Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán hàng đặc sản liên vùng

Hải Quân
09:00, 19/08/2023

Đông Nam bộ (ĐNB) và Tây nguyên là những khu vực giáp ranh, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, giao thương thông qua những tuyến đường huyết mạch như: quốc lộ 20, quốc lộ 14…

Các doanh nghiệp của Đồng Nai và Kon Tum trao đổi thông tin, giới thiệu các sản phẩm địa phương tại hội nghị kết nối giao thương giữa 2 tỉnh vào giữa tháng 7-2023. Ảnh: H.Quân

Thời gian qua, các địa phương ở 2 khu vực này thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh, nhất là các loại đặc sản, nông sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Qua đó, mở rộng thị trường, phát triển thêm các kênh tiêu thụ giữa các tỉnh, thành ở 2 khu vực nói riêng và kết nối với các khu vực khác trên cả nước nói chung.

* Nhiều hoạt động kết nối giao thương

Thời gian gần đây, các tỉnh, thành ở ĐNB và Tây nguyên đã triển khai nhiều chương trình kết nối giao thương, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm địa phương giữa 2 khu vực, cũng như các thị trường khác trong và ngoài nước.

Đơn cử, trong tháng 3 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8-2023. Chương trình có khoảng 400 gian hàng với khoảng 150 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tham gia. Đây là dịp để các DN ở khu vực Tây nguyên và các vùng lân cận quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, tạo điều kiện cho các DN xuất - nhập khẩu, địa phương, thương lái có cơ hội tiếp xúc, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê nói riêng và các sản phẩm đặc sản, nông sản thế mạnh của các địa phương nói chung.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Kon Tum (tỉnh Kon Tum) ĐẶNG XUÂN HÙNG, bên cạnh việc phát triển các chương trình kết nối giao thương với các DN, nhà phân phối ở các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có khu vực ĐNB, hiện nay công ty còn được địa phương giao điều hành chuỗi 4 cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. 

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương), các sản phẩm của các DN Đồng Nai được nhiều khách hàng, đối tác quan tâm tìm hiểu như: sản phẩm động cơ và máy nông nghiệp của Công ty TNHH MTV Động cơ và máy nông nghiệp Miền Nam; các loại cà phê của Công ty TNHH Laven Group; Công ty TNHH Thương mại, sản xuất thực phẩm Sơn Lâm; các sản phẩm ca cao, bột ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức…

Hay trong tháng 6 vừa qua, tại Đồng Nai diễn ra lễ hội Trái cây Long Khánh (TP.Long Khánh) năm 2023. Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, thời gian kéo dài hơn các năm trước với nhiều hoạt động sôi nổi, trong đó có nhiều hoạt động kết nối thị trường, tôn vinh các loại trái cây, sản phẩm OCOP của địa phương. Tại Bình Phước, diễn ra hội chợ Trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ 6-2023, Hội chợ có sự tham gia của hơn 300 gian hàng thu hút nhiều gian hàng của hội nông dân các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, TP.HCM… tham gia.

Ngoài ra, còn có nhiều chương trình hội chợ, hội nghị, triển lãm kết nối giao thương lớn tại các địa phương ở ĐNB và Tây nguyên như: chương trình kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành; diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM (HCM City Export); chương trình Bình Dương Expo. Vào cuối tháng 8 này, dự kiến sẽ diễn ra triển lãm giao thương ĐNB tại tỉnh Bình Dương…

* Mở rộng thị trường tiêu thụ giữa các tỉnh, thành

Bên cạnh các chương trình, hội nghị, triển lãm kết nối giao thương cấp vùng, nhiều địa phương ở ĐNB và Tây nguyên còn triển khai nhiều hoạt động kết nối, mở rộng thị trường giữa các tỉnh, thành với nhau.

Vào giữa tháng 7-2023, Sở Công thương Đồng Nai và Sở Công thương Kon Tum đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa các DN, nhà cung cấp của các địa phương với hệ thống phân phối của Đồng Nai.

Phó giám đốc Sở Công thương Kon Tum Nguyễn Thanh Hùng cho biết, hội nghị là dịp để các DN, HTX của 2 địa phương giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh. Đồng thời, giúp các chuỗi cung ứng của Đồng Nai có sự trao đổi thông tin, kết nối cung cầu với các nhà sản xuất của Kon Tum. Qua đó góp phần tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 8, Sở Công thương Long An phối hợp với Sở Công thương Lâm Đồng tổ chức hội nghị kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thế mạnh giữa 2 địa phương. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của các địa phương như: trà, cà phê, ca cao, nông sản sấy của tỉnh Lâm Đồng; các loại nước ép từ chanh, trái cây đặc sản sấy, lạp xưởng, hàng thủ công mỹ nghệ, tinh dầu từ hạt thanh long… của các DN Long An.

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh cho biết, thời gian qua, Đồng Nai đã phối hợp tổ chức, tham gia nhiều hoạt động kết nối các DN, HTX sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc sản với các nhà phân phối, trong đó có các hoạt động kết nối với các DN với các địa phương ở khu vực Tây nguyên. Thời gian tới, trung tâm sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, nông sản vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, các chuỗi cung ứng, bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tham gia nhiều hoạt động kết nối giao thương với các tỉnh, thành, khu vực lân cận, trong đó có khu vực Tây nguyên.

Hải Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích