Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt và câu chuyện nhận diện thương hiệu

Hoàng Hải
08:14, 09/08/2023

Nhận diện thương hiệu luôn là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Hội nhập kinh tế sẽ là cơ hội để các DN, nhất là các DN Việt vốn dễ bị cạnh tranh, mạnh dạn chuyển mình.

Người tiêu dùng chọn mua các loại sản phẩm nước chấm, gia vị của Việt Nam tại một siêu thị. Ảnh: Hải Hà
Người tiêu dùng chọn mua các loại sản phẩm nước chấm, gia vị của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Đặc biệt, khi môi trường, tập quán, thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông của người tiêu dùng thay đổi, cũng chính là thời điểm thích hợp nhất để các DN, thương hiệu đem đến những làn gió mới, giá trị mới để ngày càng khẳng định mình.

* Thay đổi để chuyển mình

Việc tạo mới hay thay đổi bộ nhận diện thương hiệu là động thái quan trọng để DN chuẩn bị cho những thay đổi bước ngoặt trong vận hành, thực hiện chiến lược đồng bộ như: chuyển đổi số trong kinh doanh, marketing, nhân sự… Ngoài giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, các tập đoàn, DN phải tạo ra bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng với ý tưởng cụ thể, khác biệt, vừa dễ nhớ vừa thể hiện được bản sắc riêng và truyền tải giá trị cốt lõi thương hiệu của DN. Hệ thống nhận diện thương hiệu sẽ phát huy tính hiệu quả cao nhất khi nó mang tính đại chúng cao.

Mới đây vào tháng 7, thương hiệu sữa Việt Nam Vinamilk có tuổi đời gần 50 năm đã “thay áo mới” thông qua thiết kế, font chữ, logo, màu sắc mới, tạo ấn tượng lớn với người tiêu dùng trong cả nước. Bộ nhận diện mới sau đó được cập nhật trên toàn bộ hệ thống Vinamilk, bao gồm: website, kênh bán hàng trực tuyến, điểm bán lẻ, hệ thống cửa hàng và các ấn phẩm thương hiệu trên bao bì sản phẩm. Sự cộng hưởng của những yếu tố trên giúp thương hiệu Vinamilk tối ưu hiệu quả hoạt động, gần gũi hơn với thị trường và tạo trải nghiệm hứng khởi, hiện đại với người dùng.

Chị Châu Ngọc Anh (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, chị thường xuyên tham khảo, lựa chọn nhiều sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm hàng Việt cả ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh… cho đến thị trường trực tuyến. Theo chị, giữa thị trường kinh doanh đa dạng với nhiều nguồn cung nội ngoại nhập, việc nhận diện được một thương hiệu nổi bật so với các thương hiệu cùng phân khúc là vô cùng quan trọng. Điều này giúp các DN, thương hiệu “phủ sóng” rộng rãi, tăng doanh thu bán hàng và mang tính chuyên nghiệp hơn.

“Vừa qua thị trường Việt chứng kiến sự “lột xác” của một thương hiệu sữa gắn liền với tuổi thơ của nhiều người Việt là Vinamilk. Ngoài mang lại sự thú vị, bắt trend (xu hướng) trong cộng đồng mạng, việc “thay áo mới” này còn thể hiện sự nỗ lực tái định vị, đánh dấu bước tiến để thương hiệu Việt lâu đời như Vinamilk hiện đại hóa trải nghiệm, tiếp tục mở rộng sứ mệnh nâng cao chất lượng sản phẩm cho nhiều người tiêu dùng Việt dựa trên việc tiếp nối những giá trị truyền thống” - chị Ngọc Anh chia sẻ.

* Nâng cao tính chuyên nghiệp

DN dù là lớn hay nhỏ, lâu năm hay mới thành lập, bộ nhận diện thương hiệu là chìa khóa cực kỳ quan trọng giúp các khách hàng nhận biết và nhớ về thương hiệu, sản phẩm và DN. Bộ nhận diện thương hiệu cũng là phương tiện giao tiếp giữa khách hàng và DN, giúp tăng năng suất bán hàng và thể hiện tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Việc xây dựng thương hiệu đã khó, việc duy trì và giữ vững thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường như hiện nay lại càng khó hơn, đòi hỏi các DN cần chủ động thay đổi tư duy, nắm bắt những cơ hội và tạo ra được dấu ấn riêng trong quá trình hội nhập.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều DN địa phương dù đã xác định được chiến lược phát triển nhưng lại thiếu nguồn lực, thiếu vốn để phát triển thương hiệu. Do đó để viết tiếp những câu chuyện thương hiệu thì bên cạnh sự chủ động của DN thì rất cần có thêm các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương.

Tại Đồng Nai, những năm qua, nhiều thương hiệu hàng hóa đã được người tiêu dùng đón nhận như: Đường Biên Hòa (Công ty CP Đường Biên Hòa), Lothamilk (Công ty CP Lothamilk), Vinacafé (Công ty CP Vinacafé Biên Hòa), Donafoods (Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm), Donagamex (Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai), Donasa (Công ty CP Sơn Đồng Nai), Bibica (Công ty CP Bibica), GCfood (Công ty CP Thực phẩm G.C), Casumina, Ắc quy Đồng Nai, Nam Long, Ca cao Trọng Đức…

Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) Đặng Tường Khanh cho hay, công ty luôn quan tâm tới việc phát triển những giá trị thương hiệu theo hướng chuyên nghiệp, tích cực mở rộng các kênh quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh kết nối giao thương, phát triển các kênh tiếp thị, góp phần nâng cao tính nhận diện về thương hiệu đến với người tiêu dùng.

Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cho hay, hàng Việt đã dần có sự thích nghi với nhu cầu thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó, nhiều DN trong nước đã chú trọng nhiều hơn tới bộ nhận diện thương hiệu, tăng cường các kênh tiếp thị, chương trình khuyến mãi, chuỗi sự kiện truyền thông để mở rộng “độ phủ” thương hiệu đến người tiêu dùng nhiều hơn. 

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh) Vũ Đình Trung nhấn mạnh, qua nhiều cuộc khảo sát người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, vấn đề thương hiệu, uy tín của sản phẩm là một trong những yếu tố tác động đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động thông tin về các sản phẩm, thương hiệu Việt uy tín, đưa các sản phẩm hàng Việt chất lượng, sản phẩm địa phương tiêu biểu, nổi bật đến gần với người tiêu dùng trong tỉnh.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Kính Kuboraum Chính Hãng Hublot chính hãng Mua rolex 116233 tại 24Kara