Đợt mưa lũ xuất hiện trên sông Đồng Nai từ ngày 27-7 đến nay gây thiệt hại lớn cho 2 địa phương Tân Phú và Định Quán, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương đang tập trung mọi giải pháp khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa phải) kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại H.Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên |
Đồng Nai đang vào cao điểm mùa mưa bão. Từ cơ quan quản lý nhà nước đến người dân tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
* Hỗ trợ kịp thời cho người dân thiệt hại
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, đến nay, 2 huyện Tân Phú, Định Quán có 269 lồng bè nuôi cá bị hư hỏng với gần 2,4 ngàn tấn cá bị chết, thoát ra ngoài; 60ha ao cá bị ngập, thất thoát. Về cây trồng có hơn 1 ngàn ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị ngập nước. Ngoài ra, có 79 căn nhà bị ngập; sạt lở một số tuyến đường giao thông nông thôn... Ước tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, những thiệt hại, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như: sập nhà, tốc mái nhà… phải khắc phục nhanh và hỗ trợ người dân bị thiệt hại. |
Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết, ngay từ đầu năm, huyện và ban chỉ huy PCTT-TKCN các xã đã triển khai tất cả các nội dung liên quan đến công tác PCTT-TKCN. Mọi năm, lũ thường xuất hiện từ tháng 9, tháng 10 thì năm nay đến sớm hơn. Địa phương có 7 xã nuôi cá bè trên hồ Trị An nên liên tục cập nhật tình hình biến đổi của thời tiết, xả lũ của các thủy điện trong và ngoài tỉnh để chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại.
Sau đợt lũ trên sông Đồng Nai, H.Định Quán đã tổ chức di dời bè cá về khu an toàn. Những hộ dân bị sập nhà, tốc mái, huyện hỗ trợ kịp thời ngay sau khi sự cố xảy ra. Về cây trồng, Định Quán có 2 khu vực thường xuyên ngập lụt là cánh đồng ở xã Gia Canh và xã Phú Hòa. Trước đây, H.Định Quán có đề xuất triển khai dự án tiêu thoát lũ liên cánh đồng với xã Phú Điền ở H.Tân Phú và khuyến cáo người dân không gieo trồng trong mùa vụ.
Huyện Tân Phú cũng triển khai ngay nhiều giải pháp khắc phục hậu quả do thiên tai. Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Phạm Ngọc Hưng cho hay, khi xảy ra lũ trên sông, chính quyền hỗ trợ người nuôi cá kéo các bè nuôi vào sát khu vực gần bờ; thu hoạch cá bị ngộp đưa đi tiêu thụ để giảm thiệt hại. Với cây trồng, diện tích cây lâu năm bị ngập nhưng không thiệt hại nhiều, một phần diện tích lúa bị ngập đã được người dân thu hoạch sớm. Kết quả so với năm trước, thiệt hại không quá lớn. Sau khi có 3 điểm xảy ra sạt lở, huyện đã kiểm tra và phối hợp với các xã xử lý, cảnh báo, chủ động di dời người dân đến vùng an toàn. Thời gian tới, huyện tiếp tục theo sát diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó.
* Thích ứng với phòng, chống thiên tai
Ngoài việc tập trung triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả sau thiên tai, ban chỉ huy PCTT-TKCN từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó trong thời gian tới khi vào cao điểm mùa mưa lũ.
Các bè nuôi cá thuộc khu vực xã Phú Thịnh, H.Tân Phú đã được di dời vào khu vực an toàn |
2 huyện Tân Phú, Định Quán tiếp tục cập nhật liên tục diễn biến tình hình thời tiết, nước sông, thông tin đến các cơ quan, tổ chức, người dân khu vực ven sông biết, để chủ động phòng tránh. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/7 bố trí lực lượng, phương tiện để huy động chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra. Chỉ đạo UBND các xã chủ động kiểm tra, thống kê, xác minh, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại theo quy định. Thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng”; rà soát, cập nhật, xác định những vùng nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để xây dựng phương án cụ thể trong ứng phó, di dời nhân dân trong trường hợp khẩn cấp.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai được thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức và các kỹ năng ứng phó với thiên tai của các cấp chính quyền và người dân. Công tác tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phương án ứng phó thiên tai nhất là tại cơ sở được chú trọng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, Đồng Nai đang vào cao điểm mùa mưa bão, đặc biệt với 2 địa phương Tân Phú, Định Quán. Vì thế, các địa phương cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên công tác phòng, chống thiên tai, cảnh báo về tình hình mưa lũ kịp thời để chủ động ứng phó. Tổ chức di dời người dân khỏi vùng thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Đặc biệt, cần tạo cho người dân sự thích ứng trong phòng, chống thiên tai, không để tâm lý trông chờ, ỷ lại. Cụ thể, vụ lúa hè - thu, cần khuyến cáo thời điểm gieo sạ, thu hoạch sớm để né lũ. Tình hình nuôi cá bè trên hồ Trị An không nên phát triển, nhân rộng thêm, cần có giải pháp xử lý diện tích nuôi phát sinh gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Các địa phương cố gắng triển khai hiệu quả công tác di dời, sắp xếp lồng bè theo quy hoạch để đảm bảo an toàn bè nuôi.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin