Tính đến đầu tháng 4-2013, Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải 72-01S (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thực hiện kiểm định và thu phí bảo trì đường bộ cho hơn 6.300 phương tiện giao thông các loại (bình quân khoảng 70 xe/ngày). Con số này vượt ngoài dự kiến của các cơ quan chức năng.
Tính đến đầu tháng 4-2013, Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải 72-01S (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thực hiện kiểm định và thu phí bảo trì đường bộ cho hơn 6.300 phương tiện giao thông các loại (bình quân khoảng 70 xe/ngày). Con số này vượt ngoài dự kiến của các cơ quan chức năng.
Hiện nay, còn một số ô tô mà kỳ đăng kiểm tiếp theo phát sinh sau ngày 31-12-2013 (đa số là xe mới mua) chưa đến nộp phí. Theo quy định, chậm nhất đến ngày 30-6-2013, các chủ phương tiện ấy phải đến cơ quan đăng kiểm nộp phí.
* Từ cách làm chu đáo
Để chuẩn bị cho việc thu phí bảo trì đường bộ, trước đó, trung tâm đã tổ chức tập huấn cho nhân viên thu phí, trang bị máy móc in ấn chứng từ và tem sử dụng đường bộ theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Do phòng thu phí nhỏ nên trung tâm đã dán thông báo cụ thể về lệ phí nộp đối với từng loại xe để tài xế, chủ xe tìm hiểu; đồng thời, kết hợp giữa việc làm thủ tục kiểm định xe cùng lúc với làm thủ tục thu phí. Nhân viên cung cấp nhanh, gọn cho chủ xe và tài xế các phiếu thông tin để điền biển số xe, kỳ nộp phí, hình thức nộp phí, mã số thuế... Nhờ cách làm chu đáo đó, quy trình thu phí diễn ra khá nhanh.
Khi nhân viên đăng kiểm kiểm tra xe đạt chuẩn, chủ phương tiện đóng lệ phí kiểm định, sau đó đóng tiếp phí bảo trì đường bộ sẽ được dán 2 tem: tem đăng kiểm và tem nộp phí bảo trì đường bộ để dán lên kính trước của xe.
Ông Hoàng Văn Sỹ, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Nhìn chung, việc thu phí diễn ra thuận lợi vì phần mềm của Bộ Tài chính đã thông suốt và cập nhật liên tục. Bình quân mỗi ngày trung tâm thu 100-160 triệu đồng”.
* Đến sự tự giác của chủ phương tiện
Những người làm công tác thu phí bảo trì đường bộ ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét: Nhìn chung, hầu hết các chủ phương tiện đều chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước. Khá nhiều chủ phương tiện dù chưa đến hạn đăng kiểm, nhưng sau khi nghe thông tin phải đóng phí bảo trì đường bộ cũng tự giác đến nộp phí. Một số người chưa biết thì đến trung tâm để được tư vấn đầy đủ.
Anh Bùi Cao Khải (phường 8, TP.Vũng Tàu), nói: “Việc đóng phí này có hiệu lực từ 1-1-2013 nhưng lâu nay vì bận nên có lẽ một số người chưa đóng được. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều ủng hộ vì phí này góp phần bảo trì đường sá cho tốt hơn”.
Ông Nguyễn Đức Nguyên (phường 8, TP.Vũng Tàu), nói thêm: “Tôi thường xuyên theo dõi tivi, đọc báo có biết chuyện đóng phí. Tôi là người sử dụng phuơng tiện vận tải nên thấy phí đó rất là hợp lý”.
Tất nhiên, cũng có một số chủ các phương tiện cũ và những người mua xe để làm ăn kinh doanh nhỏ còn tỏ ra băn khoăn với việc phát sinh thêm nguồn phí này. Một chủ kinh doanh vận tải cho biết, mức phí 130 ngàn đồng/tháng là tương đối cao trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Ông Phạm Văn Hạnh (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành), thắc mắc: “Ngoài phí cầu đường lâu nay vẫn đóng, bây giờ lại thêm phí bảo trì đường bộ nữa nên cũng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp, các chủ xe. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đã đóng thuế trong tiền xăng rồi!”.
Ông Lê Hồng Nam, Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải 72-02D, cho biết: “Hiện công việc thu phí diễn ra suôn sẻ. Nhiều chủ phương tiện chấp hành việc thu phí sử dụng đường bộ và đóng đúng quy định. Những người chưa nắm rõ, nhân viên giải thích đầy đủ, người ta cũng đồng tình với chủ trương mới”.
Đức Doanh