Báo Đồng Nai điện tử
En

Đoàn kết thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của vùng Đông Nam bộ

08:03, 07/09/2023
 

Trong chiều kích hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, vùng Đông Nam bộ được xem như vùng đất mới, 325 năm hình thành và phát triển kể từ dấu mốc năm 1698 khi Chưởng cơ Lễ thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn kinh lược xứ phương Nam.

Báo Nhân Dân và Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội nghị Ký kết kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Huy Anh

Từ đó đến nay, biết bao thế hệ người dân thuộc nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo, từ khắp các vùng miền đã hội tụ về đây mở đất, mở cõi, không tiếc máu xương để chiến đấu giữ vững sự toàn vẹn, thống nhất của non sông. Để rồi, suốt nhiều thập kỷ qua, cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước, vùng Đông Nam bộ đã thể hiện rõ sự năng động, nhạy bén, sáng tạo của mình trong xây dựng nền tảng kinh tế, gặt hái được những thành tựu quan trọng và ấn tượng.

Trong bản đồ kinh tế Việt Nam, Đông Nam bộ với đầu tàu TP.HCM, cùng với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước từ nhiều năm qua đã trở thành ngôi sao sáng, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là một cực tăng trưởng lớn, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội; 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Không chỉ kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, Đông Nam bộ còn là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 67%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,5%, đứng thứ 2 các vùng trong cả nước…

Dù vậy, tiến trình phát triển của vùng Đông Nam bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được chỉ ra là do: nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ; một số mục tiêu đề ra khá cao trong khi huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế; thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực hiệu quả… Những nguyên nhân nội tại trên kết hợp với tình hình thế giới, tình hình khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cộng với những ảnh hưởng sâu sắc, chưa từng có sau đại dịch Covid-19, đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững của toàn vùng.

Thời gian qua, Trung ương đã có nhiều quyết sách quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng, gần nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết nêu rõ quan điểm: Đông Nam bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong kết nối phát triển với các vùng kinh tế khác. Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động và quản lý phát triển vùng. Tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng khác và các nước tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN và thế giới. Xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng… Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực tự cường của “Miền Đông gian lao mà anh dũng” trong xây dựng và phát triển vùng...

Lãnh đạo các cơ quan báo Đảng địa phương tham dự Giải việt dã Báo Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ 24-2023. Ảnh: Huy Anh
Lãnh đạo các cơ quan báo Đảng địa phương tham dự Giải việt dã Báo Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ 24-2023. Ảnh: Huy Anh

Nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, cũng như những thuận lợi và thách thức đan xen trong bối cảnh, tình hình mới, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đã và đang tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết với tinh thần phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, được sự cho phép của Thường trực Tỉnh ủy, Báo Đồng Nai tổ chức hội thảo Báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023 với chủ đề: Báo Đảng với việc tuyên truyền liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các hoạt động tại hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp tuyên truyền của các cơ quan báo Đảng khu vực Đông Nam bộ và các khu vực trong cả nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của cả nước.

Những kinh nghiệm hay, những bài học quý, những ý kiến chỉ đạo, đề xuất, kiến nghị vững vàng về cơ sở lý luận, thấm đẫm cơ sở thực tiễn từ các đồng chí lãnh đạo trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các cơ quan báo chí trong và ngoài khu vực tại hội thảo sẽ góp phần làm sáng rõ hơn phương hướng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương. Đặc biệt, những chia sẻ thân ái, chân thành; tình đoàn kết được vun đắp, thắt chặt tại hội thảo sẽ tiếp thêm niềm tin, nguồn động lực tinh thần thúc đẩy các cơ quan báo chí của Đảng thực hiện tốt hơn nữa vai trò và nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển phồn vinh, bền vững của các địa phương, của vùng và cả nước.

 
Tin xem nhiều