Báo Đồng Nai điện tử
En

Không gian văn hóa Đông Nam bộ trong công nghệ truyền thông hiện nay

ThS Phan Đình Dũng
09:50, 07/09/2023
 

Đông Nam bộ là một trong 2 phân vùng của địa - văn hóa Nam bộ của Việt Nam. Thông tin về chỉ dẫn địa lý của vùng đất này trong thời đại truyền thông đa phương tiện này rất đa dạng và nhanh chóng. Trước, phải tra, truy tìm tư liệu từ sách, công trình nghiên cứu đã được công bố qua những cơ quan lưu trữ, có những khó khăn thì giờ đây, chỉ cần một cái “click trên không gian internet” trở thành nhanh chóng, tiện lợi và phong phú.

1. Tính đa dạng, độc đáo của không gian văn hóa Đông Nam bộ

Cho đến nay, nhiều công trình nghiên cứu về Đông Nam bộ đã được xuất bản, thậm chí đã được số hóa và truyền tải trên nhiều kênh thông tin (có phí và miễn phí). Nguồn tư liệu về Đông Nam bộ hiện nay khá nhiều với cơ chế mở trong in ấn, xuất bản. Nhiều công trình của các tác giả trong và ngoài nước, ghi chép qua các giai đoạn lịch sử đã được phát hành, thuận lợi đến với người đọc.

Trước năm 1975, nhiều nhà nghiên cứu đã biên soạn, xuất bản nhiều công trình về vùng đất Đông Nam bộ - chủ yếu phản ánh từng địa phương theo cơ cấu hành chính cấp tỉnh, huyện. Từ năm 1975 đến nay, nhiều địa phương ở Đông Nam bộ xuất bản những công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội…; đặc biệt, những bộ địa chí khá đồ sộ cung cấp lượng thông tin ở nhiều lĩnh vực liên quan.

Đông Nam bộ còn được biết đến là địa bàn kinh tế trọng điểm phát triển của phía Nam đất nước khi có những ưu thế tạo thành trên cơ sở của môi trường tự nhiên, con người và những yếu tố đặc thù lịch sử. Không gian văn hóa Đông Nam bộ có tính đa dạng và độc đáo so với các vùng địa - văn hóa, địa - chính trị, địa - kinh tế… và cũng từng phân vùng (địa phương) có những nét độc đáo.

Chúng tôi không đi sâu về học thuật với những khái niệm Không gian văn hóa (vốn đa dạng từ những góc độ) mà tập trung vào không gian văn hóa ở khu vực Đông Nam bộ, gắn liền với chủ thể định danh, định tính của địa lý của đất nước. Vùng Đông Nam bộ bao gồm các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và TP.HCM.

Văn miếu Trấn Biên
Văn miếu Trấn Biên

- Không gian văn hóa gắn với dấu tích cư dân cổ

Là địa hình mang tính chuyển tiếp giữa Tây nguyên với Nam bộ, Đông Nam bộ có tính chất chuyển tiếp của môi trường tự nhiên với đồi núi thấp dần và những dòng chảy của sông về vùng thấp để hướng ra biển, sông Đồng Nai cùng các chi lưu sông Bé, sông Sài Gòn và cả vùng nước lợ có những điểm thuận lợi để các cư dân cổ chọn tụ cư và sinh sống. Những di chỉ khảo cổ, hiện vật nhiều chủng loại, chất liệu được phát hiện, thu thập ở mỗi địa phương, lưu giữ tại các bảo tàng hiện này minh chứng sống động về những cư dân cổ xưa sinh sống trên vùng đất này.

Những thế kỷ trước Công nguyên, các lớp cư dân cổ đã tạo dựng nền “trung tâm kim khí”: “Văn hóa Đồng Nai” phát triển mạnh mẽ, là cơ sở để hình thành nên những quốc gia ban đầu. Đông Nam bộ trong khoảng 16 thế kỷ sau công nguyên gắn với lịch sử của các quốc gia cổ đại. Sự hưng thịnh, suy vong của các quốc gia này bị tác động bởi nhiều yếu tố. Song, trong giai đoạn tồn tại của mình, các quốc gia này để lại những dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, trong đó di sản của cộng đồng khá nhiều. Địa bàn Đông Nam bộ lưu dấu những di chỉ, hiện vật lịch sử - văn hóa quan trọng trong thời kỳ này.

Ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ, những dấu tích kiến trúc, sưu tập hiện vật được sưu tầm, bảo quản, trưng bày phản ảnh những chiều kích của lịch sử. Dấu tích khảo cổ, hiện vật độc đáo ở Đông Nam bộ khá nhiều: cù lao Rùa (Bình Dương), đàn đá Bình Đa, mộ cổ Hàng Gòn, sưu tập vũ khí qua ở Long Giao (Đồng Nai), di chỉ giồng Cá Vồ (TP.HCM), Thành Đá Tròn (Bình Phước), di chỉ Bưng Bạc (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Một số hiện vật khảo cổ được đưa vào danh mục di sản báu vật quốc gia: tượng đồng Dốc Chùa, mộ chum gỗ - trống đồng Phú Chánh (Bình Dương), đàn đá Lộc Hòa (Bình Phước), mặt nạ vàng Giồng Lớn (Bà Rịa - Vũng Tàu), đàn đá Bình Đa, sưu tập vũ khí qua Long Giao, tượng Vishnu Bình Hòa (Đồng Nai)… 

- Không gian văn hóa gắn với cộng đồng cư dân

Đông Nam bộ hiện nay có nhiều tộc người thiểu số sinh sống lâu đời và chuyển cư sau này qua nhiều giai đoạn của lịch sử. Những dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đông Nam bộ gồm các tộc người sinh sống chủ yếu ở vùng đồi núi phía Bắc: S’tiêng, M’nông, Mạ, Chơro, K’ho, Khmer, Tà Mun.

Môi trường tự nhiên với hệ sinh thái rừng cùng với quá trình cộng cư đã tạo thành những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng tộc người này qua tập quán, phong tục và đặc biệt những lễ hội liên quan đến nông nghiệp với môi trường bán sơn địa. Trong đời sống của các tộc người này có những loại hình tương đồng: ẩm thực (cơm lam, rượu cần…), nghệ thuật (hát kể, dân vũ, cồng chiêng, đàn tre…) song cũng có những nét độc đáo.

Mỗi tộc người có những ứng xử cộng đồng, môi trường trong những lễ nghi liên quan chu kỳ đời người, vòng cây trồng như lễ hội Sang yang va/mừng thần lúa của người Chơro, Yang Koi/thần Lúa và cúng bến nước, cúng thần Rừng của người Mạ… Trong những loại hình văn hóa, lễ hội Đua Tpeng người  S’tiêng, Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng, múa trống Chay dăm người Khmer (Bình Phước) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một số lễ hội khác như Sa Yang va của người Chơro (Đồng Nai) đang địa phương nghiên cứu, làm hồ sơ khoa học đề nghị công nhận.

Các giai đoạn lịch sử về sau, nhiều tộc người thiểu số ở miền Bắc đến Đông Nam bộ sinh sống khá nhiều qua chính sách kinh tế của Nhà nước và cả di dân tự do. Sự chuyển cư của Mường, Tày, Nùng, Dao, Thái…  đến Đông Nam bộ đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu với những loại hình: hát then của người Tày, đàn tính của người Thái, lễ đặt tên của người Dao, lễ Tà tài phán của người Nùng… về văn hóa tộc người.

Không gian văn hóa ở Đông Nam bộ gắn với những thành tựu, dấu ấn của cộng đồng người Việt, người Hoa kể từ khi họ có mặt trên địa bàn này cách ngày nay nhiều thế kỷ. Hệ thống di tích lịch sử hiện nay của người Việt, người Hoa khá đa dạng, được xếp hạng di tích, trở thành mạch nguồn văn hóa xuyên suốt trong đời sống cư dân. Đó là hệ thống đình, chùa, miếu, mộ, thành cổ, các di tích đấu tranh chống ngoại xâm… Những di sản ẩn chứa những dấu tích lịch sử hào hùng, gắn với những danh nhân văn hóa, anh hùng của dân tộc, của đất phương Nam, phản ánh kiến trúc nghệ thuật tài hoa, tinh thần đấu tranh kiên cường… Những lễ hội độc đáo mang dấu ấn của tiếp biến văn hóa của người Hoa, người Việt với các tộc người trên vùng đất Đông Nam bộ.

 Tiêu biểu cho những di sản văn hóa tiêu biểu khu vực Đông Nam bộ: lễ Vía bà Linh Sơn Thánh mẫu, lễ hội Kỳ yên Gia Lộc, lễ hội Quan lớn Trà Vong, nghệ thuật chế biến món ăn chay, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh), tục thờ Bà Thiên Hậu và chùa Bà (Bình Dương), tục thờ Quan Thánh và lễ hội tại Thất Phủ cổ miếu (Đồng Nai), lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ, Tết Nguyên tiêu của người Hoa Q.5, lễ khai hạ - cầu an tại Lăng ông Tả quân Lê Văn Duyệt (TP.HCM), lễ hội miếu Bà Rá (Bình Phước)… Bên cạnh đó còn nhiều làng nghề, nhà cổ, công trình kiến trúc, tượng đài… tiêu biểu qua các thời kỳ trở thành nguồn di sản. Các cơ sở, thiết chế trong đời sống, tín ngưỡng của người Việt, người Hoa được xếp hạng di tích khá đa dạng, phong phú và có số lượng nhiều. Về tín ngưỡng dân gian có hệ thống các đình làng với tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng.

2. Không gian văn hóa Đông Nam bộ trong truyền thông thời công nghệ

2.1. Những thuận lợi

Thời công nghệ đa phương tiện đã góp phần quan trọng trong việc truyền thông về không gian văn hóa ở Đông Nam bộ đến với độc giả. Cho đến nay, các địa phương (tỉnh, thành), cấp hành chính trực thuộc (huyện, thị trấn, xã, phường) đều sử dụng trang thông tin điện tử. Ở các thành phố lớn, nhiều đơn vị, cơ quan và tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ đã thực hiện truyền thông những nội dung liên quan, trong đó có không gian văn hóa của Đông Nam bộ. Đặc biệt, trên địa bàn TP.HCM, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn, không gian văn hóa ở Đông Nam bộ được truyền thông khá mạnh mang tính chất nghiên cứu. Sự đa dạng và nở rộ các phương tiện truyền thông đáp ứng nhu cầu cho xã hội và con người ngày càng mở rộng.

Thời đại công nghiệp 4.0 với truyền thông phát triển, đang “đẩy mạnh” cách mạng số… tất cả thông tin nói chung sẽ tiếp tục thuận lợi và con người tiếp cận nhiều cách tư liệu về không gian văn hóa ở Đông Nam bộ cũng được “nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả”. Tổ chức hội nhóm hay cá nhân đều có điều kiện thuận lợi truyền thông đa dạng; trong đó có những CLB, hội nhóm, cá nhân chuyên về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… có liên quan đến không gian văn hóa ở Đông Nam bộ. Chúng ta dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin từ cách truyền thông này với tài liệu, tư liệu khá phong phú, đa dạng từ nhiều nguồn từ các chủ sở hữu hay cách khai thác hiệu quả của nhiều người. Phụ thuộc vào cơ chế quản lý hoặc độ hiếm của tư liệu, hạn chế tiếp xúc nguồn tài liệu trên thế giới nên tư liệu về các lĩnh vực nói chung, văn hóa nói riêng của Đông Nam bộ bị giới hạn.

Đua thuyền trên sông Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn An
Đua thuyền trên sông Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn An

Ngày nay, cơ chế quản lý hài hòa và đa dạng, xuất bản thông thoáng hơn nên tư liệu về không gian văn hóa liên quan Đông Nam bộ dễ dàng tiếp xúc qua cách thức phi quản lý. Từ sở thích nghiên cứu, quảng bá của hội nhóm hay cá nhân, thông tin, tài liệu về không gian văn hóa Đông Nam bộ được nhiều người biết đến. Vì vậy, có những tư liệu “xưa hiếm”, có thể nói độc giả khó có thể tiếp cận thì nay, qua Facebook cá nhân, người cần tìm tư liệu có thể nắm bắt được, không cần dài dòng thủ tục, được chia sẻ thông tin nhiệt tình, thậm chí không tốn phí; như trước đây có muốn chi phí để có cũng không được.

Báo công tại Văn miếu Trấn Biên
Báo công tại Văn miếu Trấn Biên

Báo chí và phương tiện truyền thông ngày nay song hành hỗ trợ nhau rất nhiều. Báo với kỹ thuật truyền thông công nghệ đã linh hoạt, chủ động có mặt kịp thời, thông tin nhanh chóng đến độc giả cả báo viết, truyền hình. Và trong nội dung chuyên mục về văn hóa, không gian văn hóa của Đông Nam bộ được tiếp cận từ sự chủ động báo chí, truyền thông tiếp cận. Báo chí ở Đông Nam bộ có những chuyên đề về không gian văn hóa của địa phương và khu vực khi có sự kiện, khi xây dựng chuyên đề nhân sự kiện liên quan. Một số báo chí địa phương ưu tiên sử dụng chuyên mục giới thiệu địa phương, trong đó có chủ đề về không gian văn hóa. Có thể nói, khi không gian văn hóa của khu vực Đông Nam bộ được chọn lọc quảng bá giới thiệu sẽ tạo nên sự thu hút với độc giả không chỉ của mỗi địa phương mà của các khu vực.

Ở các cơ quan nghiên cứu tập trung nhiều về không gian văn hóa trong chính sách của Nhà nước về phát triển vùng, lượng thông tin về chủ đề này mang tính khoa học. Thế nhưng, không gian văn hóa nói riêng được đề cập đầy đủ dưới góc độ nghiên cứu, ít thu hút độc giả. Sự đa dạng và phát triển của báo chí, truyền thông thời đại công nghệ đã tạo nên thuận lợi cho nhiều lĩnh vực, trong đó có giới thiệu, quảng bá về không gian văn hóa của Đông Nam bộ - đặc biệt báo chí, truyền thông của các địa phương trong khu vực.

Ở từng địa phương của khu vực Đông Nam bộ, chúng tôi thấy có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tích cực tham gia vào truyền thông về lịch sử, văn hóa hay không gian văn hóa với các cơ quan báo chí, truyền hình. Một số cơ quan báo chí các tỉnh, thành ở Đông Nam bộ đã ưu ái “đăng tải” nhiều kỳ về các bài nghiên cứu nhưng được mềm hóa bởi văn phong báo chí, truyền thông. Những bài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa hay không gian văn hóa rất thú vị, cung cấp nhiều góc nhìn, góp phần cho địa phương trong công tác nhận diện, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa. Đây là đội ngũ cộng tác viên tích cực, góp phần cho việc truyền thông về không gian văn hóa của địa phương, của khu vực Đông Nam bộ.

2.2. Những hạn chế

Trong truyền thông hiện nay, chỉ với một cái “click” tìm kiếm trên internet, một chủ đề cần tìm kiếm nhanh chóng được hỗ trợ. Với từ khóa “không gian văn hóa Đông Nam bộ”, chưa đầy 0,42 giây đã cho 504 ngàn kết quả với các đường dẫn liên quan.

Thế nhưng, thực hiện bài viết này, tôi thử cách này để thấy “hạn chế” của truyền thông internet hiện nay trong một chủ đề cụ thể. Thông tin liên quan từ khóa nhiều nhưng chủ đề chưa hoàn toàn đúng. Tất nhiên, người cần tìm sẽ chủ động chọn lọc nhưng ở đây, chúng ta thấy có những tư liệu chưa chính xác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến truyền thông về lịch sử - văn hóa Đông Nam bộ, trong đó có có sinh viên, học sinh.

Chúng tôi không muốn nêu ra cụ thể địa chỉ, nhưng có những điều cần đề cập: Bài viết giới thiệu về văn hóa tộc người này lại sử dụng tộc người khác đưa vào… Phim tài liệu về loại hình nghệ thuật diễn tấu nhạc cụ của tộc người này lại sử dụng nhóm nghệ nhân của tộc người khác mà vẫn thuyết mình như “chính họ”, trang phục của tộc người ở Đông Nam bộ được giới thiệu là truyền thống nhưng lại là trang phục của tộc người ở Tây Bắc… Cái chưa đúng ở đây là chưa có nghiên cứu nhưng lại sử dụng không có thẩm định, giới thiệu, quảng bá và khi được “sử dụng tham khảo” mang tính phổ quát sẽ trở thành “đúng rồi”. Đó là những ví dụ về hạn chế của truyền thông hiện này cần khắc phục, nhất là truyền thông về lịch sử - văn hóa. Nên vậy, biên tập của thông tin báo chí, truyền thông hiện nay cần cẩn trọng và có sự thẩm định.

Lễ nghinh thần tại lễ hội chùa Ông - Biên Hòa. Ảnh: Nguyễn Hữu Dũng
Lễ nghinh thần tại lễ hội chùa Ông - Biên Hòa. Ảnh: Nguyễn Hữu Dũng

Tính chất của báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, có sự quản lý của nhà nước hiện nay (cơ quan báo chí, truyền hình) trong sản phẩm liên quan về lịch sử - văn hóa thường được giới hạn “trang báo, lượng thời gian” (ý kiến chủ quan từ tác giả). Vì vậy, nội dung thông tin về chủ đề của lịch sử, văn hóa hay không gian văn hóa cũng bị giới hạn, để truyền tải phù hợp theo yêu cầu.

Thông thường, bài viết liên quan chủ đề cần áp dụng các nguyên tắc nghiên cứu khoa học nhưng sẽ được “biên tập” với quy định nên truyền tải nội dung khó đầy đủ, chọn lọc những thông tin chính. Trong khi đó, nhà nghiên cứu thì không phải là nhà báo và may mắn là có sự hỗ trợ của đội ngũ biên tập kỹ càng, cẩn trọng của báo chí, truyền hình.

3. Tạm kết

Tiến trình lịch sử cùng những yếu tố xã hội, thiết lập hành chính qua các thể chế quản lý ở Đông Nam bộ trong mỗi thời kỳ có những nét riêng nhưng trong tổng thể, không gian văn hóa của vùng Đông Nam bộ được duy trì, tiếp xúc và tiếp biến tạo nên tính đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Đông Nam bộ là vùng địa - văn hóa có những nét đặc trưng, để lại dấu ấn trong phát triển chung của Nam bộ. Đó là không gian văn hóa gắn với cộng đồng của cư dân xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển ở Đông Nam bộ qua các thời kỳ, được kế thừa và sáng tạo từ vùng đất “mở và thoáng”, tiếp xúc với những giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới. Không gian văn hóa ở Đông Nam bộ được xác định bởi địa giới các địa phương của khu vực và cả sự lan tỏa với chiều kích của vùng ngoại biên tiếp cận. Không gian văn hóa ở Đông Nam bộ được cấu thành bởi nhiều loại hình, yếu tố văn hóa; trong đó có hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khá đa dạng… Cùng với các nguồn tài nguyên, thiết chế văn hóa khác, không gian văn hóa từ những yếu tố cấu thành là nguồn di sản quý báu, được bảo tồn và tiếp tục được phát huy ở mỗi địa phương.

Bay cao trong đêm hội ở Bình Thuận. Ảnh: Trần Phước Thảo
Bay cao trong đêm hội ở Bình Thuận. Ảnh: Trần Phước Thảo

Trong chiến lược phát triển của các địa phương ở Đông Nam bộ, tài nguyên di sản văn hóa gắn được quan tâm và trở thành nguồn lực quan trọng trong khai thác du lịch. Mỗi địa phương ở Đông Nam bộ đã xây dựng đề án quy hoạch trong bảo tồn, phát triển những giá trí di sản trong không gian văn hóa.

Là địa bàn năng động, có ưu thế kinh tế của phía Nam đất nước, Đông Nam bộ có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Trong truyền thông, không gian văn hóa ở Đông Nam bộ cần được sự hợp tác giữa các địa phương để cùng hướng đến mục tiêu phát triển vùng, hài hòa với phát triển của từng địa phương, tạo nên động lực chung trong hợp tác phát triển. Trên cơ sở phát triển vùng, Chính phủ quan tâm trong quy hoạch phát triển đối với Đông Nam bộ với tầm nhìn đến năm 2030: Phát triển thương mại (2013), Phát triển du lịch vùng (2014), Phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (2015). Trên cơ sở này, các địa phương khu vực Đông Nam bộ cần có sự liên kết, phối hợp và sáng tạo trong truyền thông về không gian văn hóa của khu vực này. Điều này đòi hỏi sự chung tay với tinh thần trách nhiệm, chủ động và linh hoạt, sáng tạo với nhiều hình thức đa dạng của các quan báo chí, truyền thông các địa phương trong khu vực.

Trong xu thế đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ ở Đông Nam bộ, công tác tôn tạo, quy hoạch xây dựng không gian văn hóa công cộng ở mỗi địa phương làm thế nào vừa đáp ứng yêu cầu mỹ thuật, hài hòa cảnh quan và mang dấu ấn lịch sử văn hóa, vừa đem lại lợi ích thiết thực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ chính đáng của người dân đòi hỏi vai trò của báo chí, truyền thông được phát huy hiệu quả trong phản ánh nguyện vọng quần chúng, ý kiến chuyên gia, phản biện xã hội với tinh thần xây dựng

 ThS Phan Đình Dũng, Trường đại học Văn hóa TP.HCM

 
Tin xem nhiều