Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây bao-báp giữa Sài Gòn

08:05, 14/05/2013

Người Việt Nam lâu nay chỉ biết đến cây bao-báp (baobab) qua sách giáo khoa môn Địa lý hoặc Sinh vật. Đó là loài cây xuất xứ châu Phi, có đường kính rộng hơn 10m, chu vi gốc cây có khi lên đến 50m, trong thân có thể lưu trữ tới 120 ngàn lít nước, con người có thể làm nhà trong thân cây.

Người Việt Nam lâu nay chỉ biết đến cây bao-báp (baobab) qua sách giáo khoa môn Địa lý hoặc Sinh vật. Đó là loài cây xuất xứ châu Phi, có đường kính rộng hơn 10m, chu vi gốc cây có khi lên đến 50m, trong thân có thể lưu trữ tới 120 ngàn lít nước, con người có thể làm nhà trong thân cây.

Ít ai biết rằng ở Việt Nam cũng có nơi đã trồng được loài thực vật đặc biệt này. Ngoài Hà Nội, Kiên Giang và Huế, TP. Hồ Chí Minh cũng có 4 cây bao-báp (3 cây ở Thảo Cầm Viên và 1 cây ở Trường đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh).

Cây bao-báp trồng lâu nhất hiện tọa lạc trong khuôn viên Trường đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Người trực tiếp mang giống từ châu Phi về và trồng cây bao-báp này là thầy Nguyễn Quý Tuấn, nguyên Phó trưởng phòng Khoa học - công nghệ và sau đại học của trường. Khi còn giảng dạy ở khoa Sinh vật, thầy Tuấn có 5 năm (1988 - 1993) làm chuyên gia giáo dục ở Angola. Khi về nước, thầy mang một ít hạt cây bao-báp, vì đây là loại cây nổi tiếng về học thuật kinh điển và cũng là loại cây đặc biệt, là biểu tượng của người châu Phi.

Người dân châu Phi xem bao-báp như một loại rau quả. Lá dùng để nấu súp; cùi thịt khô của quả sau khi tách khỏi các hạt và sợi, được ăn ngay hoặc trộn lẫn với cháo yến mạch hay sữa; hạt được dùng như chất làm đặc cho các món súp, nhưng cũng có thể được lên men thành gia vị hay nướng để ăn trực tiếp, hoặc giã nhỏ để chiết dầu thực vật. Thân cây còn là nguồn cung cấp sợi, thuốc nhuộm, dùng làm củi. Và giữa sa mạc, bao báp còn được thổ dân dùng làm nguồn cung cấp nước, làm thuốc trị bệnh, quả dùng làm đồ trang sức...

Bao-báp lớn nhanh, ra hoa vào tháng 8, những bông hoa có cuống dài bằng cánh tay trắng muốt như hoa quỳnh và treo lủng lẳng như những quả chuông. Quả bao-báp hình bầu dục, có nhiều hạt to cỡ ngón tay cái, bên trong có bột như bột sắn.

Cây bao-báp ở khuôn viên trường được 20 tuổi, đã ra hoa và cho quả. Hoa bao-báp có cuống hoa dài gần 1m, nở về đêm, khi nụ hoa nứt ra, các đài hoa cong lên, và nhụy hoa chúc ngược xuống đất, trắng muốt… khuôn viên nhà trường hiện nay đã được xây dựng nhiều, không còn là nơi phù hợp cho cây bao-báp vốn bắt đầu giai đoạn tăng tốc trưởng thành này (cây bao-báp có tuổi thọ hàng ngàn năm). Nhiều đoạn bờ tường đã bị vỡ ra vì rễ cây bao-báp. Trong tương lai, có lẽ nhà trường sẽ cho di dời cây đến một địa điểm thích hợp hơn.

Thủy Trần

 

Tin xem nhiều