Chúng tôi cảm thấy rất may mắn và vinh dự được góp tiếng nói trong chương trình Hội thảo Báo Đảng với việc tuyên truyền liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội do Báo Đồng Nai tổ chức. Trong bài viết của mình, chúng tôi mong muốn làm rõ vấn đề tuyên truyền liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế qua góc độ văn học nghệ thuật, vốn là chuyên môn và cũng là công việc hiện tại.
Chương trình ký kết phối hợp các hội văn học nghệ thuật Đông Nam bộ vào tháng 2-2022 |
Xác định phạm vi bài viết chủ yếu là hoạt động văn học nghệ thuật của Đồng Nai trong bối cảnh liên kết vùng của khu vực Đông Nam bộ, mong nhận được sự chia sẻ, góp ý của Ban tổ chức và các nhà báo.
1. Từ công tác quản lý đến thực tiễn
Tôi còn nhớ, tại Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai lần thứ X (nhiệm kỳ 2022-2027), khi biết tôi đại diện Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai tham gia Ban chấp hành Hội, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã động viên: “Làm báo văn nghệ rất khó chứ không đơn giản, vì vẫn phải làm báo thật lực, nhưng bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật chứ không chỉ bằng các bài báo…”.
Tôi nhớ mãi câu nói đó, vì theo quy hoạch Báo chí toàn quốc, tạp chí văn nghệ cũng là một đơn vị báo chí chủ lực ở địa phương, cần phải làm báo chuyên nghiệp và hiệu quả trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, văn học nghệ thuật là “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII); vì vậy văn học nghệ thuật là lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống, trong công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng con người và góp phần phát triển bền vững đất nước. Theo đề dẫn của hội thảo, các diễn đàn của văn học nghệ thuật địa phương (tạp chí, trang thông tin điện tử…) không thể nằm ngoài nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như của đất nước. Trong việc tuyên truyền liên kết vùng, các tác phẩm văn học nghệ thuật chính là chất kết nối văn hóa sâu sắc, lâu bền bên cạnh các mối quan hệ đời sống - xã hội vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính lợi ích. Nội dung này cũng đã được đưa vào Chương trình toàn khóa của Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của Hội.
Tiến sĩ, họa sĩ Đoàn Minh Ngọc (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, thứ 4 từ trái sang) nhận giải tại triển lãm mỹ thuật khu vực VII lần 28-2023. Ảnh: HOÀNG TIẾN ĐIỂM |
Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được thành lập tháng 12-1979 và trở thành thành viên của Ủy ban Liên hiệp toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Theo nguyên tắc thống nhất của liên hiệp, Đồng Nai thuộc về khu vực Đông Nam bộ, qua đó có nhiều hoạt động chung cùng với các hội trong khu vực (Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận; ngoài ra còn có Long An trong một số hoạt động). Các Hội Văn học nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ đã sát cánh bên nhau tổ chức nhiều chương trình, sự kiện lớn (25 lần triển lãm mỹ thuật khu vực; 30 lần liên hoan ảnh nghệ thuật; nhiều liên hoan sân khấu, âm nhạc, nhiều cuộc thi văn học, nhiều cuộc điền dã văn nghệ dân gian, nhiều trại sáng tác văn học nghệ thuật…).
Tháng 2-2022, các hội văn học nghệ thuật thuộc khu vực Đông Nam bộ đã chính thức họp mặt tại Đồng Nai, và cùng nhau ký kết quy chế phối hợp hoạt động. Các chương trình, hoạt động văn học nghệ thuật đều được UBND tỉnh (cả đơn vị đăng cai và đơn vị tham gia) “đỡ đầu”, hỗ trợ. Các hoạt động này tạo nên đời sống văn hóa văn nghệ rất sôi nổi, mang tính giao lưu, thi đua, đoàn kết giữa các tỉnh và giữa văn nghệ sĩ (chuyên nghiệp và không chuyên) của các tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động phong trào cũng như sáng tác văn học nghệ thuật.
Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai được tỉnh nhà quan tâm, khuyến khích rất nhiều trong thời gian qua. Tuy không phải là báo Đảng, song tính Đảng, tính nhân dân và chất văn học nghệ thuật luôn đi sâu vào nhận thức và hành động của đội ngũ làm báo. Tạp chí Văn nghệ là cơ quan cấp 2 của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, vừa được sự chỉ đạo của Đảng đoàn và Ban Thường vụ Hội, vừa thực hiện theo các quy định của ngành thông tin và truyền thông cấp tỉnh và cấp bộ.
Ban Biên tập và các phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai tuy lực lượng còn mỏng, song rất tích cực tham gia Hội Nhà báo tỉnh. Trên thực tế, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đang hoạt động và phát triển theo mô hình của nhiều tạp chí văn nghệ địa phương trong nước, vừa phải kiêm nhiệm (các công tác chuyên môn của Hội), vừa phải đa nhiệm và chuyên sâu (công tác chuyên môn của tạp chí). Tuy nhiên, chính sự sôi động, sự lôi cuốn, hấp dẫn của đời sống văn hóa văn nghệ của tỉnh và của khu vực đã giúp các “nhà báo văn nghệ” yêu, say và phấn đấu với nghề và càng thêm gắn bó với vùng đất, với không khí sáng tạo xung quanh mình.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các văn nghệ sĩ, trí thức tại buổi họp mặt đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức đầu Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: HUY ANH |
Hiện nay, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, cũng như các tờ tạp chí văn nghệ của Trung ương và địa phương, luôn mong muốn tạo được bản sắc riêng, giọng điệu riêng trong bối cảnh báo chí, truyền thông và mạng xã hội đang phát triển và nở rộ. Trong quá trình giao lưu, học hỏi các cơ quan báo chí địa phương (Báo Đồng Nai, Đài PT-TH) cũng như tạp chí văn nghệ các tỉnh bạn trong khu vực, Văn nghệ Đồng Nai đang từng bước xây dựng “thương hiệu” của mình, dựa vào bề dày truyền thống văn học nghệ thuật địa phương và những nguồn lực và tiềm năng của mình. Ở góc độ quản lý, đồng thời hỗ trợ về chuyên môn, Hội Văn học nghệ thuật - Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành quý báu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở VH-TTDL tỉnh nhà. Các mối quan hệ công việc này không chỉ giúp văn học nghệ thuật đi đúng hướng, mà còn được mở rộng phong phú thêm, có tiếng nói trong liên kết vùng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật thuyết phục hơn.
2. Tuyên truyền, quảng bá văn học nghệ thuật trên các diễn đàn
Công tác tuyên truyền, quảng bá của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai thông qua 2 diễn đàn chính:
Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cũng là diễn đàn dành cho văn nghệ sĩ Đồng Nai nhằm thông tin các vấn đề văn học nghệ thuật; giới thiệu, quảng bá sáng tác và giao lưu, trao đổi tác phẩm văn học nghệ thuật với văn nghệ sĩ và nhân dân ngoài tỉnh.
Hiện tạp chí xuất bản 1 tháng/kỳ, 64 trang in và thường dành khoảng 30% dung lượng để thông tin, đăng tải sáng tác của các tác giả ngoài tỉnh. Trong đó, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai ưu tiên sử dụng các tác phẩm của các tác giả khu vực Đông Nam bộ như một cách chia sẻ, gắn bó, động viên nhau trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Không dừng lại ở đó, nhiều bài thơ, truyện ngắn, tản văn, bút ký, ca khúc nói về mọi khía cạnh trong đời sống người dân Đông Nam bộ, từ lịch sử cho đến hiện đại, được khai thác một cách chọn lọc, tiêu biểu; đồng thời giới thiệu được những tác phẩm mới, có chất lượng phục vụ cho bạn đọc mọi miền (chẳng hạn năm 2023 kỷ niệm 325 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai cùng với Báo Đồng Nai và Đài PT-TH Đồng Nai đã và đang tích cực tuyên truyền, quảng bá sự kiện này theo điều kiện của riêng mình).
Bên cạnh đó, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai còn có trang thông tin điện tử, hoạt động ổn định từ ngày 30-4-2017, cũng là một kênh thông tin, kết nối văn nghệ sĩ và bạn đọc khắp nơi. Hầu hết tác phẩm, tin, bài của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đều được đăng tải lên trang. Trang thông tin điện tử không bị hạn chế dung lượng như Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, nên đã giới thiệu thêm được những tác phẩm dài hơi, nhiều hình ảnh đẹp, sinh động… và đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Trang thông tin điện tử còn đưa tin nhanh chóng, kịp thời các hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai; qua đó, thông tin về các chương trình nghệ thuật, các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác đến với bạn đọc rất nhanh, thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều văn nghệ sĩ trong khu vực.
Ngoài ra, việc tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng như thông tin về các vấn đề văn học nghệ thuật còn được mạng xã hội khai thác rất mạnh. Tuy nhiên, khía cạnh này không thuộc phạm vi khảo sát của bài viết này.
Việc tuyên truyền trong nhiệm vụ liên kết vùng của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, Trang thông tin điện tử Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai có một số đặc điểm sau:
- Lực lượng viết, sáng tác đông đảo: Đó là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai; cộng tác viên bốn phương, trong đó nhiều cộng tác viên thân thiết ở khu vực Đông Nam bộ… Lực lượng viết vốn làm nhiều ngành nghề, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau (trong đó có nhiều cây bút trẻ mới được phát hiện và bồi dưỡng). Vốn quý của lực lượng viết chính là vốn sống, sự từng trải, bản lĩnh chính trị của thế hệ trưởng thành trước năm 1975, nhất là các cựu chiến binh, các cán bộ lớn tuổi song vẫn tràn đầy nhiệt huyết trong sáng tác. Bên cạnh đó, lực lượng trẻ thì tiếp cận với đề tài, với tác phẩm nhanh hơn; giỏi công nghệ hơn… Ban Biên tập của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và Trang thông tin điện tử cần có sự dung hòa, hoặc khuyến khích, động viên phù hợp để có được những tác phẩm đáp ứng nhiệm vụ, nội dung tuyên truyền…
- Hiệu quả tuyên truyền bằng văn học nghệ thuật vừa liên hệ mật thiết với đời sống báo chí, vừa mang giá trị lâu bền. Vì các tác phẩm vừa mang dấu ấn của quá khứ và hiện tại, vừa mang tính dự báo, kỳ vọng cho tương lai. Những tấm gương điển hình tiên tiến, những mô hình phát triển mới của Đồng Nai và khu vực Đông Nam bộ, bên cạnh việc được tuyên dương trên báo, đài, thì thường được văn nghệ sĩ khai thác, đưa vào sáng tác. Nhiều tác phẩm xuất sắc, nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật đã được phát hiện và tôn vinh qua các hoạt động tuyên truyền này.
- Phương tiện tuyên truyền vừa truyền thống vừa hiện đại. Bên cạnh việc đọc Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, xem Trang thông tin điện tử, hoặc chia sẻ qua mạng xã hội; tác giả và bạn đọc còn có một “kênh” giao lưu đặc biệt, đó là đọc thơ cho nhau nghe, ngâm ngợi, thù tạc, bàn luận, góp ý… trực tiếp hoặc online.
- Được sự hỗ trợ nhiệt tình của báo tỉnh nhà, các tác phẩm, tin, bài văn học nghệ thuật còn được giới thiệu trên các số báo của Báo Đồng Nai, các chương trình phát sóng của Đài PT-TH. Công tâm nhìn nhận, với định kỳ ra báo hoặc phát sóng của các cơ quan này, việc liên kết vùng qua các tác phẩm văn học nghệ thuật của các tác giả Đồng Nai được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, được bạn đọc đón nhận đông đảo hơn.
3. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền liên kết vùng trong văn học nghệ thuật
Có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền liên kết vùng trong văn học nghệ thuật; tại hội thảo này, các giải pháp đầu tư, quản lý nhà nước, hoặc giải pháp truyền thông… có thể đã được nhiều người nhắc đến và phân tích kỹ càng, sâu sắc. Vì vậy, ở góc độ văn học nghệ thuật, chúng tôi đưa ra một số vấn đề sau:
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ lần thứ 30-2023 tại Đồng Nai. Ảnh: LÒ VĂN HỢP |
- Khai thác triệt để các giá trị văn học nghệ thuật địa phương: Biên độ của các tác phẩm văn học nghệ thuật thường rộng, cho phép chuyển tải chi tiết các lĩnh vực của đời sống; kể cả diễn biến nội tâm, tâm tư, tình cảm của con người. Văn học nghệ thuật còn có đặc tính điển hình hóa, làm nổi bật sự khác biệt của cá thể để hướng đến sự phổ quát của nhân loại. Vì vậy, chỉ một câu thơ hay, một bức ảnh đẹp cũng có thể làm cho người khác nhớ mãi về không gian, thời gian, con người, thậm chí màu sắc, nhịp điệu, thanh âm… Muốn tạo sự liên kết, gắn bó bền vững qua văn học nghệ thuật, các tác giả Đồng Nai cần phải làm nổi bật cái riêng của địa phương mình, làm cho sự thưởng lãm tác phẩm là không thể thay thế được. Chẳng hạn, Đồng Nai có cảng hàng không quốc tế Long Thành, thì người Đồng Nai cần cho mọi người biết về sân bay, qua đó cảm nhận được tình cảm và khát vọng vươn lên trong giai đoạn phát triển và hội nhập. Điều đó giúp cho mọi người hiểu, đồng cảm, chia sẻ và có sự chung tay hoàn thiện, gìn giữ nó không chỉ như một công trình thế kỷ, mà còn mang sức sống của người Đồng Nai nói riêng, người miền Đông nói chung… kéo dài mãi về sau.
- Thực tế sâu để có tầm vóc mới: Trở lại ví dụ về cảng hàng không quốc tế Long Thành. Một bức ảnh đẹp tại công trường mang đến cho người xem sự hồ hởi, cho phép chúng ta tự hào, kỳ vọng. Hoặc nếu có một quyển sách viết về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có thể kể sâu xa về khu công nghiệp đầu tiên, lâu đời nhất Việt Nam (và chuẩn bị giải tỏa, nhường chỗ cho các công trình khác)... Tuy nhiên, việc đi tham quan, thực tế của văn nghệ sĩ, các nhà báo luôn bị hạn chế vì các quy định, điều kiện chung. Vì vậy, tác giả thiếu thực tế sâu cũng khó cho ra đời những tác phẩm chất lượng, hoặc dẫn đến việc các chi tiết, câu chuyện trong các tác phẩm sẽ na ná nhau, nhạt nhòa, chung chung… Các tác giả Đồng Nai cũng như văn nghệ sĩ cả nước đều khao khát có những đột phá trong sáng tác, đưa hơi thở của cuộc sống, tinh thần của thời đại vào tác phẩm… thông qua việc thâm nhập và nghiền ngẫm thực tế kỹ càng hơn. Điều đó sẽ góp phần mang đến sự thay đổi về “chất” trong tác phẩm văn học nghệ thuật, góp phần tích cực vào sự lao động, sáng tạo phát triển đất nước.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng các nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang tham gia diễn vở Câu hò đất mẹ tại Đồng Nai |
- Tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm: Đơn cử bài hát Nhạc rừng, hay Tiếng chày trên sóc Bom Bo... Chỉ cần nghe tiếng nhạc cất lên, là người miền Đông Nam bộ nhận ra nhau và xích lại gần nhau ngay. Từ những tín hiệu chung, cần nhân lên thành hệ giá trị chung của văn học nghệ thuật Đông Nam bộ nói riêng, con người Đông Nam bộ nói chung. Theo quy định và hướng dẫn của Đảng và của các bộ, ngành, thì các tạp chí văn nghệ địa phương (và trang thông tin điện tử) đều đang từng bước chuẩn hóa và tạo một “mặt bằng” chung khá tương đồng với nhau. Ở nhiệm vụ tuyên truyền liên kết vùng, các hội văn học nghệ thuật, các tạp chí văn nghệ lại càng “gặp” nhau ở nhiều điểm hơn. Bối cảnh của một khu vực địa chính trị - văn hóa - xã hội rộng lớn như Đông Nam bộ chính là một thực tiễn rộng lớn giúp cho các tác giả, văn nghệ sĩ khám phá, nghiên cứu, sáng tạo… Vì vậy, hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm thông tin, động viên lẫn nhau, và tăng cường tuyên truyền, quảng bá là hết sức cần thiết không chỉ đối với đội ngũ sáng tác. Các tác phẩm, các giá trị văn học nghệ thuật cần có chiến lược cụ thể để lan tỏa, sẻ chia đến tận tay những người công nhân lao động, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh sinh viên…
Trên đây là 3 vấn đề thuộc về “bếp núc” trong sáng tác, song đối với văn học nghệ thuật là cần thiết, quan trọng, cần sự phối hợp giải quyết của nhiều ngành, nhiều địa phương… Hy vọng văn học nghệ thuật Đồng Nai và các tỉnh, thành Đông Nam bộ sẽ tạo một dòng chảy mang sinh khí mới, chan hòa với bầu không khí sôi động của sự phát triển và hội nhập - qua đó các tạp chí văn nghệ sẽ tiếp tục đổi mới và khởi sắc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin