Thành công với những nỗ lực không ngừng của mình, doanh nhân Đặng Văn Thành cũng rất quan tâm đến việc chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trẻ nhằm quản trị doanh nghiệp thành công. Trong hội nghị Triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn Đồng Nai năm 2024 vào ngày 26-11, doanh nhân Đặng Văn Thành đã có những chia sẻ tâm huyết đến với cộng đồng doanh nghiệp Đồng Nai.
Doanh nhân Đặng Văn Thành. Ảnh:Đ.Lê |
Hạnh phúc nếu đưa được nghệ thuật vào công tác lãnh đạo
Để quản trị và điều hành tốt doanh nghiệp, doanh nhân cần chuẩn bị cho mình tâm thế gì, thưa ông?
- Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở có sự hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong nền kinh tế thị trường việc quản trị doanh nghiệp là hết sức quan trọng, nếu hiểu về vấn đề này thì có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Trong quản trị, điều hành doanh nghiệp thì cần “điều hành bằng trí óc và dẫn dắt bằng con tim”. Cần tạo ra sự cạnh tranh bởi nếu không cạnh tranh thì không bao giờ phát triển, không có thi đua thì không bao giờ tiến bộ và không có hướng dẫn thì không bao giờ làm tốt được. Là doanh nhân thì phải xây dựng những giá trị cốt lõi của mình, coi đó là mệnh lệnh, chức trách suốt đời theo đuổi. Các giá trị ấy có thể là kể đến như phải tạo giá trị gia tăng cho xã hội, khách hàng, cán bộ nhân viên, nhà đầu tư, ngân sách...
Tập đoàn Thành Thành Công hiện kinh doanh 6 ngành và có hơn 120 đơn vị trực thuộc tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore và Úc. Không chỉ nỗ lực mang lại hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các lĩnh vực, Thành Thành Công luôn muốn tạo ra giá trị gia tăng cho tất cả các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị của tập đoàn và làm tròn trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Các hoạt động của tập đoàn đều hướng đến việc đáp ứng các tiêu chí “xanh” hữu hình theo xu hướng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp và thương hiệu Việt.
Các vấn đề ông nói trên là điều mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn, song để làm được không phải đơn giản. Từ kinh nghiệm bản thân, ông cho rằng doanh nghiệp cần đặt ra những quy tắc nào?
- Có 10 quy tắc mà doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý. Cụ thể: Định hướng chiến lược và hoạch định mục tiêu; Tự tin, quyết đoán và nhất quán trong các quyết định; Nhận biết khẩu vị và quản lý rủi ro; Phát huy khả năng làm việc nhóm; Phân công đúng người, đúng việc; Phát huy vai trò lãnh đạo cấp trung gian; Trân trọng những ý kiến đóng góp; Tạo chính sách và môi trường làm việc tốt; Tự hoàn thiện bản thân; Chọn một môn thể thao, thể dục thích hợp. Trong những vấn đề nêu trên thì để thực hiện được 9 quy tắc trước đó, người doanh nhân phải có sức khỏe và việc lựa chọn thể thao phù hợp với bản thân là điều rất nên làm.
Con người là tài sản quý của doanh nghiệp và đào tạo ra được những người giỏi để phụ tá cho mình là câu chuyện đặc biệt quan trọng, với ông, điều đó được thực hiện ra sao?
- Xã hội có phát triển hay công nghệ thay đổi thì con người vẫn giữ vị trí trung tâm. Máy móc chỉ là công cụ tiện ích, con người không thông thì không làm được gì. Điều quan trọng nhất của người lãnh đạo là giữ được những người giỏi ở bên mình. Con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp nhưng họ không phải sở hữu của chúng ta. Do đó, phải có chính sách, chế độ tốt thì người lao động mới đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp. Người quản lý cần phải phân biệt rõ khái niệm hiền tài và nhân tài để từ đó xây dựng các chính sách khác nhau và phải phù hợp.
Ngoài những người đã có tố chất thiên bẩm thì chúng ta cũng có rất nhiều cách để phát hiện, đào tạo, quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển. Doanh nghiệp phải có định hướng chiến lược để khơi gợi lý tưởng. Vì sống thiếu lý tưởng giống như nấu nồi canh không nêm nếm sẽ nhạt nhẽo lắm, nhân viên sẽ làm việc giống như robot. Ngay bản thân người lãnh đạo cũng phải thường xuyên tự hoàn thiện mình. Rất khó, phải trau chuốt, chịu đựng, phải thiệt thòi, chia sẻ, đồng cảm mới đánh thức được tiềm năng và khát vọng của nhân viên. Phải nghiêm khắc với chính mình về kỷ cương và đạo đức và thật sự hạnh phúc nếu chúng ta đưa được nghệ thuật vào công tác lãnh đạo của mình.
Kinh tế vĩ mô tốt tạo triển vọng cho năm 2025
Ông đánh giá thế nào về cơ hội của khởi nghiệp trẻ, doanh nhân thế hệ ngày nay?
- Thật sự mà nói thì thế hệ doanh nhân thời chúng tôi có những thuận lợi nhất định. Nhưng thế hệ doanh nhân bây giờ cũng có những lợi thế của mình. Với thế hệ trẻ, họ được đào tạo, tiếp cận nền giáo dục từ các nước phát triển và có sức bật tốt. Các bạn trẻ sau này được đào tạo bài bản hơn, có điều kiện tiếp cận nền giáo dục của các nước phát triển. Tuy nhiên, kiến thức có, nhưng thế hệ trẻ vẫn thiếu kinh nghiệm thực chiến và chúng tôi, những người đã trải qua thăng trầm có thể hỗ trợ các bạn những kinh nghiệm mà mình tích lũy được.
Doanh nhân Đặng Văn Thành nhấn mạnh, không có việc lớn hay việc nhỏ, chỉ có làm tốt hay không tốt. Nếu nghĩ mình còn nhỏ, còn non mà tự ti, khúm núm thì không thể làm. Đừng nghĩ nhỏ mà sợ. Hãy bắt đầu từ vị trí thấp nhất, công việc nhỏ nhất, cái gì cũng phải đi từng bước.
Theo ông, doanh nghiệp cần chú ý vấn đề gì trong quá trình hội nhập?
- Theo tôi nhà nước đã dành rất nhiều thời gian để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật không những phù hợp mà còn tương thích với quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Nói tới kinh tế thì nói tới đội ngũ doanh nhân bởi họ là người vận hành nền kinh tế này. Nếu bảo họ có thiếu gì hay không theo tôi những sự chuẩn bị ấy cũng đã cơ bản rồi. Vấn đề ở đây là kinh nghiệm và sự tự tin trong điều hành doanh nghiệp, như tôi đã chia sẻ, ngoài những kiến thức của thế hệ doanh nhân trẻ, hiện hữu thì những kinh nghiệm từ người đi trước cũng sẽ giúp ích rất nhiều.
Công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò như thế nào với doanh nghiệp trong tương lai?
- Nói tới công nghệ thì dường như nằm trong tâm mình rồi, như cơm ăn, nước uống hàng ngày, không phải bàn nhiều nữa. Vấn đề là đầu tư như thế nào và khi nào thì đầu tư. Hiện chúng ta đang trong kỷ nguyên số nên việc quản trị, vận hành doanh nghiệp mà không có công nghệ số, chuyển đổi số một cách kịp thời, phù hợp thì cũng sẽ không thuận lợi. Thế hệ doanh nhân ngày nay có chiến lược rõ ràng thông qua chuyển đổi số là điều tất yếu; không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả bản thân từng cá nhân cũng phải chuyển đổi cho phù hợp.
Năm 2024 sắp kết thúc, bên cạnh cơ hội thì một năm qua kinh tế cũng có nhiều khó khăn, với cảm quan của mình, ông có dự báo ra sao trong năm tới?
- Thực ra nói đến kinh tế là nói đến các mảnh ghép, nếu đa phần mảnh ghép khó khăn thì sẽ khó khăn. Năm 2024, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và trở thành một nền kinh tế có mức tăng trưởng cao so với thế giới. Đây là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Theo tôi, thời gian qua, Chính phủ cũng đã quản lý tốt và đạt được các chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan. Trong đó, GDP của năm nay dự tính sẽ tăng khoảng 7%. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên dư địa tăng trưởng vẫn còn, đặc biệt là trong việc khuyến khích, thúc đẩy đầu tư công để kéo các lĩnh vực khác cùng phát triển. Còn gần 1 tháng nữa là kết thúc năm 2024, tôi cho rằng những kết quả đạt được trong năm nay sẽ là nền tảng tốt để chúng ta bước vào năm 2025 tăng tốc và bứt phá.
Xin cảm ơn ông!
Đào Lê (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin