Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp thay đổi để đáp ứng các tiêu chí bền vững

Ngọc Liên
09:01, 10/08/2023

Tạo sản phẩm xanh bằng công nghệ hiện đại hướng đến sản xuất bền vững là những tiêu chí mà thị trường các nước phát triển như: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Đông... đang siết đối với hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) phải thích nghi.

Tư vấn sản phẩm nội thất xuất khẩu tại Siêu thị nội thất gỗ P.Tân Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Liên
Tư vấn sản phẩm nội thất xuất khẩu tại Siêu thị nội thất gỗ P.Tân Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Liên

Đáng nói, các tiêu chí trên đang ngày càng được siết chặt trong sản xuất, đòi hỏi DN không thể chần chừ đáp ứng các chỉ tiêu, nhằm khẳng định vị thế, thương hiệu của sản phẩm, tăng cơ hội phát triển đến các thị trường, nhất là những nước phát triển.

* Hành trình về không phát thải

Là địa phương thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp từ rất sớm trong khu vực Đông Nam bộ, hơn 10 năm qua, Đồng Nai đã sớm có những thay đổi trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể là thu hút đầu tư có chọn lọc, luôn khuyến khích, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, từng bước đạt tiêu chí không phát thải (Net Zero), góp phần khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Đạt tiêu chí Net Zero là mục tiêu mà Việt Nam cam kết thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 (COP26).

Với phương châm đó, Đồng Nai đã nhận được sự đồng thuận từ các DN, đặc biệt là các DN nước ngoài đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường trong sản xuất, như: Công ty CP TKG Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) đã thay các thiết bị, dây chuyền sản xuất tiêu tốn điện năng sang các thiết bị mới, ít tiêu hao năng lượng; Công ty TNHH Saitex International Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) ứng dụng công nghệ hiện đại của Đức trong sản xuất sợi thân thiện môi trường và sử dụng máy pha thuốc nhuộm theo công nghệ tiên tiến của Thụy Sĩ đã góp phần giảm 30% nước, 90% lượng khí CO2 phát thải ra môi trường…

Ông Đặng Ráng, Giám đốc phụ trách kinh doanh thị trường Việt Nam và quốc tế của Công ty TNHH A&M Việt Nam (Bình Dương) cho biết, từ nhiều năm nay, Đồng Nai là thị trường nguyên liệu gỗ cung cấp cho công ty của ông sản xuất đồ nội thất xuất khẩu. Theo ông Ráng, Đồng Nai là trung tâm sản xuất gỗ cũng là nơi tập trung các loại nguyên liệu gỗ từ các thị trường khác. Đây là thị trường cung cấp nguyên liệu và sản phẩm gỗ cho vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, Đồng Nai mới chỉ phát triển theo theo kiểu làng nghề, chưa có nhiều DN đầu tư công nghệ trong sản xuất để gia tăng giá trị cho sản phẩm từ gỗ. Trong khi đó, tại Công ty A&M, sau khi nhập nguyên liệu gỗ từ Đồng Nai sẽ trải qua quy trình xử lý nghiêm ngặt với hệ thống sản xuất theo công nghệ hiện đại, góp phần nâng giá trị của sản phẩm, tạo vị thế trên trường quốc tế.

* Xây dựng quy trình sản xuất nghiêm ngặt

Thị trường XNK đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn. Nhiều DN bị ảnh hưởng vì thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các DN nhìn lại mình, chuẩn hóa quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường. Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu.

DN muốn phát triển hàng hóa xuất khẩu phải xây dựng quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Sau khi đã đạt được quy trình thì sẽ được cấp các chứng chỉ trong sản xuất theo yêu cầu của thị trường các nước khác. Hiện nay, các nhãn hàng trên thế giới đều có cam kết chung là sẽ giảm phát thải theo lộ trình. Vì thế, các nhãn hàng yêu cầu những nhà máy sản xuất phải có kế hoạch chuyển đổi công nghệ, sản xuất tuần hoàn.

Gỗ nội thất xuất khẩu sản xuất theo công nghệ tiên tiến, bền vững trưng bày tại Siêu thị nội thất Vitaco (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa)
Gỗ nội thất xuất khẩu sản xuất theo công nghệ tiên tiến, bền vững trưng bày tại Siêu thị nội thất Vitaco (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa)

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Ngành dệt may Việt Nam muốn tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường thì các DN trong ngành buộc phải ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất xanh. Những DN đi đầu trong sản xuất xanh sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn”.

 Do đó, DN Đồng Nai cần nhanh chóng hình thành quy trình sản xuất với những yêu cầu mà thị trường thế giới đưa ra. Bởi, khi hình thành được quy trình sản xuất thì DN sẽ dễ dàng vượt qua các rào cản pháp lý để tiếp cận đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường XNK. Ngoài việc chủ động đáp ứng xu thế phát triển sản xuất xanh, DN rất cần Nhà nước hỗ trợ đối với các chính sách như: bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất công nghiệp đến các DN; hỗ trợ về vốn, thuế, đầu ra sản phẩm với DN tiên phong trong sản xuất xanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua sử dụng sản phẩm xanh.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu (GIBC, TP.HCM) cho rằng, kinh tế xanh là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển bền vững.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều