Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo đảng với việc tuyên truyền về vùng và liên kết vùng Đông Nam bộ

PGS-TS Huỳnh Văn Tới
10:12, 07/09/2023
 

* Vùng và liên kết vùng

Từ thuở khẩn hoang mở cõi, tuy chưa đề cập đến thuật ngữ “vùng và liên kết vùng”, nhưng các bậc tiền nhân đã có tư duy, tầm nhìn về vùng và liên kết vùng trong quá trình hình thành, phát triển vùng đất ven sông Đồng Nai (nay ứng với địa bàn các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ). Nhiều câu ca, thành ngữ thể hiện nhận thức và cảm xúc về đời sống, lao động, giao lưu văn hóa liên vùng:

- Nhà Bè nước chảy phân hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

- Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.

- Cô Hươu đi chợ Đồng Nai

Bước qua Bến Nghé còn nhai thịt Bò.

- Cơm Nai, Rịa. Cá Rí, Rang,

- Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai…

Trong tâm thức dân gian, vùng là không gian sinh tồn, môi trường sinh thái có nhiều yếu tố gắn kết nhau, rộng lớn hơn địa giới hành chính các tỉnh, thành hiện nay. Việc phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa nội vùng và liên vùng đó là nhu cầu khách quan, tất yếu. Vùng và giao lưu liên vùng được hình thành và phát triển ở vùng/xứ Đồng Nai trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh Chúa Nguyễn phân định địa giới hành chính từ năm 1698.

Đến nay, theo định hướng lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, khái niệm vùng và liên kết vùng được nhận diện rõ hơn với nội dung kết tinh tâm thức của dân gian, mở rộng và nâng cao tầm nhìn bằng tư duy mới phù hợp với thực tế và thời đại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ trao đổi với các thành viên hội đồng tại hội nghị ngày 18-7. Ảnh: HOÀNG LỘC

Việc phân vùng được xác định từ rất sớm. Với tư duy đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI, từ nghiên cứu đặc điểm về vị trí địa lý, tài nguyên, thực trạng xã hội Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước phát triển, Trung ương Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã phê duyệt dự án và ban hành các Quyết định phân vùng kinh tế trọng điểm quốc gia đến năm 2010 tại các Quyết định số 747/1997/QĐ-TTg, 1018/1997/QĐ-TTg và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg. Theo đó, cả nước có 3 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương); vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi); vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ (TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai).

Đến năm 2003, tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 2-7-2003 Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ thêm 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Từ năm 2004, vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ có thêm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An (theo các Quyết định số 145, 146, 148/2004/QĐ-TTg).

Từ ngày 16-4-2009, Chính phủ phê duyệt thêm vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP.Cần Thơ. Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và TP.HCM hợp thành vùng Đông Nam bộ được xem là vùng đất có sự gắn kết tổng thể, có chung đặc điểm về tự nhiên, về lịch sử hình thành, phát triển, đời sống xã hội và mục tiêu phát triển, như bộ phận trọng tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại thời điểm năm 2020, vùng Đông Nam bộ có diện tích 23.551,5km2, là vùng có diện tích nhỏ thứ hai cả nước (chiếm 7,1%); dân số năm 2020 là 18.342.900 người (chiếm 18,8% dân số cả nước). Năm 2020, quy mô GRDP của vùng Đông Nam bộ đạt 2,58 triệu tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2010 và 1,4 lần năm 2015; đóng góp 32% GDP cả nước; 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng Đông Nam bộ đạt 67%; diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.

Hiện đại hóa sản xuất tơ sợi lông cừu. Ảnh: Nguyễn Hữu Dũng
Hiện đại hóa sản xuất tơ sợi lông cừu. Ảnh: Nguyễn Hữu Dũng

* Định hướng phát triển vùng, liên kết vùng Đông Nam bộ

Việc định hướng phát triển vùng thể hiện rõ nhất từ “Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010” thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Chiến lược phát triển nêu quan điểm phát triển vùng: “Các vùng kinh tế trọng điểm có nhịp độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung, đóng góp lớn vào tăng trưởng của cả nước và lôi kéo, hỗ trợ các vùng khác, nhất là các vùng có nhiều khó khăn, cùng phát triển”. Định hướng phát triển: “Các vùng, khu vực đều phát huy lợi thế để phát triển, tạo nên thế mạnh của mình theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Nhà nước tiếp tục thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh, đồng thời tạo điều kiện và đầu tư thích đáng hơn cho vùng nhiều khó khăn”. Trong đó, “miền Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam “hình thành và phát huy vai trò các trung tâm thương mại, xuất khẩu, viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng, khoa học và công nghệ, văn hóa, đào tạo đối với khu vực phía Nam và cả nước” (1).

Tiếp theo Đại hội Đảng lần thứ IX, văn kiện các Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII đều có đề cập đến việc đánh giá, nêu định hướng phát triển vùng và liên kết vùng theo tinh thần Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, nội dung tiếp tục liên kết phát triển vùng được nêu trong nhiệm vụ trọng tâm: “…phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh…” (2).

Từ quan điểm, định hướng lãnh đạo của Đảng qua các nhiệm kỳ, nội dung phát triển vùng và liên kết vùng dần dần được làm rõ hơn về nhận thức và nội dung triển khai, thực hiện.

Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng kiểm tra thực tế công trình Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3. Ảnh: HOÀNG LỘC

Đối với vùng Đông Nam bộ, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 chỉ đạo việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020. 7 năm sau, Bộ Chính trị khóa XI đã họp kiểm điểm, kết quả đạt được và kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị khóa IX (Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012). Nội dung Kết luận số 27-KL/TW đánh giá những kết quả đạt được là to lớn và rất quan trọng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm: Nhận thức rõ vị trí, vai trò của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; xác định và thực hiện mục tiêu đến năm 2020; tăng cường liên kết vùng, xây dựng không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh của mỗi tỉnh, thành phố và toàn vùng, tạo sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau có hiệu quả giữa các địa phương; Hoàn thành việc lập và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Sau 10 năm thực hiện Kết luận 27-KL/TW, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nửa tháng sau, Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị, phát biểu chỉ đạo. Từ nội dung nghị quyết và phát biểu của Tổng bí thư, nhiều nội dung quan trọng cần được quán triệt ở mọi người, nhất là những những người làm báo ở các báo Đảng trong vùng.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí chụp ảnh lưu niệm với nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại lễ trao Giải báo chí miền Đông Nam bộ lần 1-2022. Ảnh: HUY ANH

Tổng bí thư nêu rõ vùng Đông Nam bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Nghị quyết này thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của Nghị quyết 53/NQ-TW phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; thể hiện quyết tâm đổi mới, trách nhiệm cao, quyết tâm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc phát triển vùng Đông Nam bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghi quyết 24-NQ/TW xác định rõ quan điểm, phương hướng, mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Sau Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW, Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành trong vùng đã tổ chức nhiều hội nghị hành động để thực thi nghị quyết. Đặc biệt, ngày 11-7-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 825/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT làm Phó chủ tịch thường trực.

* Việc phối hợp tuyên truyền của báo Đảng trong vùng là trách nhiệm và yêu cầu chung

Trước hết, các báo Đảng ở vùng Đông Nam bộ cần tuyên truyền, quán triệt cho mình và cho mọi người về tinh thần của Nghị quyết 24-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của toàn vùng, và từng địa phương trong vùng. Cần có sự đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của vùng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: HẢI QUÂN

Cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển toàn vùng và mỗi tỉnh, thành trong vùng. Tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành cho được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng.

Thực ra, lịch sử hình thành, phát triển báo chí cách mạng đã bắt đầu bằng tư duy vùng và liên kết vùng từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các báo Đảng ở địa phương, từng có các buổi họp mặt, giao lưu, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hoạt động chung. Đó là nhu cầu tự thân của nghề nghiệp. Nay, có Nghị quyết 24-NQ/TW việc phối hợp tuyên truyền của báo Đảng trong vùng là trách nhiệm và yêu cầu chung.

Các báo Đảng ở trong vùng Đông Nam bộ cần có sự liên kết, phối hợp tạo chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW trong toàn vùng. Có những quan điểm, nội dung cô đọng trong nghị quyết cần làm rõ cho mọi người qua đôi cánh thông tin, tuyên truyền của báo Đảng. Nhiều chuyên đề có thể được phối hợp xây dựng và tuyên truyền dài hơi, đăng tải định kỳ ở các báo Đảng.

* Cần có chuyên đề về huy động nguồn lực

Theo định hướng cô đọng trong nghị quyết: “Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển của vùng, trong đó xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá”.

Thực hiện định hướng phát triển ấy, cần có chuyên mục chung, dài hơi, cụ thể về “huy động tối đa nguồn lực” để góp phần phát triển toàn diện, vững chắc vùng Đông Nam bộ.

Người địa phương mong đợi ở báo Đảng nhiều lời giải để hiểu rõ hơn nghị quyết.

Các đại biểu dùng thử sầu riêng của Đồng Nai tại Diễn đàn Cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam tổ chức tại Biên Hòa. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Nguồn lực là gì? Nguồn lực được hiểu là hệ thống các yếu tố vật thể và phi vật thể từ bên trong hoặc bên ngoài của thực thể tạo thành sức mạnh để phát triển thực thể ấy. Với cách hiểu như vậy, nguồn lực của phát triển văn hóa ở vùng Đông Nam bộ bao gồm: Nguồn lực về vị thế thiên nhiên, nguồn lực về tài nguyên lịch sử, nguồn lực con người, nguồn lực về hệ thống tổ chức, nguồn lực về tài vật; nội lực trong tác động của ngoại lực. Các nguồn lực ấy có giá trị chung của đất nước và có bản sắc của vùng cần được nhận diện đầy đủ và phát huy tối đa.

Vùng Đông Nam bộ có đặc trưng gì? Cố GS Trần Quốc Vượng xác định Đông Nam bộ là vùng “Địa kinh tế - chính trị - văn hóa” có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.

Vì sao gọi là địa kinh tế? Do Đông Nam bộ có địa hình dốc thoải, nối cao nguyên Di Linh với đồng bằng Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ. Sinh thái đa hệ: Núi - đồi - rừng - vườn - sông - biển (rừng giồng nối liền rừng sác, nước mặn - nước lợ - nước ngọt)… Núi thường là “trái núi”, không cao, giàu sự sống (Bà Đen 986m, Chứa Chan 839m, Bà Rá 738m…), không phải rặng núi gây cách trở như nhiều nơi khác. Hệ thống sông Đồng Nai (586km, lưu vực 38.600km2; các phụ lưu La Ngà, Sông Bé, Sài Gòn, Nhà Bè, Vàm Cỏ) dòng chảy nội sinh, qua 8 tỉnh, nước lành quanh năm đủ cho sinh hoạt cộng đồng và phát triển các khu công nghiệp. Giao thông thuận lợi cả về không - thủy - bộ. Thổ nhưỡng giàu phù sa mới, phù sa cổ, thuận cho nông nghiệp, công nghiệp. Khí hậu mưa nắng ôn hòa tốt cho sản xuất và đời sống quanh năm. Tài nguyên mặt nước, lòng đất, đủ cho khai thác, phát triển công nghiệp. Nhân lực dồi dào hội nhập, cộng cư bởi nhiều nguồn, từ nhiều nơi. Có thể nói, đây là vùng “đất lành”, hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, thuận cho phát triển kinh tế (công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ), cũng thuận cho giao lưu văn hóa (tích hợp - tiếp biến, nội vùng - ngoại biên).

Đông Nam bộ phát triển với nhịp độ cao, toàn diện, làm thay đổi nhanh chóng, toàn diện về đời sống vật chất và tinh thần ở địa phương. Trong tương lai gần, Đông Nam bộ sẽ hoàn chỉnh các công trình trọng điểm: cảng hàng không quốc tế ở Long Thành, cảng biển Vũng Tàu, hệ thống cảng sông Cái Mép, Gò Dầu, Phước An; các biên khẩu ở Bình Phước, Tây Ninh; mạng lưới đường cao tốc vành đai nội vùng và ngoại vùng, các khu đô thị mới ở Phú Mỹ Hưng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhơn Trạch, Bình Dương sẽ tiếp cận sự hiện đại, tiến bộ của khu vực và thế giới.

Vì sao gọi Đông Nam bộ là vùng “Địa chính trị”? Đây là nơi khởi đầu, cũng là trung tâm định cư, tích hợp và tiếp biến văn hóa của lớp cư dân Việt “tiền khai canh” ở Nam bộ. Đông Nam bộ là nơi diễn tập tiền Cách mạng Tháng Tám (Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1941), khởi đầu 9 năm kháng chiến (Nam bộ kháng chiến năm 1945), nhiều sự khởi đầu sáng tạo trong kháng chiến chống xâm lược (Giao thông chiến La Ngà năm 1948, cách đánh đặc công năm 1948, Căn cứ địa đạo, đặc nhiệm nội thành).

Cầu Ghềnh và di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Biên Hòa. Ảnh: LÒ VĂN HỢP

Về mặt “Địa văn hóa”, Đông Nam bộ có những đặc điểm gì đáng lưu ý? Ở Đông Nam bộ có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa nhiều nguồn khác nhau: Vùng núi - miền biển; cao nguyên và đồi, miệt rẫy - miệt vườn, phù sa cổ và phù sa mới… Chủ nhân văn hóa: Hội nhập, cộng cư từ người bản địa - người Việt - người Hoa. Tính đa dạng - điển hình: Môn - Khmer điển hình của văn hóa bản địa; văn hóa Chăm điển hình của Malaya - Polysien; văn hóa truyền thống điển hình của người Việt từ Bắc bộ, Trung bộ; văn hóa Hoa điển hình của văn hóa Hán đã Bách Việt hóa. Thể hiện tính cộng đồng ở 2 loại công xã: Công xã buôn làng (vùng núi) và công xã xóm làng (miệt vườn), giao lưu mật thiết với nhau, không xung đột. Tính chất mở: Làng mở, mở lòng với đặc điểm ứng xử văn hóa hỗn dung, hòa nhập, tích hợp, tiếp biến với nhiều dòng mạch văn hóa (Môn - Khmer, Maylaya - Polysien, Việt (Bắc - Trung - Nam), Hoa, Âu Tây, Nho, Phật, Thiên chúa). Tính bền vững và nguy cơ mai một: Bảo tồn ngoại biên bền vững (văn hóa gốc Bắc, gốc Trung, gốc Hoa), nhưng văn hóa bản địa dễ bị mai một do quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa (Kinh hóa, Âu hóa, thị dân hóa).

Theo GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, “Đông Nam bộ là vùng văn hóa thể hiện nét riêng của cái chung trong đặc thù văn hóa Việt Nam. Trên nền lịch sử 4.000 năm của dân tộc, chỉ mới hơn 300 năm thôi, từ những nguồn văn hóa có bề dày khác nhau, có đặc trưng khác nhau, miền Đông Nam bộ đã đủ thời gian lịch sử để lắng đọng, để hội tụ và để kết tinh thành một vùng văn hóa có đặc trưng riêng”(3).

Đặc điểm “Địa kinh tế - chính trị - văn hóa” như thế chính là nguồn lực lợi thế của phát triển vùng Đông Nam bộ, nếu phát huy đầy đủ, hợp lý sẽ là động lực thúc đẩy Đông Nam bộ phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, bản sắc.

Nguồn nhân lực được xem trọng như thế nào? Đông Nam bộ có đặc điểm là đa nguồn cư dân, đa dòng mạch văn hóa. Trong 30 dân tộc chung sống ở Đông Nam bộ, người Việt chiếm đa số với tỷ lệ hơn 90% dân số, tiếp đó là người Hoa, Nùng, Châu Ro, Tày, Mường, Khmer, Chăm, Dao, Mạ, S’tiêng, Mnông, Cơ Ho…; người Châu Ro, Mạ, S’tiêng, Mnông, Cơ Ho được xem là cư dân tại chỗ. Quá trình hình thành cộng đồng dân tộc ở Đông Nam bộ thực chất là quá trình hợp cư bởi các đợt di dân qua các thời kỳ. Từ đó, cộng đồng dân cư làng xã và văn hóa nông thôn ở Đông Nam bộ có nét riêng. Làng ở Đông Nam bộ là làng khai phá, phân bố theo tuyến sông nước, tuyến lộ giao thông và tỏa rộng ở các vùng cao ráo gắn với nhiều hệ sinh thái: Sông nước, vườn ruộng, núi rừng; không khép kín trong lũy tre làng, tổ chức hành chính - xã hội đơn giản, không phân biệt ngụ cư, dễ tiếp nhận thành viên mới và cũng dễ thay đổi cơ cấu. Trong mỗi làng thường có nhiều họ khác nhau; nhiều người ngoài làng tới cùng khai phá, phụ canh, làng trở nên cởi mở, đỡ bảo thủ và càng dễ canh tân nhờ các cuộc hôn nhân khác họ cũng như các quan hệ giao lưu thường trực.

Chính tính chất hợp cư từ nhiều dân tộc, nhiều đợt di dân với mục đích và lý do khác nhau đã hình thành sắc thái đa nguồn văn hóa của Đông Nam bộ với đặc tính cởi mở, đa hệ, hỗn dung, dễ thâm nhập những nhân tố mới nhưng khó phai mờ những yếu tố cội nguồn. Đó cũng là lý do giải thích về những phong tục tập quán “nhân văn, rộng mở, truyền thống, hiện đại” trong đời sống ở Đông Nam bộ: Rất trân trọng tình cảm “đồng cảnh ngộ” tha hương; nồi cơm luôn sẵn lòng đãi khách, lu nước ngọt luôn trong lành và sẵn gáo dừa ở đầu bến hoặc ven đường, kiến trúc nhà ở luôn sẵn chỗ cho người lỡ bước, kiểu nhà bè có sự tích gắn với Thủ Huồng... Đó cũng là lý do giải thích lý do vì sao người Việt, người Hoa và của các dân tộc khác dễ hội nhập trong tín ngưỡng và cơ sở thờ tự, các tôn giáo dễ thuận thảo, chung sống hòa bình trong khối đại đoàn kết dân tộc trên mảnh đất Đông Nam bộ.

Các nguồn lực về tài vật như thế nào? Ở Đông Nam bộ có ưu thế lớn bởi nơi đây kinh tế phát triển, dễ làm ăn, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nguồn thu ngân sách lớn nên nguồn lực tài lực đầu tư từ trong dân cũng như từ ngân sách đều thuận lợi. Nhiều con số trong phát triển kinh tế và đầu tư cho văn hóa đã thấy có sự chú trọng huy động sức dân. Phát huy nguồn lực tài vật để phát triển hóa ở Đông Nam bộ có nhiều lợi thế hơn nhiều nơi khác.

Về nguồn ngoại lực có ưu thế gì? Đông Nam bộ có lợi thế về phát triển kinh tế, ngoại giao, hội nhập, có hàng trăm khu công nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài nên nguồn ngoại lực dồi dào, đa dạng, phong phú nếu khéo huy động sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để phát triển văn hóa văn hóa ở Đông Nam bộ nhanh vươn đến mục tiêu theo định hướng.

Nhìn chung, nguồn lực để phát triển văn hóa ở Đông Nam bộ dồi dào, hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, giàu giá trị và tiềm năng, đang có nhiều di sản và lợi thế; giàu bản sắc của vùng Đông Nam bộ vốn được hình thành từ sự hội nhập, chan hòa, kết tinh, chuyển hóa từ nhiều nhân tố, nhiều dòng mạch trong quá trình giao lưu văn hóa và vận động phát triển; bản sắc ấy cũng chính là nguồn lực của phát triển văn hóa ở khả năng giao lưu, kết tinh văn hóa từ nhiều dòng, nhiều lớp, gìn giữ được yếu tố cốt lõi của cội nguồn, tiếp thu nhanh tinh hoa văn hóa của nhân loại, phóng khoáng trong cư xử, khoan dung, rộng mở trong sinh hoạt xã hội; năng lực ứng xử nhạy bén, dễ thích ứng với cái mới, năng động linh hoạt trong phát triển, áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong thời đại kỹ thuật số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Nếu không phát huy được các nguồn lực này thì sao? Ắt sẽ là sự phát triển khập khiễng như hai chân bám đất không đồng bộ, hoặc chậm tiến, hoặc chệch hưởng, hoặc không bản sắc.

Để phát huy tối đa các nguồn lực phát triển văn hóa, cần có và cần thực hiện hệ thống chính sách bao gồm những giải pháp tác động để dẫn dắt, thúc đẩy, tạo lực, phát huy tối đa các nguồn lực và tiềm lực nhằm đạt mục tiêu phát triển văn hóa ở vùng Đông Nam bộ theo đúng đường lối, định hướng đã xác định. Trước hết là những chính sách cấp thiết để tác động đến việc phát huy nguồn lực phát triển văn hóa còn đang nhiều trắc trở trong thực tế 


 (1) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ  IX, “Chiến lược Phát triển kinh tế -  xã hội 2001-2010”.

 (2) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 (3) Tô Ngọc Thanh: “Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa các dân tộc Đông Nam bộ”, NXB KHXH, HN 1997, tr.304.


 
Tin xem nhiều