Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều trị bệnh vảy nến ra sao?  ​​​​​​​

Hạnh Dung
09:50, 28/12/2024

Vảy nến là bệnh mạn tính về da, hiện chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn.

Chuyên gia thăm khám cho bệnh nhân bị bệnh vảy nến nặng tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Chuyên gia thăm khám cho bệnh nhân bị bệnh vảy nến nặng tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Bệnh vảy nến thường không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng hay tái phát, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là vấn đề tâm lý và thẩm mỹ.

Tự ti khi giao tiếp

Ông Đ.H.S. (61 tuổi, ngụ phường Suối Tre, thành phố Long Khánh) phát hiện bị bệnh vảy nến từ cuối năm 2016. Ông S. cho biết, ban đầu chỉ có một vài vảy nhỏ, đỏ ở trên đỉnh đầu. Ông đi khám và điều trị tại một bệnh viện ở địa phương nhưng bệnh không thuyên giảm.

Đến năm 2018, ông S. chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai nhưng do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên ông lại bỏ điều trị giữa chừng. Ông chuyển sang lấy thuốc nam của một phòng khám đông y để sắc uống. Thời gian đầu uống thuốc nam, bệnh có giảm nhưng sau đó bệnh ngày càng nặng, các vảy lan dần từ đầu xuống đến khắp cơ thể rồi lan xuống chân.

Cách đây hơn 1 tháng, ông S. thấy đau khớp, 2 chân sưng to đi không được, tay cũng không nhấc được nên được chuyển đến Bệnh viện Da liễu Đồng Nai để điều trị. Tại bệnh viện, ông được bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị của bệnh vảy nến. Đến nay, sau hơn 1 tháng điều trị, tình trạng bệnh của ông S. đã giảm 90%. Da ông S. không còn đỏ au và nổi vảy rõ như những ngày đầu, tình trạng đau khớp cũng thuyên giảm, ông có thể đi lại, vận động tốt.

Còn bệnh nhân Đ.Đ.C. (ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) phát hiện bị bệnh vảy nến cách đây 13 năm. Cũng giống ông S., ban đầu anh C. chỉ có vài vảy đỏ trên đỉnh đầu. Anh đi khám được bác sĩ cho biết bị nấm, lấy thuốc về bôi nhưng không khỏi mà vảy lan xuống toàn thân.

Được khám bệnh bởi các chuyên gia của Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, anh C. chia sẻ, căn bệnh khiến anh cảm thấy mặc cảm, thiếu tự tin khi đi ra đường.

“Nhiều khi bệnh phát nặng ở thể mủ gây đau. Còn không thì khắp cơ thể đỏ au như con gà chọi. Sau hơn 3 tháng điều trị tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, tôi thấy bệnh đã bớt nhiều” - anh C. nói.

Bệnh phải điều trị suốt đời

PGS-TS-BS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết cả 2 bệnh nhân nói trên bị bệnh vảy nến ở thể vừa và thể nặng, thời gian điều trị kéo dài, đã trải qua nhiều phương pháp điều trị. Qua hội chẩn, các chuyên gia đã đưa ra phác đồ để các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Đồng Nai điều chỉnh nhằm quản lý người bệnh tốt hơn, giúp người bệnh, nhất là những bệnh nhân trẻ, được quyền quyết định phương pháp điều trị, trong đó có phương pháp thuốc tiêm sinh học. Mục tiêu nhằm giúp người bệnh nhanh chóng trở về với cuộc sống bình thường, sạch hết tổn thương da.

Khách hàng được chăm sóc da bằng các phương pháp tiên tiến tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Khách hàng được chăm sóc da bằng các phương pháp tiên tiến tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Theo bác sĩ Lê Hữu Doanh, hiện nay, chưa vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến. Song có 3 yếu tố gây vảy nến là môi trường (chấn thương da, stress tinh thần, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức, các tác động của phẫu thuật, sử dụng một số loại thuốc, nhiễm trùng da), di truyền và sự miễn dịch của từng cá thể.

Bệnh vảy nến không đơn thuần chỉ là bệnh lý về da mà là bệnh lý viêm hệ thống mạn tính, viêm toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Nhiều bệnh nhân vảy nến nặng có thể bị sưng đau khớp, tổn thương móng, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, nguy cơ bị đái tháo đường cao, rối loạn tâm thần vì lo lắng, stress kéo dài. Bệnh có rất nhiều thể khác nhau và mỗi loại có triệu chứng đặc trưng. Trong đó, thường gặp nhất là thể mảng hay còn gọi là vảy nến mảng. Một người bệnh có thể mắc một hoặc nhiều thể bệnh cùng lúc hoặc ở những thời điểm khác nhau.

Biểu hiện rõ nhất của bệnh vảy nến là những dát đỏ. Trên dát phủ vảy da dễ bong, sờ mềm, không đau. Vị trí tổn thương thường ở chỗ tỳ đè, vùng hay bị cọ xát nhiều như khuỷu tay, đầu gối, chỗ bị tổn thương hay vết bỏng, sẹo, vết cào gãi.

Kích thước thương tổn vảy nến thường khác nhau. Đôi khi chỉ là những vảy vài mm đến những mảng lớn hợp lại to vài chục cm. Trên các thương tổn thường có triệu chứng ngứa, nếu không điều trị, triệu chứng này có thể nặng hơn. Đôi khi người bệnh còn cảm thấy châm chích, bỏng rát hoặc đau và căng da.

Bên cạnh 3 yếu tố về di truyền, môi trường, miễn dịch, những yếu tố khác cũng có tác động đến bệnh vảy nến như người hay bị stress, tổn thương da, bị côn trùng đốt, uống rượu bia, hút thuốc lá, bị nhiễm trùng viêm họng, viêm tai, viêm phế quản…

“Qua thăm khám cho các bệnh nhân, chúng tôi khuyến cáo các bệnh nhân không nên uống bia rượu, bỏ thuốc lá, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Bệnh vảy nến phải điều trị suốt đời chứ không thể chữa khỏi, Vì thế, các bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý để sống chung với bệnh, không nên quá lo lắng, stress” - bác sĩ Doanh chia sẻ.

Hiện có nhiều phương pháp tiên tiến để điều trị bệnh vảy nến. Từ các loại thuốc bôi da đến liệu pháp về ánh sáng, thuốc tiêm sinh học, giúp người bệnh thể vừa, thể nặng có thể trở về thể nhẹ, trong đó, thuốc tiêm sinh học là liệu pháp điều trị bệnh vảy nến tiên tiến, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.Từ năm 2022 đến nay, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai đã tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 5,2 ngàn bệnh nhân bị bệnh vảy nến. Kết quả điều trị của các bệnh nhân đều tốt.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều