Trên dải đất ven biển duyên hải miền Trung của Việt Nam thì Bình Thuận có vị trí là tỉnh cực Nam, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với đặc điểm thời tiết ít mưa nhiều nắng và diện tích đất nông nghiệp hơn 270 ngàn ha, do vậy nông dân trên địa bàn Bình Thuận hướng đến canh tác các loại cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên. Đặc biệt đến nay, thanh long đã trở thành cây trồng lợi thế của Bình Thuận có diện tích lẫn sản lượng đứng đầu Việt Nam với gần 30 ngàn ha, ngoài ra còn tập trung phát triển hàng chục ngàn ha cây cao su, cây điều… Bình Thuận hiện cũng là một trong những ngư trường lớn nhất cả nước với 52 ngàn km2, đạt sản lượng khai thác hải sản hàng năm trên 200 ngàn tấn và có khoảng 4.100ha phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản các loại… Ngoài ra, Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192km, đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành một trong 6 khu du lịch quốc gia của cả nước. Du lịch Bình Thuận đã trở thành một thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.
Bãi đá Ông Địa |
Nằm ở vị trí giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, TP.HCM - một thị trường du lịch nội địa lớn. Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 2 giờ, thì giao thương kinh tế, du lịch rất thuận lợi. Và để phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường bộ cao tốc, Bình Thuận đồng thời triển khai nâng cấp, cải tạo các tuyến đường trục ven biển như: Đường ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện; triển khai dự án Đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành, đoạn từ quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B kết nối tuyến đường bộ cao tốc với quốc lộ 1 đến đường trục ven biển của tỉnh.
Hai tuyến đường ĐT.719B và ĐT.719 có ý nghĩa quan trọng cho phát triển du lịch khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận, bởi sẽ khơi thông kết nối nội vùng cả 4 huyện, thị, thành phố là Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi và Phan Thiết.
Đối với thị xã La Gi, trong những năm gần đây, kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư. Tuyến chính vào thị xã là quốc lộ 55 cơ bản thuận lợi, dự kiến trong thời gian tới đoạn từ thị xã La Gi đi Bà Rịa - Vũng Tàu, qua huyện Hàm Tân có khả năng Trung ương đưa vào danh mục đầu tư giai đoạn 2021-2025. Các tuyến này hoàn thành việc đi lại giữa TP.Phan Thiết với thị xã La Gi, cũng như từ La Gi đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Lâm Đồng rất thuận lợi.
Khu du lịch Suối Tiên |
Các dự án trên được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với đường bộ cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là khu vực ven biển phía Nam tỉnh Bình Thuận với rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch biển, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa - 3 yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.
Là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận, thời gian qua, Báo Bình Thuận luôn chú trọng công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn kết nối giao thông như hiện nay. Với việc phát hành 5 số báo giấy - trong đó 4 số thường kỳ và 1 số cuối tuần cho tất cả các ngày làm việc trong tuần và cập nhật liên tục trong cả tuần trên Báo Bình Thuận điện tử, tờ báo Đảng địa phương luôn dành diện tích đất tương xứng để tuyên truyền đậm nét về những lợi thế khi giao thông kết nối. Trong đó có những bài phản biện, phân tích sâu về hàng loạt lợi thế phát triển du lịch, thủy sản, nông nghiệp và cả công nghiệp.
Nhiều năm qua, điểm nghẽn về hạ tầng giao thông đã kìm hãm tiềm năng và lợi thế đó của Bình Thuận. Việc kết nối giao thông giữa Bình Thuận với các địa phương khác, nhất là với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ yếu thông qua tuyến giao thông chính là quốc lộ 1 nhưng từ lâu đã quá tải, thường xuyên ùn tắc. Từ TP.HCM đến được Bình Thuận phải mất từ 5-6 giờ ngồi xe. Vì vậy, thiếu kết nối hạ tầng giao thông là lý do chính khiến Bình Thuận gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn, dự án lớn.
Bãi rêu Bình Thạnh |
Nhưng khi 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo được thông xe đã phát huy giá trị ngay lập tức đối với sự phát triển của Bình Thuận. Theo thống kê của ngành du lịch, lượng khách đến Bình Thuận từ tháng 6-2023 đến nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, các khu vui chơi, lưu trú luôn tấp nập du khách, nhất là những ngày cuối tuần; một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số trung tâm xúc tiến đầu tư cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và các khu du lịch, khu công nghiệp, các ngành nghề nhiều hơn…
Kể từ khi các tuyến cao tốc vận hành, điểm nghẽn giao thông của Bình Thuận không còn tồn tại. Vì thế, đây thực sự là những con đường lớn kết nối Bình Thuận với những trung tâm kinh tế lớn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực to lớn cho phát triển của tỉnh Bình Thuận. Hiện Bình Thuận đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các nút giao liên thông, các tuyến đường kết nối từ cao tốc với hệ thống giao thông của tỉnh. Khai thác hiệu quả cảng quốc tế Vĩnh Tân, kết nối đồng bộ giữa vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ logistics. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Bình Thuận để phát triển 3 trụ cột kinh tế “Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao”. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Trong suốt chiều dài của tuyến cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận, ngoài việc kết nối với các trung tâm du lịch lớn của tỉnh, cao tốc cũng đã kết nối với các khu công nghiệp đã và đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Từ 1 khu công nghiệp Phan Thiết quy mô 68ha được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư vào cuối năm 1998; đến nay, tỉnh Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.003ha. Trong đó có 6 khu công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích hơn 1.093ha đảm bảo điều kiện để các doanh nghiệp thứ cấp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư; còn lại 3 khu công nghiệp với quy mô 1.910ha đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đền bù giải tỏa; đây là 3 khu công nghiệp rất gần Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, có quy mô diện tích lớn, đa ngành nghề, tập trung thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại.
Dịp cuối tuần, Bình Thuận nhộn nhịp du khách |
Bên cạnh các cao tốc vừa được Chính phủ đầu tư, Bình Thuận đang nỗ lực, huy động nguồn lực để triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông đồng bộ để kết nối và phát huy hiệu quả với các đoạn cao tốc, tỉnh đang gấp rút hoàn thành dự án làm mới các tuyến đường ven biển ĐT719B, nâng cấp đoạn ĐT 719... Đồng thời, tỉnh đang lên phương án đầu tư làm mới tuyến đường từ Tân Minh đến Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Đây cũng là trục làm mới quan trọng để kết nối từ cao tốc, quốc lộ 1 xuống thẳng Khu công nghiệp Sơn Mỹ, cảng nước sâu, du lịch… đầu tư mở rộng quốc lộ 55 kết nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi có khu công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, cảng nước sâu Phú Mỹ, cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Về phía Bắc, tuyến quốc lộ 28B có nút giao với đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được Bộ
GT-VT phê duyệt đầu tư nâng cấp. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ có nhiều lợi thế, tạo nên trục tam giác “TP.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt”, kết nối Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ làm tuyến đường kết nối với sân bay Phan Thiết giai đoạn 2, về lâu dài, khi sân bay Phan Thiết được xây dựng hoàn thành thì hạ tầng giao thông đối ngoại của tỉnh xem như hoàn chỉnh.
Với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là việc đưa các cao tốc đi vào vận hành, giúp kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn, cũng như hạ tầng các khu công nghiệp đã và đang đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, hiện đại; những con đường lớn đã mở để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác truyên truyền về kết nốt giao thông, tạo đà cho phát triển vùng ven biển Bình Thuận thì cần có những bài viết đi sâu phản ánh thực tiễn, những vấn đề nóng bỏng, bức thiết đặt ra để phát huy hết lợi thế của cao tốc. Điều đó đòi hỏi đội ngũ nhà báo phụ trách lĩnh vực này ngoài kiến thức chuyên môn còn phải chịu khó lăn lộn với thực tiễn, trực tiếp ghi nhận, phản ánh đúng, kịp thời những vấn đề đang đặt ra. Vì vậy phải thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận ứng dụng công nghệ mới trong quy trình làm báo theo hướng hiện đại đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Mặt khác cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên cùng tham gia viết bài phản ánh thực tế để có những bài viết chuyên sâu, sinh động, hấp dẫn hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin