Những tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu cả nước cũng như Đồng Nai giảm so với cùng kỳ năm 2022. Điều này tạo nên sự lo lắng khi nền kinh tế có độ mở lớn, xuất - nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Những tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu cả nước cũng như Đồng Nai giảm so với cùng kỳ năm 2022. Điều này tạo nên sự lo lắng khi nền kinh tế có độ mở lớn, xuất - nhập khẩu (XNK) đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối giao thương do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức. Ảnh: V.GIA |
Trước thực tế đó, ngành Công thương cả nước cùng các địa phương đang vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
* Xuất khẩu chững lại
Quý I-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 79,2 tỷ USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%). Điều này cho thấy những khó khăn của các DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Tương tự, tại Đồng Nai, quý đầu năm chỉ đạt hơn 4,86 tỷ USD, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm mạnh vì các DN khó khăn về đơn hàng. Vì thế, nhu cầu nhập khẩu nguyên, phụ liệu, máy móc cũng ít đi. Nhìn chung, qua khảo sát các DN trên địa bàn tỉnh, một số ngành như: dệt may, giày dép, chế biến gỗ, điện tử... biến động mạnh nhất. Một số DN lớn đang phải tiết giảm giờ làm, sắp xếp lại sản xuất để cầm cự trong sản xuất, kinh doanh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu của nước ta là do kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới. Những vấn đề trên đã tác động đến người tiêu dùng nên đa số thắt chặt mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ. Tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử lớn là Hoa Kỳ, EU, nhu cầu mua sắm giảm mạnh, hàng hóa tồn kho nhiều dẫn đến đơn đặt hàng từ thị trường này rất hiếm hoi.
Trong bối cảnh khó khăn chung, các DN đã mở rộng thị trường sang các nước khác để cải thiện xuất khẩu.
Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung nhận định, một số chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ DN của Nhà nước đã bắt đầu phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp dù có giảm nhưng xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, XNK trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
* Mở thêm thị trường xuất khẩu mới
Vào giữa tháng 4-2023, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và XNK năm 2023.
Doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất ngành may mặc tại triển lãm quốc tế dệt may do Bộ Công thương phối hợp tổ chức |
Tại hội nghị, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành trung ương, địa phương và đơn vị, DN có liên quan đã cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh và XNK. Ðồng thời, trao đổi, thảo luận, làm rõ nguyên nhân các kết quả đạt được và kịp thời nắm bắt, nhận diện các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, trong sản xuất, kinh doanh và XNK, từ đó đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời.
Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển XNK thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu. Bộ mong muốn các địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với từng DN, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn và những dự án có vai trò tạo “cú hích” về tăng trưởng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động địa phương. Trong quá trình thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN sản xuất, xuất khẩu, các tỉnh, thành gặp khó khăn về chính sách có thể đề xuất với Trung ương để kịp thời gỡ khó cho DN.
Đối với Đồng Nai, theo Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung, bên cạnh các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao trong việc điều tiết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu ngành, thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ tìm kiếm thị trường thì tỉnh cũng kiến nghị một số vấn đề quan trọng. Cụ thể là các bộ, ngành tiếp tục các biện pháp hỗ trợ DN vay vốn lãi suất thấp, thêm các giải pháp hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí trong tình hình còn khó khăn... Bên cạnh đó, giảm thiểu các thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, XNK để DN tiếp cận nguyên, vật liệu cho sản xuất cũng như xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi hơn.
Văn Gia