kết quả, 3 năm lại đây giá ca cao khá cao, đầu ra thuận lợi, nông dân lãi nhiều, công ty tôi làm ăn phát đạt hơn”.
Hiện nay, ông Lộc đã mở 12 điểm mua ca cao trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp của ông là đơn vị cung cấp sản lượng ca cao lớn nhất tại Đồng Nai.
Đã ở tuổi 64 nhưng ông Lộc vẫn còn rất hào hứng khi nói về các dự định trong tương lai. Công ty của ông là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong tỉnh dám mạnh dạn bỏ vốn tham gia làm mô hình trồng ca cao công nghệ cao tại Khu công nghệ cao của tỉnh ở huyện Cẩm Mỹ. Dự tính của ông là sẽ xây dựng một mô hình trồng cây cao cao từ khâu sản xuất giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế tại đây. |
Hương Giang