Báo Đồng Nai điện tử
En

Hợp tác xã đẩy mạnh thực hiện mã số vùng trồng

Đào Lê
08:38, 14/08/2023

Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được xem là “tấm vé thông hành” giúp nông sản Việt Nam vững vàng xuất khẩu theo đường chính ngạch sang nhiều thị trường trên thế giới, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, HTX, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Người dân truy xuất nguồn gốc sản phẩm vùng trồng tại một chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.LÊ
Người dân truy xuất nguồn gốc sản phẩm vùng trồng tại một chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.LÊ

Tại Đồng Nai, cùng với nỗ lực chung của tỉnh, ngành nông nghiệp thì nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để làm mã số vùng trồng. Theo đại diện các HTX, có được mã số vùng trồng sẽ tạo cơ hội để phát triển bền vững hơn.

* Mở cửa nông sản ra thế giới

Nhiều năm qua, hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó giúp thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn.

Sầu riêng là một trong những loại trái cây được hưởng lợi nhiều từ mã số vùng trồng. Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An (H.Tân Phú) hiện có 200ha sầu riêng đã đạt chuẩn VietGAP và tiến hành xuất khẩu thành công qua thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Ông Phạm Văn Nhanh, Giám đốc HTX cho hay, đã hướng dẫn cho thành viên HTX và hội viên nông dân đăng ký thủ tục mã vùng trồng, đến nay HTX đã được cấp 1 mã vùng trồng cho 17 hộ với tổng diện tích 122ha sầu riêng. Theo ông Nhanh, hiện xã Phú An có khoảng 600ha sầu riêng và cũng đã thành lập thêm 3 tổ hợp tác. Việc làm mã vùng trồng cho cây sầu riêng rất quan trọng vì sẽ được mua bán, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc chứ không phải buôn bán trôi nổi thông qua thương lái như trước đây, do vậy sắp tới HTX sẽ nỗ lực để chuẩn hóa quy trình nhằm mở rộng thêm diện tích vùng trồng được cấp mã số.

Tương tự, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) cũng là một trong những người tiên phong làm mã số vùng trồng chuối xuất khẩu. Hiện nay, HTX này đã đầu tư dây chuyền thu hoạch chuối, hệ thống kho lạnh đến các máy móc sơ chế, chế biến…, trung bình mỗi năm xuất khẩu được 3-5 ngàn tấn chuối tươi sang các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu… Nhờ sự năng động trong sản xuất, trong đó có việc nâng cao chất lượng quả chuối, làm mã vùng trồng mà hiện HTX Thanh Bình đã thực hiện được mô hình liên kết sản xuất, chế biến xuất khẩu chuối và các sản phẩm từ chuối cấy mô. Trong đó, HTX có 120ha chuối canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất bình quân thu hoạch chuối trên 1ha dao động 45-52 tấn. Thu nhập bình quân mỗi năm của HTX khoảng 3 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 80-100 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 9-15 triệu đồng/tháng.

* Hỗ trợ và quản lý chặt việc cấp mã số vùng trồng

Nắm bắt được lợi thế khi có mã số vùng trồng cho các loại trái cây, trong những năm qua, Đồng Nai đã đẩy mạnh lĩnh vực này. Đến nay toàn tỉnh có 140 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng với tổng diện tích hơn 25,2 ngàn ha các loại cây ăn trái như: xoài, sầu riêng, chuối, chôm chôm, thanh long, mít…

Diện tích vùng trồng cây ăn trái ngày càng đa dạng về chủng loại trái cây xuất khẩu cũng như tăng nhanh về diện tích. Đặc biệt, Đồng Nai đang đứng đầu về diện tích cũng như chất lượng với 2 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn là sầu riêng và chuối.

Đạt được các kết quả khả quan song vẫn còn nhiều HTX, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để cấp mã số vùng trồng. Ông Phạm Phú Quốc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) cho hay, hiện HTX có tham gia hỗ trợ nông dân trong việc liên kết với doanh nghiệp thu mua sầu riêng, cây ăn trái trên địa bàn. Sản lượng sầu riêng của các xã viên rất lớn, có khả năng tiếp cận và xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc và các nước, tuy nhiên HTX vẫn chưa làm được mã số vùng trồng cho người dân. Do đó mong muốn các sở, ngành và cơ quan liên quan hướng dẫn các thủ tục cấp mã số vùng trồng để HTX sớm thực hiện và hưởng thụ lợi thế này.

Mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người nông dân và HTX, tuy nhiên vấn đề là phải đảm bảo chất lượng bởi trên thực tế tại Việt Nam cũng đã xuất hiện tình trạng mã số vùng trồng bị gian lận hoặc bị thu hồi đang tăng cao. Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, có hơn 710 mã số vùng trồng đã bị thu hồi, trong đó phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân lớn nữa khiến nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp.

Tại Đồng Nai, mục tiêu cấp mã số vùng trồng là vừa nhân rộng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu nhưng đồng thời phải gắn với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật… Đây là việc làm lâu dài nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho nông sản có xuất xứ từ địa phương.

Đào Lê

Tin xem nhiều