Thời gian qua, việc triển khai các tiện ích, ứng dụng về xã hội số, công dân số đang được Đồng Nai quan tâm. Tỉnh chủ động cải thiện, nâng cao các chỉ tiêu về phát triển xã hội số, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) và các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, du lịch, y tế, lao động, việc làm…
![]() |
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Vietcombank Đồng Nai ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, trong đó có nhiều tiện ích về thanh toán trực tuyến, phát triển dịch vụ y tế số. Ảnh: H.Hà |
Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tiện ích liên quan đến phát triển xã hội số, công dân số theo hướng hiện đại, thuận tiện, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng để làm “cầu nối” giữa người dân và chính quyền địa phương về tuyên truyền, triển khai các hoạt động chuyển đổi số nói chung và xã hội số nói riêng.
Chú trọng nâng cao nhận thức người dân
Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023 được công bố vào tháng 2-2025, đối với trụ cột xã hội số, Đồng Nai có điểm số đứng thứ 31 trên cả nước.
Trong các chỉ số thành phần chính, Đồng Nai nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng nhận thức số, đứng thứ 7 về xếp hạng nhân lực số và đứng thứ 10 cả nước về hoạt động xã hội số…
Hạ tầng về xã hội số của tỉnh thời gian qua được triển khai thực hiện đến cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả kết nối, phát triển các nền tảng, ứng dụng về xã hội số trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3,5 ngàn trạm thu phát sóng thông tin di động 3G/4G/5G, phủ sóng đến 100% khu dân cư, khu phố của các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, hạ tầng internet băng thông rộng được phủ tới 100% cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Phó giám đốc Khối Chăm sóc sức khỏe Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) NGUYỄN DUY HIỀN chia sẻ, tại Đồng Nai, chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp về công nghệ dành cho bệnh viện để ứng dụng các giải pháp thanh toán số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Sắp tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng các tiện ích số về chăm sóc sức khỏe; kết nối, cung cấp giải pháp liên quan đến bệnh án điện tử, y tế thông minh… tại địa phương. |
Bên cạnh đó, với sự tác động tích cực từ các hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên am hiểu về công nghệ đã giúp người dân trong tỉnh đã tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số. Các tổ này được xem là những “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn, tuyên truyền đến người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và tương tác với chính quyền qua nền tảng số.
Mới đây, Tỉnh đoàn đã phát động phong trào Bình dân học vụ số trong các cấp bộ Đoàn trên nền tảng của hơn 800 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập từ năm 2024. Hiện toàn tỉnh đã thành lập 240 đội hình Bình dân học vụ số, gồm 11 đội hình cấp huyện và 229 đội hình cấp cơ sở.
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên nhấn mạnh: “Tháng Thanh Niên năm nay, chúng tôi xem Phong trào Bình dân học vụ số là một trong những phong trào quan trọng nhất. Bởi chỉ khi nắm bắt được yêu cầu cơ bản của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tổ chức Đoàn mới có thể kịp thời thích nghi và vận hành với một xung lực mới, đảm bảo được sứ mệnh thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đoàn trong giai đoạn mới”.
Thúc đẩy các giải pháp số
Đồng Nai ngày càng quan tâm, chú trọng đến phát triển các tiện ích về xã hội số, nhất là các giải pháp số về y tế, giáo dục, cải cách hành chính…
Vào tháng 2-2025, UBND thành phố Biên Hòa đã triển khai thí điểm ki-ốt dịch vụ công tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Biên Hòa và UBND phường Tân Phong. Ki-ốt này mang lại nhiều tiện ích liên quan đến giải quyết các loại thủ tục hành chính. Người dân có thể tra cứu thông tin, tra cứu hồ sơ, nộp hồ sơ trực tuyến một cách thuận tiện.
![]() |
Mô hình ki-ốt dịch vụ công được VNPT Đồng Nai phối hợp địa phương triển khai thí điểm tại thành phố Biên Hòa. |
Đối với lĩnh vực giáo dục, trong năm 2024, các sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan đã thí điểm hệ thống lớp học số của Google tại một số trường học trên địa bàn thành phố Biên Hòa và Long Khánh. Việc ứng dụng lớp học số giúp nâng cao kỹ năng học tập và giảng dạy, tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, cũng như giữa học sinh với nhau…
Đối với lĩnh vực y tế, thời gian qua, các bệnh viện lớn trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị về công nghệ, các ngân hàng lớn triển khai nhiều dịch vụ về thanh toán số, ki-ốt y tế số. Đồng thời, thường xuyên nâng cấp, mở rộng các tiện ích liên quan đến y tế số.
Vào tháng 3-2025, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lần lượt ký kết các thỏa thuận hợp tác toàn diện với các chi nhánh của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên địa bàn tỉnh gồm: Vietcombank Đông Đồng Nai và Vietcombank Đồng Nai, trong đó có các hợp tác liên quan đến thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn chia sẻ, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Vietcombank Đông Đồng Nai sẽ là “giao diện” mới về tài chính, thúc đẩy các dịch vụ y tế thông minh. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, sự kết nối giữa tài chính và y tế không chỉ giúp tối ưu dịch vụ mà còn mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và bệnh nhân, hướng tới mục tiêu phục vụ cộng đồng ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả.
Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đồng Nai Phạm Thành Vinh bày tỏ, trong khuôn khổ hợp tác, Vietcombank Đồng Nai được Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chọn làm đối tác cung cấp dịch vụ kết nối chức năng thanh toán trực tuyến thông qua hình thức mã QR động và tích hợp thanh toán qua máy POS. Dịch vụ này có nhiều tiện ích như: tự động hóa quy trình thanh toán; nâng cao hiệu quả vận hành của bệnh viện, tối ưu hóa công tác thu phí, quản lý dòng tiền theo thời gian thực; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
Hải Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin