Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệp định thương mại Việt Nam - Israel: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp

Ngọc Liên
08:01, 17/08/2023

Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) vừa được ký kết ngày 25-7-2023. Đây là hiệp định tự do (FTA) thứ 16 được ký kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế.

Trứng là một trong những mặt hàng sẽ được áp dụng mức thuế suất bằng 0 theo lộ trình khi VIFTA có hiệu lực thi hành. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất trứng gà thảo mộc tại Đồng Nai. Ảnh: N.Liên

VIFTA gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm với các nội dung cơ bản về thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý - thể chế…, dự kiến sẽ sớm được thực thi vào đầu năm 2024.

* Cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp

Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Đây cũng là thị trường được đánh giá còn nhiều dư địa để khai thác cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu hàng hóa. Bởi nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Israel đều nằm trong nhóm các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có Đồng Nai.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu (XNK) Đồng Nai chia sẻ, Việt Nam càng có nhiều FTA với các nền kinh tế trên thế giới thì cũng đồng nghĩa với việc những sản phẩm của Việt Nam có thêm cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường hơn. Khi ký các FTA, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam được tận dụng những ưu đãi từ thị trường đối tác và ngược lại đối tác cũng được hưởng những ưu đãi từ Việt Nam và những nước thành viên các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Israel là quốc gia nằm ở khu vực Tây Á, với diện tích khoảng hơn 22 ngàn km2. Dân số Israel có gần 10 triệu người, trong đó phần lớn là người Do Thái. Israel là một trong những quốc gia hàng đầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao với thành tựu áp dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

Đối với Israel - đất nước có nền nông nghiệp phát triển - sẽ là môi trường để Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Israel lâu nay là quốc gia có khá nhiều yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu, do đó, nếu hàng hóa Việt Nam vào được thị trường Israel sẽ là cơ hội để Việt Nam khẳng định giá trị, thương hiệu, tạo sự cạnh tranh tại các thị trường lớn trên thế giới.

Ông Phan Minh Thuần, Trưởng phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan Đồng Nai) cho biết, thời gian qua, hoạt động XNK giữa các DN trên địa bàn tỉnh với thị trường Israel còn khá khiêm tốn. Trong 7 tháng của năm nay, tổng kim ngạch XNK giữa các DN Đồng Nai và Israel đạt trên 4,7 triệu USD, tỷ trọng xuất khẩu chiếm đa số với những mặt hàng chính sang Israel thuộc nhóm hàng tiêu dùng như: giày dép, quần áo, nhân hạt điều thô, hải sản…, trong đó sản phẩm giày dép chiếm trên 41% giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Đối với nhóm hàng nhập khẩu từ Israel về Đồng Nai chủ yếu là linh kiện, phụ tùng, máy móc dùng trong hệ thống tưới sản xuất nông nghiệp.

Nhận định về cơ hội XNK giữa các DN Đồng Nai và Israel, ông Thuần hy vọng thời gian tới, giao thương giữa hai bên sẽ tăng so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực.

* Cần nắm thông tin yêu cầu hàng hóa từ đối tác

Việt Nam đang có xu hướng tìm kiếm, khai thác thêm nhiều thị trường XNK trên thế giới. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, châu Âu, Trung Quốc, nhu cầu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là mở rộng thị trường mới, thị trường ngách, thị trường ở xa đang được các bộ, ngành tìm hiểu và kết nối thương mại để các DN của Việt Nam có cơ hội mở rộng XNK.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc ký kết Hiệp định VIFTA nhằm tạo ra khung khuôn khổ pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ, lao động… giữa hai nước.

Theo nội dung đàm phán trong Hiệp định VIFTA, một số mặt hàng nông sản như: trứng gà, thịt, khoai tây, cà rốt, súp lơ, nấm, mật ong, cá ngừ… được Israel áp dụng mức thuế suất bằng 0%. Các mặt hàng thời trang, giày dép gia công và thành phẩm hầu hết đều được miễn thuế quan ngay khi FTA có hiệu lực. Cùng với những mặt hàng trên, trong vòng từ 3-5 năm tới, các mặt hàng thời trang, giày dép thể thao hầu hết đã có lộ trình xóa bỏ thuế quan. Đặc biệt, thời gian tới, những nhóm mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao sẽ tiếp tục khẳng định vị thế, được người tiêu dùng Israel đánh giá cao và có khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Israel trong thời gian không xa.

Liên quan đến thị trường Israel, ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel cho biết, ngoài những mặt hàng chủ lực đã được xuất sang Israel, gần đây tại Israel thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung một số mặt hàng như bơ và sữa các loại. Chính phủ Israel thường xuyên điều chỉnh chính sách thương mại về nhập khẩu đối với những mặt hàng thiếu nguồn cung như: bãi bỏ thuế nhập khẩu và hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng bơ sữa nhập khẩu. Theo ông Hòa, đây là cơ hội cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, đặc biệt là hàng bơ sữa sang thị trường Israel vào thời gian tới.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều