Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khi cán bộ công chức phải đi xe buýt

08:03, 12/03/2012

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, vào ngày 30-4 này, các cơ quan cấp tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) sẽ chuyển về Trung tâm hành chính - chính trị mới tại TX.Bà Rịa. Sẽ có khoảng 2.000 cán bộ - công chức đang công tác tại TP. Vũng Tàu hiện nay sẽ phải di chuyển sang TX. Bà Rịa để làm việc với phương tiện chính là xe buýt.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, vào ngày 30-4 này, các cơ quan cấp tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) sẽ chuyển về Trung tâm hành chính - chính trị mới tại TX.Bà Rịa. Sẽ có khoảng 2.000 cán bộ - công chức đang công tác tại TP. Vũng Tàu hiện nay sẽ phải di chuyển sang TX. Bà Rịa để làm việc với phương tiện chính là xe buýt.

UBND tỉnh BR-VT đã có quyết định trợ cấp thêm cho mỗi cán bộ, công chức 44.000 đồng/người/ngày (không quá 1 triệu đồng/tháng) cho việc đi lại. Hiện tại có 4 tuyến xe buýt chạy tuyến Vũng Tàu - Bà Rịa và ngược lại với tần suất 12 - 30 phút/chuyến.

* Băn khoăn giờ cao điểm

4 tuyến xe buýt ấy có gần 80 đầu xe, thời gian khai thác từ 5 giờ đến 17 giờ 30 phút hàng ngày. Lượng xe này có khả năng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương nhưng nếu tiếp tục phục vụ cho CBCC-VC đi về làm việc thì sẽ không đáp ứng đủ, nhất là trong thời gian cao điểm. Ông Nguyễn Thượng Chí - Phó giám đốc Sở GTVT BR-VT cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức họp với các doanh nghiệp, HTX vận tải và các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai kế hoạch phục vụ vận chuyển này. Tuy nhiên, do xe buýt trên địa bàn tỉnh không trợ giá nên trước mắt ngành GTVT chỉ biết vận động doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thêm xe, cải tạo lại chất lượng xe hiện tại”.

Nhiều tuyến đường ở nội thành Vũng Tàu hiện chưa có xe buýt ngang qua.
Nhiều tuyến đường ở nội thành Vũng Tàu hiện chưa có xe buýt ngang qua.

Hệ thống xe buýt ở BRVT lâu nay phát triển theo chủ trương xã hội hóa nên đối tượng phục vụ khá đa dạng và chất lượng phương tiện, cung cách phục vụ và các điểm dừng, đỗ của xe buýt trên đường, lộ trình của hệ thống phương tiện công cộng này cũng còn kém. Điều này khiến nhiều CBCC - VC hết sức lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, nhân viên Phòng Kiến trúc quy hoạch Sở Xây dựng nói: Hiện nay nhiều tuyến đường tại Vũng Tàu không có xe buýt. Nhà tôi lại xa bến xe buýt. Mà chất lượng xe buýt ở đây rất kém, đa số là xe cũ nên tôi thật sự lo lắng”

Chị Vũ Thị Kiểm - chuyên viên Văn phòng Sở Xây dựng nói thêm: “Nhà tôi cũng ở trong hẻm, muốn đi xe buýt phải đi xe ôm ra, trong khi còn phải đưa con đi học, muốn đi làm đúng giờ thì phải đi sớm, không lo cho con được. UBND tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng phương tiện đi làm, đối với bản thân tôi, chắc là không đủ, vì thế gia đình lại phải tốn thêm một khoản nữa trong khi đồng lương công chức thấp”.

Những lo lắng như thế phản ánh tâm trạng chung của CBCC-VC ở BR-VT hiện nay chung quanh việc đi làm bằng xe buýt. Một ví dụ thường được nhiều người đưa ra để đối chứng là tuyến xe buýt số 9 của HTX Tân Thiên Phú chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại của học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn thôi nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Mỗi chuyến đi học hay trở về nhà trở thành nỗi ám ảnh của các em.

* Xe máy hay xe buýt?

Trước những băn khoăn của đa số CBCC-VC, lãnh đạo Sở GTVT BR-VT hứa hẹn: Trong thời gian tới, Sở sẽ tổng hợp, theo dõi nhu cầu đi lại của nhân dân, CBCC-VC để kịp thời có sự điều chỉnh phương án chạy xe cho phù hợp; khảo sát, nghiên cứu nhu cầu thị trường vận chuyển hành khách bằng xe buýt để có kế hoạch phát triển cả về số lượng và chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và CBCC-VC.

Ông Nguyễn Thượng Chí - Phó giám đốc Sở này nói thêm: Về số lượng đầu xe, nếu doanh nghiệp không mua thêm thì mình ép cũng khó. Vì đầu tư xe cần vốn lớn nhưng thu hồi rất lâu, vả lại cán bộ công chức cũng chỉ đi về 1 ngày 2 lượt, còn giờ thấp điểm, chạy xe trống thì doanh nghiệp chắc chắn lỗ... Tuy nhiên, vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là yêu cầu mà chúng tôi đã đặt ra và tham mưu cho các cấp lãnh đạo. Sắp tới, sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vận chuyển khách bằng xe buýt như công trình phục vụ cho điểm đầu, điểm cuối tuyến, các điểm dừng đón trả khách sẽ được sửa chữa khang trang hơn”.

Nhiều cán bộ ở BR-VT đã kiến nghị rằng, để tránh xảy ra tình trạng quá tải đột ngột, ảnh hưởng đến công việc của các cơ quan cấp tỉnh trong giai đoạn đầu mới chuyển qua TX. Bà Rịa làm việc, Sở GTVT cũng như các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt cần có kế hoạch tiếp tục phát triển hệ thống xe buýt theo hướng nâng cao chất lượng phương tiện và phục vụ; điều chỉnh lại các lộ trình của tuyến xe buýt sao cho phù hợp với nhu cầu đi lại của đại bộ phận người dân nói chung và CBCC-VC nói riêng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian đầu đi làm tại TX.Bà Rịa , đa số CBCC-VC tỉnh này sẽ chủ động chọn phương tiện chủ yếu vẫn là xe gắn máy để tránh việc phiền hà vì chất lượng xe buýt, vả lại, tuyến đường này cũng không quá xa (trên dưới 20km) và đường khá thông thoáng.

Đức Doanh

 

 

Tin xem nhiều