Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và quản trị doanh nghiệp, vừa xuất bản cuốn sách Kế toán quản trị giản lược, một cuốn sách được xem là “cẩm nang thực hành” cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình về cuốn sách này.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình. |
Giúp kế toán quản trị dễ dàng hơn
Điều gì đã thôi thúc ông viết cuốn sách Kế toán quản trị giản lược?
- Cuốn sách Kế toán quản trị đã trải qua nhiều lần xuất bản và tái bản. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã có những thay đổi sâu sắc, đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của thời đại công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ những tiến bộ này, việc tiếp cận và tham khảo các vấn đề lý thuyết trong lĩnh vực kế toán quản trị trở nên dễ dàng hơn.
Trong bối cảnh đó, phiên bản “giản lược” của cuốn sách Kế toán quản trị được ra đời với một mục tiêu rõ ràng là cô đọng tối đa, tối giản hóa các nội dung lý thuyết mang tính nền tảng cho người đọc. Trọng tâm chính của phiên bản này sẽ được chuyển dịch sang tập trung sâu vào việc giải quyết những bài toán và tình huống sản xuất kinh doanh cụ thể, thiết thực và thường xuyên phát sinh trong hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Với cách tiếp cận này, cuốn sách “giản lược” mong muốn trở thành một công cụ hữu ích, mang tính ứng dụng cao, giúp người đọc nhanh chóng nắm bắt được bản chất vấn đề và áp dụng kiến thức kế toán quản trị vào việc đưa ra các quyết định kinh doanh hiệu quả.
Thông điệp chính nào mà ông muốn truyền tải đến độc giả thông qua cuốn sách này?
- Như tôi đã chia sẻ, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, vai trò của bộ phận IT trở nên vô cùng quan trọng, công việc ghi chép, xử lý, tính toán đều do IT thực hiện. Trước đây, Excel từng là công cụ không thể thiếu để thực hiện những tác vụ này. Nay thì AI đã cho phép tự động hóa nhiều quy trình phức tạp hơn, từ phân tích dữ liệu quy mô lớn đến báo cáo chuyên sâu.
Mặc dù AI có khả năng xử lý thông tin và thực hiện các phép tính với tốc độ và độ chính xác vượt trội, nhưng công nghệ thì vẫn tồn tại những giới hạn. Việc đọc hiểu sâu sắc bản chất của thông tin, dữ liệu rồi đưa ra các quyết định quản trị thông minh và phù hợp lại là con người. Bao gồm kinh nghiệm thực tế, kiến thức chuyên môn sâu rộng về ngành, khả năng phán đoán dựa trên trực giác, sự thấu hiểu về các yếu tố phi kỹ thuật như văn hóa doanh nghiệp, động lực của nhân viên, và bối cảnh thị trường phức tạp.
Cuốn sách có sự khác biệt như thế nào so với những cuốn sách kế toán quản trị khác trên thị trường?
- Nội dung cuốn sách được xây dựng dựa trên nguyên tắc hướng đến hành động, tập trung vào việc cung cấp các giải pháp ứng dụng trực tiếp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thay vì những phân tích trừu tượng, cuốn sách mang đến những khuôn mẫu cụ thể, có thể dễ dàng áp dụng cho từng tình huống và vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Với cấu trúc này, cuốn sách không khác gì một “cẩm nang thực hành” hay một “chuyên gia tư vấn bỏ túi”.
Ông đã áp dụng phương pháp tiếp cận nào khi viết cuốn sách này?
- Cuốn sách được xây dựng theo một cấu trúc cơ bản, bao gồm phần tóm tắt lý thuyết cô đọng, cung cấp nền tảng kiến thức cần thiết cho người đọc. Điểm nổi bật là sự kết hợp chặt chẽ với những ví dụ minh họa bằng số liệu cụ thể, giúp người đọc dễ dàng hình dung và nắm bắt cách áp dụng lý thuyết vào thực tế. Mặc dù vậy, cuốn sách chưa đi sâu vào đặc thù của từng ngành nghề cụ thể. Thay vào đó, phạm vi ứng dụng được giữ ở mức tổng quát trong lĩnh vực kinh doanh, bao trùm các hoạt động sản xuất, dịch vụ và thương mại. Cách tiếp cận này nhằm đảm bảo tính đa dụng và dễ tiếp cận cho một lượng lớn độc giả thuộc nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, tạo nền tảng vững chắc trước khi có thể đi vào chi tiết chuyên sâu hơn.
Có những thách thức nào trong quá trình nghiên cứu và thực hiện cuốn sách này không, thưa ông?
- Mặc dù cuốn sách đã cung cấp một cái nhìn tổng quan và các công cụ hữu ích trong nhiều khía cạnh của kế toán quản trị, tuy nhiên, tác giả nhận thức rõ rằng vẫn còn một số lĩnh vực chuyên sâu chưa được đề cập một cách đầy đủ trong lần xuất bản này. Một ví dụ điển hình là quy trình ra quyết định đầu tư, một mảng nghiệp vụ phức tạp và quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của doanh nghiệp. Tác giả tin rằng, thông qua sự tiếp nhận nhiệt tình, những phản hồi mang tính xây dựng từ bạn đọc sẽ là nguồn động lực to lớn để tiếp tục hoàn thiện nội dung trong các lần tái bản tiếp theo.
![]() |
Nâng cao kỹ năng để tham gia hội nhập sâu
Theo ông, những xu hướng nào sẽ định hình kế toán quản trị trong tương lai?
- Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải đối mặt với những cơ hội mở rộng thị trường mà còn chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực và trên thế giới. Chính môi trường kinh doanh đầy thách thức này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về vai trò chiến lược của kế toán quản trị. Để tồn tại và phát triển bền vững cần có những thông tin quản trị chính xác, kịp thời và toàn diện. Điều này thúc đẩy nhu cầu nâng cao kỹ năng. Kế toán quản trị ngày càng phát triển, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu quản lý của doanh nghiệp, đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của kế toán quản trị đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là những bạn trẻ mới khởi nghiệp?
- Hầu hết, khi nói đến kế toán, người ta nghĩ đến kế toán tài chính. Nhiều nhà quản lý/nhà khởi nghiệp trẻ chưa phân biệt được sự khác nhau giữa Kế toán tài chính và kế toán quản trị. Cụ thể, kế toán tài chính (financial accounting) là “kế toán tuân thủ” để báo cáo và công bố rộng rãi ra bên ngoài cho mọi đối tượng; về hình thức là tổng quát. Trong khi đó, kế toán quản trị (management accounting) là “kế toán nội bộ” không yêu cầu công bố và để phục vụ cho các quyết định quản trị hiệu quả; về hình thức là rất chi tiết. Quyết định khởi nghiệp dựa trên sự phân tích theo kế toán quản trị (đầu tư, điểm hòa vốn, tổ chức sản xuất kinh doanh, cơ cấu chi phí phù hợp tránh rủi ro…).
Kế toán quản trị đóng vai trò rất quan trọng trong quản trị doanh nghiệp, đặc biệt trong việc hỗ trợ ra quyết định chiến lược, kiểm soát chi phí và tối ưu hóa nguồn lực. Một số vai trò chính có thể thấy là hỗ trợ lập kế hoạch chiến lược (cung cấp các thông tin tài chính và phi tài chính để lãnh đạo xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp); Phân tích chi phí (giúp xác định, đánh giá và kiểm soát các khoản chi phí, từ đó tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên); Hỗ trợ ra quyết định (dựa trên phân tích dữ liệu, kế toán quản trị đề xuất các giải pháp để cải thiện hiệu quả kinh doanh, như lựa chọn đầu tư, định giá sản phẩm, hoặc tối ưu hóa sản xuất); Kiểm soát nội bộ (giám sát hoạt động kinh doanh và đảm bảo rằng các quy trình vận hành đúng với kế hoạch đề ra, hạn chế các rủi ro tài chính); Dự báo và lập ngân sách (xây dựng các kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn, giúp doanh nghiệp chuẩn bị đối phó với các thay đổi trong thị trường); Đánh giá hiệu quả hoạt động (thực hiện các báo cáo hiệu quả theo thời gian thực, từ đó cung cấp cái nhìn sâu sắc về tình trạng tài chính cũng như hiệu suất của các bộ phận trong doanh nghiệp).
Như vậy, kế toán quản trị không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận và báo cáo tài chính, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Vân Nam
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình còn là tác giả của ba cuốn sách: Quản trị tài chính, Kế toán tài chính, Kế toán quản trị dành cho nhà lãnh đạo, đã cho phép Công ty Luật Việt Á (thành phố Biên Hòa) tái bản gần 2.000 cuốn sách này nhân dịp Tuần sách Việt Nam 21-4. Số sách này sẽ được dành tặng cho các bạn trẻ và chủ doanh nghiệp tại
Đồng Nai.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin