Việc Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) giảm bớt các phương thức xét tuyển đại học, từ 20 xuống còn 17 phương thức trong mùa tuyển sinh năm 2025 đang nhận được sự đồng tình lớn từ dư luận xã hội.
Sở dĩ, Bộ GDĐT phải “siết” lại các phương thức xét tuyển xuất phát từ thực tế có trường sử dụng rất nhiều phương thức nhưng có những phương thức, số thí sinh trúng tuyển rất ít. Điều này gây lãng phí, mất thời gian và tạo sự bất công bằng cho các thí sinh giữa các phương thức xét tuyển. Đặc biệt, việc bỏ hẳn phương thức xét tuyển sớm được xem là phù hợp khi phương thức này cho thấy có khá nhiều bất cập thời gian qua, nhất là việc tạo tâm lý chủ quan cho thí sinh khi đã biết mình đậu đại học, lơ là trong ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Phương thức này dù được khá nhiều trường đại học ưa chuộng và là “chiêu” trong các chương trình tư vấn tuyển sinh song cho thấy hiệu quả chưa cao, nhất là việc đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh.
Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ mới đây, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) Nguyễn Anh Dũng cho biết, qua phân tích dữ liệu kết quả tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 của bộ cho thấy hơn 52% thí sinh trúng tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và hơn 27% trúng tuyển từ kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Trong khi đó, chỉ có khoảng 3,36% thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy. Do vậy, theo ông Dũng, các trường đại học nên cân nhắc tính toán để loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả trước khi lên kế hoạch tổ chức tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025.
Có thể nói, một số điểm mới trong công tác tuyển sinh đại học năm 2025 như không còn xét tuyển sớm; phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 để xét tuyển; công khai quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển; sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp để quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ trong xét tuyển; tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển… đã được Bộ GDĐT cân nhắc kỹ trước khi quyết định thay đổi. Điều này nhằm đảm bảo khách quan, công bằng cho người học; tạo ra sự bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; tạo sự cạnh tranh lành mạnh và minh bạch đối với các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, quan tâm đến năng lực đầu vào, siết chặt đầu ra.
Về lâu dài, việc loại bỏ các phương thức xét tuyển không phù hợp, hiệu quả sẽ giúp nhân lực đào tạo ra có chất lượng hơn. Đây là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực của Việt Nam phải là những công dân toàn cầu trong một thế giới phẳng…
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin