* 1. Tổng quan về liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ
Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang đến sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất kinh doanh mà còn kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ về vấn đề lao động, việc làm. Liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế - xã hội vùng đã trở thành mối quan tâm của các trường đại học. Theo đó, các hoạt động liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực được các trường đại học ở Đông Nam bộ chú trọng gồm:
Liên kết doanh nghiệp, liên kết trường, liên kết quốc tế.
Các hoạt động hợp tác xoay quanh các lĩnh vực: Đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Trong đó, thước đo chất lượng chính là nguồn nhân lực mà các trường đại học cung ứng cho doanh nghiệp và xã hội.
Là một cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng, Trường đại học Lạc Hồng (LHU) thực hiện các hoạt động liên kết chủ yếu gồm:
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng tranh tài tại cuộc thi Sáng tạo robocon Việt Nam toàn quốc năm 2023 |
Liên kết doanh nghiệp: Kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam bộ, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp này thông qua ngày hội việc làm, giao lưu kết nối nguồn nhân lực, học kỳ doanh nghiệp và học tập trải nghiệm (mỗi khoa có chương trình riêng phù hợp đặc thù ngành). Hiện tại, LHU có mối quan hệ hợp tác thường xuyên với hơn 800 doanh nghiệp trong nước (chủ yếu ở Đông Nam bộ), thực hiện các hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Hàng năm, mỗi khoa/ngành tổ chức ít nhất một ngày hội tuyển dụng lớn, kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo để sinh viên lựa chọn doanh nghiệp ngay từ thời điểm chuẩn bị đi thực tập tốt nghiệp.
Liên kết quốc tế: Nhà trường thúc đẩy hoạt động liên kết đào tạo với các trường đại học: Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... Với các hoạt động hợp tác khá phong phú, bao gồm: trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường; giao lưu văn hóa; du học; tìm kiếm học bổng; phối hợp tổ chức hội thảo khoa học; đào tạo giảng viên, thực hiện các dự án khoa học, kiểm định chất lượng… Hiện tại, LHU là thành viên của Liên minh Các trường đại học Hanseatic, thành viên dự án EMTIVET, thành viên dự án BUITD-IT… Quá trình tham gia các dự án đã giúp LHU nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo và giảng viên, cũng như cải tiến chương trình đào tạo. Dự án đã tổ chức nhiều đợt tập huấn đánh giá chuẩn đầu ra, công cụ đo lường chất lượng, phương pháp giảng dạy kỹ thuật số cho giảng viên... Ngoài ra, LHU còn là thành viên Tổ Điều phối viên xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đồng Nai, thành viên Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp sản xuất… Đây là cầu nối giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài nước và các sở, ngành của tỉnh để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư, triển khai dự án tại Đồng Nai. Hỗ trợ tư vấn đổi mới quản lý, kết nối kênh bán hàng, hỗ trợ phát triển công nghệ/sản phẩm, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trong và ngoài nước, hỗ trợ cung cấp các thông tin về thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường, nguồn vốn, đất đai, nhà xưởng… Phía Nhật Bản đã cử rất nhiều đoàn chuyên gia cao cấp trực tiếp đến trao đổi kinh nghiệm, huấn luyện tại LHU. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Đồng Nai đã tích cực tham gia hợp tác triển khai chương trình, cụ thể là góp ý chương trình đào tạo, tham gia các buổi tập huấn, tiếp nhận sinh viên thực tập, làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản… Đến nay, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã tài trợ cho trường thành lập được phòng thực hành an toàn lao động theo tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản kèm theo nhiều máy móc thực hành hiện đại…
Liên kết trường: Liên kết với các trường đại học trong nước nhằm trao đổi kinh nghiệm học thuật, tổ chức quản lý, kiểm định chất lượng… Trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường đại học Bách khoa Hồ Chí Minh…
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đào tạo nguồn nhân lực ở các trường đại học đòi hỏi phải thỏa mãn đồng thời các yêu cầu: vững vàng về kỹ năng (kỹ năng cứng và kỹ năng cốt lõi); sẵn sàng làm việc trong môi trường đa văn hóa và học tập trọn đời. Xu hướng quốc tế hóa đang ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ. Điều này được thể hiện rõ ở chương trình đào tạo và các tiêu chí đánh giá (ngày càng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế) mà các trường đang xây dựng, thực thi. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, LHU không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Hiện tại, LHU là trường đại học ngoài công lập có chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA nhiều nhất cả nước (10 chương trình). Ngoài ra, LHU có 2 chương trình đạt chuẩn ABET. Thứ hạng LHU tăng nhanh trong bảng xếp hạng của WURI1.
* 2. Thực trạng liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ
Những năm qua, vấn đề liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ được các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh với chất lượng ngày càng được cải thiện. Các cơ quan truyền thông, báo chí, đặc biệt là báo Đảng ở địa phương đã phát huy tốt vai trò là phương tiện thông tin tuyên truyền hữu hiệu các mô hình, hoạt động liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học. Nhờ đó, các trường đại học có cơ hội quảng bá thương hiệu, chia sẻ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và cộng đồng.
Giảng viên ngành Cơ điện tử hướng dẫn sinh viên thực hành |
Là kênh thông tin chính thống, uy tín của nhân dân tỉnh Đồng Nai, những năm qua, Báo Đồng Nai là cơ quan báo chí tin cậy, truyền thông hiệu quả, nhanh chóng, chính xác các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng của các trường đại học trên địa bàn tỉnh, là cầu nối chắc chắn, tin cậy, hiệu quả gắn kết LHU với doanh nghiệp và cộng đồng. Sự hiện diện của Báo Đồng Nai ở hầu hết các nền tảng mạng xã hội, sự phong phú, chính xác về nguồn thông tin và sự đa nhiệm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã góp phần quan trọng trong việc thu hút, giữ chân đông đảo độc giả.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vấn đề liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ chưa thực sự toàn diện và chưa có chiều sâu. Nguồn thông tin còn chung chung, hoặc một chiều, chưa có sự thống nhất2. Hình thức tuyên truyền vẫn giới hạn phục vụ đối tượng trong nước, yếu tố quốc tế còn mờ nhạt3.
* 3. Những giải pháp thúc đẩy hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ
Để hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ thực sự hiệu quả, bền vững, toàn diện, sâu sắc. Tác giả bài viết mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong công tác truyền thông, bao gồm: trường đại học, doanh nghiệp, cộng đồng, các đơn vị đối tác của các trường đại học… Trong đó có sự thống nhất, rõ ràng về nội dung thông tin tuyên truyền. Đây vừa là trách nhiệm giữa các bên vừa thể hiện sự tôn trọng đối với cộng đồng, người tiếp nhận.
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin thực hành lập trình |
Thứ hai, các bên cần mạnh dạn chia sẻ thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó lấy báo chí chính thống làm cầu nối tin cậy. Các bên có thể tìm thấy tiếng nói chung từ việc chia sẻ thông tin cho nhau.
Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ. Hoạt động liên kết thực sự chất lượng, có chiều sâu sẽ là cơ sở vững chắc cho các nguồn thông tin tuyên truyền.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hình thức tuyên truyền về vấn đề liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ. Đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua các nền tảng, đặc biệt là mạng xã hội, với hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng
TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng
1. LHU đứng thứ 5 trong BXH 50 trường ĐH có chỉ số tốt nhất về cuộc CMCN lần thứ 4. Link: https://baodongnai.com.vn/tintuc/202106/truong-dai-hoc-lac-hong-lot-top-50-truong-dai-hoc-sang-tao-3061360/
2. Chẳng hạn, doanh nghiệp vẫn “than” với báo chí rằng họ cần nhân lực chất lượng cao, trong khi một lượng nhân lực chất lượng cao lại thất nghiệp, không có việc làm.
3. Các bản tin tuyên truyền Vấn đề liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ chủ yếu còn giới hạn ở phiên bản tiếng Việt, chưa có các ngôn ngữ khác.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin