Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 2, 06/01/2025, 06:35 En

Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững

Lam Phương
09:39, 21/12/2024

Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh triển khai, hỗ trợ nhiều mô hình phát triển nông nghiệp đô thị. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm của cơ sở Phúc Bảo - chuyên sản xuất, kinh doanh trà Phú Hội ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Lam Phương
Khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm của cơ sở Phúc Bảo - chuyên sản xuất, kinh doanh trà Phú Hội ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Lam Phương

 

Mục tiêu của đề án này là đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ…

Áp dụng, triển khai nhiều mô hình nông nghiệp đô thị

Vào giữa tháng 12-2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đồng Nai, Sở Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Đồng Nai tổ chức hội thảo Ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ phục vụ phát triển đô thị trong chuyển đổi số tại tỉnh Đồng Nai.

Một trong những vấn đề được quan tâm, trình bày tham luận đó là việc phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tại hội thảo, bà Ngô Thị Thùy Phương (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai) đã trình bày tham luận Triển khai xây dựng mô hình và ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Phương, Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các huyện, thành phố thuộc vùng đô thị Tây Nam đã đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ. Cụ thể là thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và một phần của huyện Vĩnh Cửu.

Đây là những địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch với định hướng mục tiêu cụ thể là thu hút các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông nghiệp… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, đề án cũng đã xác định nông nghiệp đô thị sẽ hỗ trợ và làm hậu cần cho phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp.

 

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên

 

Thực tế qua 4 năm triển khai đề án này, các địa phương và các ngành đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng mô hình, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị của tỉnh nói chung. Các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phát triển chuỗi sản xuất rau, nấm, sinh vật cảnh, xây dựng phương án liên kết tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất...

Đơn cử, huyện Thống Nhất đã triển khai hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau các loại của hợp tác xã rau sạch Tân Yên, xã Gia Tân 3. Huyện Vĩnh Cửu phát triển mô hình sản xuất rau thuỷ canh tại hợp tác xã nông nghiệp, thương mại dịch vụ Vĩnh Tâm. Tại thành phố Biên Hòa, triển khai Dự án khoa học công nghệ cấp cơ sở Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau ăn lá theo phương pháp thủy canh phục vụ nông nghiệp đô thị. Các chuỗi sản xuất và tiêu thụ nấm của Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng trên tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất…

 

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, một trong những vấn đề về thúc đẩy đô thị phát triển bền vững nói chung và triển khai các mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả nói riêng đó là việc hướng tới phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo… gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số.

 

Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Theo bà Ngô Thị Thùy Phương, nông nghiệp đô thị luôn xác định một trong những giải pháp quan trọng phát triển nông nghiệp của vùng đô thị chính là tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp đô thị được quy hoạch hợp lý, có thể tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, huyện NhơnTrạch) Nguyễn Thị Bích Lệ chia sẻ, với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ cho cây sen, thời gian qua, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp khu nhà xưởng, hệ thống máy móc, thiết bị để nâng cao giá trị sản phẩm, tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Đồng thời, hợp tác xã còn đầu tư đổi mới mẫu logo, bao bì để xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung được quan tâm nhất của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung và phát triển nông nghiệp đô thị nói riêng, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Song song với đó, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nhiều ngành sản xuất vẫn còn hiện hữu, cũng như tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh…

Trong giai đoạn tới, Đồng Nai chủ động định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

PGS-TS Phạm Thị Vượng, Phó chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, Đồng Nai có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Để thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế bền vững, địa phương cần hướng tới các mô hình, quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao, đảm bảo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi.

Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương liên quan trong tỉnh cần cùng nhau  chọn hướng đi, mô hình về phát triển nông nghiệp bền vững, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ về công nghệ, vốn cho người nông dân để lan tỏa, thay đổi dần nhận thức về phát triển nông nghiệp sạch, xanh, bền vững, cũng như thu hút, kết nối các doanh nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn đến đầu tư, triển khai các mô hình trên địa bàn một các hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng của thị trường… .

Lam Phương

 

 

Tin xem nhiều