Dự án (DA) nhà máy nước Nhơn Trạch, công suất 100 ngàn m3/ngày được triển khai thực hiện từ cuối năm 2007. Theo kế hoạch, công trình được đưa vào khai thác từ tháng 4-2010, tuy nhiên đến nay, các gói thầu thi công đều trong giai đoạn dở dang…
Dự án (DA) nhà máy nước Nhơn Trạch, công suất 100 ngàn m3/ngày được triển khai thực hiện từ cuối năm 2007. Theo kế hoạch, công trình được đưa vào khai thác từ tháng 4-2010, tuy nhiên đến nay, các gói thầu thi công đều trong giai đoạn dở dang…
DA nhà máy nước Nhơn Trạch được thực hiện từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản với số tiền lên đến 1.500 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn của DA, 15% còn lại Việt Nam bỏ vốn đối ứng). Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai (gọi tắt là Công ty cấp nước) được giao làm chủ đầu tư; ba doanh nghiệp nước ngoài: tập đoàn Kubota (Nhật Bản), Salcon (Malaysia) và Degrémont (Pháp) trúng các gói thầu: cung cấp thiết bị cơ khí, máy bơm, thiết bị xây dựng, đường ống chuyển tải nước thô và xử lý nước sạch.
* Thi công cầm chừng
Ngày 15-12-2007, khi DA khởi công, các bên liên quan đều cam kết sẽ thực hiện thi công trong vòng 26 tháng - tức đến tháng 2-2010 công trình sẽ hoàn thành, và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 4-2010. Song cho đến nay, thời gian quá hạn kể trên đã là 14 tháng, tiến độ thực hiện vẫn chậm chạp.
Hệ thống lấy nước ở nhà máy xử lý nước thô tại xã Thiện Tân. |
Nhà máy xử lý nước thô (xã Thiện Tân, Vĩnh Cửu) là điểm đầu của DA, có nhiệm vụ lấy nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai lên. Hiện nay, công trình đã xây dựng xong, nhưng phải đến tháng 7 tới mới có thể chạy thử. Điều đáng nói ở chỗ, cho dù nhà máy nước thô có vận hành được thì cũng không thể phục vụ cho DA, bởi những gói thầu khác đang trong giai đoạn thi công cầm chừng. Chẳng hạn, tại nhà máy xử lý nước sạch (nằm trên địa bàn phường Tân Biên, TP. Biên Hòa) mới có 7/13 hạng mục đang thi công, trong đó chỉ có trạm bơm nước sạch thực hiện 80% phần việc, còn các hạng mục khác nằm… phơi nắng. Trên công trường chỉ có từng tốp công nhân làm việc rời rạc. Tương tự là công trường xây dựng trạm bơm tăng áp ở xã Tam Phước do Tổng công ty Sông Đà chịu trách nhiệm xây dựng 2 hạng mục: bể chứa nước sạch và trạm bơm chuyển tiếp. Đến nay, trạm bơm đã tương đối hoàn chỉnh, nhưng bể chứa thì vẫn ngổn ngang.
Theo Công ty cấp nước Đồng Nai, Nhà máy xử lý nước thô, đặt tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu hiện sắp hoàn thành. Nếu như vận hành thử đạt hiệu quả mà vẫn phải đóng cửa để chờ các gói thầu khác thuộc DA thi công xong, sẽ gây lãng phí lớn. Do đó, để tăng thêm hiệu quả phục vụ, Công ty dự kiến sẽ đưa nước từ nhà máy này đến nhà máy nước Thiện Tân (phường Tân Biên). Ước tính, mỗi ngày nhà máy nước thô sẽ tăng cường cho nhà máy nước Thiện Tân (hiện công suất đạt 120 ngàn m3) khoảng 30 ngàn m3 nước… |
Nhận định về việc các gói thầu thi công chưa đúng thực lực, một cán bộ phụ trách đền bù giải tỏa thuộc Công ty cấp nước Đồng Nai khẳng định, do mặt bằng không được giao cùng lúc nên dẫn đến chỗ bên này… chờ bên kia. Thực tế, quá trình vận động người dân giao đất DA là cuộc hành trình gian nan, vất vả, khó tránh khỏi tình trạng giao - nhận theo kiểu ngắt quãng từng đoạn. Chính vì vậy, các công trình không thể thực hiện trọn gói, một khi đất DA chỗ giao, chỗ không, chẳng khác gì “da beo”.
* Thời gian đếm từng ngày!
Theo kế hoạch, DA nhà máy nước Nhơn Trạch, giai đoạn 1 phục vụ cho sự phát triển các khu dân cư, khu công nghiệp ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, và dọc QL51. Đây là DA lớn nên công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện từ năm 2004. Thế nhưng, do những vướng mắc không thể giải quyết ngay, nhất là về đền bù giải tỏa nên đã ảnh hưởng đến DA. Nhìn thấy những khó khăn của DA nhà máy nước Nhơn Trạch, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản đã đồng ý cho gia hạn thời gian giải ngân, lần thứ hai diễn ra vào ngày 13-8-2010 với yêu cầu: Hiệp định vay vốn sẽ không được gia hạn lần thứ 3; lần rút vốn cuối cùng của thỏa thuận này phải được thực hiện vào ngày 24-7-2012.
Trạm bơm tăng áp (xã Tam Phước) đang thi công. |
Nói về những tồn tại của DA, giám đốc Công ty Cấp nước Đồng Nai Đặng Trọng Thành không khỏi bức xúc khi nêu lên những khoản tiền chi phí thời gian qua. Do là vốn vay, nên dù công trình chưa khai thác, chủ đầu tư vẫn phải thanh toán cho chủ nợ. Cụ thể, năm 2010, Công ty trả gốc và lãi vốn vay số tiền 140 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay đã trả khoảng 70 tỷ đồng, dự kiến thời gian còn lại trong năm nay sẽ phải trả tiếp vài chục tỷ đồng nữa. Trong khi DA đang ở vào thế bế tắc, công ty buộc sử dụng vốn kinh doanh để trả nợ. Thực ra, nếu như DA hoàn thành đúng tiến độ đề ra thì Nhà nước sẽ không thất thu một khoản tiền lớn khi nhà máy khai thác đúng công suất. Đơn cử, giá nước thấp nhất hiện nay là 3.600 đồng/m3 thì chậm một ngày sẽ mất đứt 360 triệu đồng (công suất DA: 100m3/ngày). Như vậy thời gian DA thi công chậm trễ đã qua (14 tháng), khoản tiền hơn 150 tỷ đồng bị lãng phí. Đó là chưa kể khoản phí hàng chục tỷ đồng cho gói thầu dịch vụ tư vấn giám sát kéo dài thêm hàng năm trời so với hợp đồng ban đầu.
“Mỗi ngày, mở mắt ra tôi lại nghĩ đến công nợ. Với tình hình này thì DA kéo dài thêm càng tạo rất nhiều áp lực cho Công ty. Gần đây, tâm trạng của lãnh đạo tập thể Công ty lúc nào cũng như đang ngồi trên lửa!” - ông Thành mệt mỏi nói.
Theo ông Thành, nguyên nhân của những bế tắc này không gì khác ngoài công tác giải phóng mặt bằng chậm. Cụ thể, tại khu xử lý nhà máy nước ở phường Tân Biên, diện tích quy hoạch 18 hécta, mới giao 6,2 hécta, trong đó có 249 hộ phải giải tỏa trắng cần đất tái định cư; tuyến ống chuyển tải dài 17,9km qua các phường: Tân Biên, Long Bình, An Bình, Long Bình Tân và 2 xã: Phước Tân, Tam Phước với 587 hộ bị giải tỏa, hiện chỉ mới bàn giao 11,4km của 305 hộ; 44,5km đường ống dẫn nước từ nhà máy nước thô về Nhơn Trạch, còn 10 km chưa bàn giao. Lo lắng nhất hiện nay đối với đơn vị chủ đầu tư, là không đảm bảo thời hạn cam kết với đối tác Nhật Bản. Do đó, từ nay đến cuối năm, mặt bằng thi công phải được giao hết thì đến đầu năm 2013 DA mới có thể đưa vào sử dụng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái: Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng! DA nhà máy nước Nhơn Trạch là công trình cung cấp nước sạch quan trọng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển dân sinh và khu công nghiệp ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch. Đây là DA sử dụng vốn vay ODA, vì thế, nếu DA không thực hiện đúng tiến độ đã cam kết, sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác quốc tế. Để mục tiêu cấp 100 ngàn m3 nước sạch/ngày cho khu vực không kéo dài thêm, các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tái định cư. Chậm nhất đến hết năm 2011, toàn bộ phần mặt bằng nằm trong DA phải được giao cho chủ đầu tư… |
Tạ Nguyên