Báo Đồng Nai điện tử
Chủ nhật, 13/04/2025, 04:21 En

Chú Sáu Cao Minh - Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối

Huỳnh Văn Tới
08:33, 06/04/2025

Ngày 4-4, phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối công chiếu rộng khắp màn ảnh cả nước trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, đất nước hòa bình, thống nhất. Trong phim, khán giả cảm xúc với  diễn viên Cao Minh trong vai “chú Sáu”. “Chú Sáu” Cao Minh gợi nhớ đến con đường nghệ thuật của một nghệ sĩ tài hoa.

Tác giả cùng nghệ sĩ ưu tú Cao Minh tại đêm công diễn ra mắt phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, ngày 31-3-2025.
Tác giả cùng nghệ sĩ ưu tú Cao Minh tại đêm công diễn ra mắt phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, ngày 31-3-2025.

Từ ca sĩ tài danh

Cao Minh tên khai sinh là Nguyễn Cao Minh, sinh năm 1961 ở Long An, tuổi thơ trưởng thành ở Tây Ninh, có duyên với âm nhạc từ nhỏ, học vỡ lòng về nhạc với nghệ nhân Hai Lùn ở Trảng Bàng, vượt qua mọi khó khăn của gia đình, đến với âm nhạc bằng chiếc đàn bầu tự tạo từ máng lợn và ắc quy máy cày.

Cao Minh gặp trắc trở trong học tập phổ thông nhưng thăng hoa trong sự nghiệp ca hát. 17 tuổi tuổi đoạt giải nhất Cuộc thi Tiếng hát truyền hình tỉnh Tây Ninh, 18 tuổi tham gia Đoàn văn công Tây Ninh, sau đó được tuyển vào Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1988, ca sĩ Cao Minh đoạt giải nhất Concour quốc gia lần thứ nhất, đặc biệt là giải người hát hay nhất về Hồ Chí Minh với bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, đồng thời cũng đoạt giải người hát dân ca hay nhất.

Từ đó, Cao Minh được xem là “ca sĩ nhạc đỏ”, giọng ca vàng về Hồ Chí Minh, tiếng lòng của dân ca và nhạc tiền chiến. Giọng hát khỏe khoắn, chuẩn mực, trữ tình, giàu sáng tạo của Cao Minh đã thổi hồn vào lòng người những bài hát nổi tiếng: Bến Xuân, Đôi mắt người Sơn Tây, Hòn vọng phu, Dấu chân phía trước, Tiểu đoàn 307; đặc biệt là những bài hát về Bác Hồ. Bằng tình yêu nghệ thuật và ân tình với đồng nghiệp, năm 2023, ca sĩ Cao Minh ra mắt MV Cách xa (sáng tác của nhạc sĩ Thanh Hải) làm quà tặng đền ơn người hâm mộ. Với đam mê sáng tạo, Cao Minh luôn tìm đến cái mới trong phong cách biểu diễn cũng như sáng tạo tác phẩm mới. Anh đã từng dốc túi, dàn dựng nhạc kịch Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris (2014) làm say lòng công chúng.

Vươn đến cái mới, Cao Minh luôn tích hợp, bảo vệ tinh hoa truyền thống, cho nên ca sĩ đã dành nhiều tâm sức, thời gian cho việc truyền dạy, gieo lửa để giới trẻ đến với âm nhạc chân chính. Với mục đích này, Cao Minh còn được mệnh danh là ca sĩ không cát xê.

… đến nghệ sĩ nông dân

Thật kỳ lạ, ca sĩ Cao Minh rực rỡ cùng ánh đèn sân khấu, nhưng anh lại say mê với sương gió nông thôn. Bởi anh xuất thân từ nông dân, mang tâm hồn của nông dân giàu chất thơ nhạc. Từ năm 2000, Cao Minh tìm về xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, đầu tư xây dựng 20 hécta đất “đá lửa” thành Khu du lịch sinh thái Cao Minh. Ở đây, anh trực tiếp làm đủ thao tác của lao động nông dân: cuốc, cày, san lấp, xây dựng, bày trí… tạo nhiều “sản phẩm” độc đáo. Trông anh lam lũ đào đắp, lái máy cày, không thể nhận ra ca sĩ Cao Minh. Nhưng anh cất tiếng hát: đúng là Cao Minh. Người Đồng Nai không thể quên đêm thơ quần chúng đầu tiên ở Đồng Nai tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Cao Minh năm 2001: trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, Cao Minh chính là người thiết kế sân khấu, dàn dựng chương trình, vừa biểu diễn, vừa chỉ huy, vừa lặn mình dưới hồ tự tay kéo sân khấu nổi di động.

Từ năm 2015, Cao Minh đầu tư xây dựng thêm cơ ngơi “đảo Cao Minh” trên khu vực Hồ Trị An. Rất nhiều gian nan trắc trở, nhưng anh trì chí vượt qua, xây dựng đảo thành không gian hữu tình cho thơ nhạc. Nơi đây có nhà hát mini tự tạo, khách phương xa thú vị khi nghe tiếng hát chuyên nghiệp của Cao Minh ở nhà hát chuyên nghiệp này. Nơi đây, thu hút nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật hiếm có, tiếng hát vang lên hòa nhịp cùng sóng nước, mây trời. Nhiều văn nghệ sĩ tài danh và du khách gần xa đến đây chia sẻ cùng Cao Minh, người ta hiểu Cao Minh hơn, hiểu âm nhạc chân chính nhiều hơn.

Tác giả cùng nghệ sĩ ưu tú Cao Minh ở đảo Cao Minh, hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu, ngày 25-2-2025.

Và cũng chính từ đây, tâm hồn nghệ thuật của Cao Minh tìm về với chính mình, mồ hôi lao động chảy cùng tiếng hát trẻ trung. Những ca khúc ruột của Cao Minh được diễn đạt có hồn sông núi. Như sáng tác mới của anh Mã Đà ơi!, âm vang tiếng lòng của rừng thiêng Chiến khu Đ.

Có một điều hiếm thấy, an ủi cho Cao Minh. Trên bản đồ địa chính khu vực hồ Trị An, có một đảo mang tên người còn đang sống: “đảo Cao Minh”.

… và vai diễn “chú Sáu”

Diễn viên không phải là “nghề ruột” của Cao Minh, nhưng chất nghệ sĩ nhà nông của anh lại bén duyên với điện ảnh. Cao Minh đã từng cộng tác thành công với nhiều chương trình, show diễn liên quan đến điện ảnh. Vai diễn ấn tượng đầu đời của Cao Minh có lẽ là họa sĩ Phi trong phim Chú khỉ mồ côi của hãng phim TFS sản xuất năm 2004. Với vai diễn này, Cao Minh đã xuất sắc thể hiện một họa sĩ bộ đội với tài bắn thiện nghệ và tấm lòng nhân ái đối với rừng và muông thú. Cao Minh đã góp phần thành công lớn, đem lại giải thưởng cao trong Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2004, gây thiện cảm trong giao lưu quốc tế.

Đến bộ phim truyền hình nhiều tập Ngon nến hoàng cung do Nguyễn Quốc Hưng làm đạo diễn, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phát sóng năm 2004, Nghệ sĩ ưu tú Cao Minh vào vai Nguyễn Tường, một trí thức ưu tư, trăn trở với vận nước trong bối cảnh thời loạn và quan hệ phức tạp giữa nhiều nhân sĩ đa tính cách. Nghệ sĩ ưu tú Cao Minh cùng vai Nguyễn Tường đi vào lòng người, mãi nhớ.

Có lẽ, sự thành công trong diễn xuất của Cao Minh đã đem lại niềm tin cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau khi cân nhắc, tìm đến Cao Minh với niềm tin và lòng thành mời vào vai “Chú Sáu”. Thoạt đầu, Cao Minh e ngại vì tuổi tác, vì thời gian, vì lo lắng khối lượng công việc nặng nhọc… nên có ý từ chối. Nhưng đề tài, nội dung kịch bản ấp ủ 10 năm và tâm huyết của đạo diễn đã thuyết phục. Cao Minh thu xếp việc ở đảo, tham gia vào các công đoạn dài hơi của bộ phim giàu ý nghĩa. Đọc kịch bản, Cao Minh thấm thía, hóa thân vào nhân vật mang hình ảnh của một cán bộ cách mạng trung kiên, anh dũng mà tuổi thơ đã ngưỡng vọng. Làm việc với ê kip chuyên nghiệp, quyết tâm cao, kỹ thuật cao, nghệ sĩ ưu tú Cao Minh vừa thể hiện hết năng lực của mình, vừa học được nhiều điều về lao động nghệ thuật để có tác phẩm làm hài lòng công chúng.

Trong phim, chú Sáu xuất hiện không nhiều, với hình tượng của một cán bộ gốc nông dân thuần hậu, lạc quan, vui tính, nhân văn, điểm tựa tinh thần của du kích địa đạo. Sự sống và cái chết của chú Sáu khơi dậy giá trị lịch sử cách mạng của địa đạo Củ Chi, mở ra cách nhìn mới về lịch sử, văn hóa và tác phẩm nghệ thuật điện ảnh; cũng là khẳng định con đường đóng góp của nghệ sĩ, diễn viên bằng tình yêu, tâm huyết và sự kiên trì.

 

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều