Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý vi phạm chiếm dụng vỉa hè, lòng đường: Cần giải pháp khả thi hơn

Gia An
14:50, 30/11/2024

Những tháng cận Tết Nguyên đán chính là thời điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại thành phố Biên Hòa tái diễn nhiều hơn. Không chỉ ở các con đường lớn mà ở các khu dân cư, vỉa hè cũng bị nhiều gia đình chiếm dụng để cơi nới không gian riêng, để chậu cây cảnh, xây bậc tam cấp…

Quán cà phê cho để xe máy lấn chiếm vỉa hè trên đường Trần Minh Trí (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu
Quán cà phê cho để xe máy lấn chiếm vỉa hè trên đường Trần Minh Trí (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

Dù chính quyền các địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể đã vận động, tuyên truyền, tổ chức thu gom phương tiện, xử lý người vi phạm nhưng vẫn không giữ được vỉa hè thông thoáng lâu dài. Điều này cho thấy đã đến lúc thành phố cần tìm các giải pháp khả thi hơn.

“Biến” không gian chung thành riêng

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè để bày biện hàng hóa; đặt bàn, ghế, xe hàng; tập kết vật liệu xây dựng; họp chợ… diễn ra khá phổ biến ở thành phố Biên Hòa. Nhiều đoạn vỉa hè trên các con đường lớn, nhỏ trong thành phố như: Phạm Văn Thuận, Trương Định, Phan Trung (phường Tân Mai), Trần Minh Trí, Phan Đình Phùng (phường Quang Vinh), Trần Văn Xã (phường Trảng Dài)… bị chiếm dụng gần hết không còn chỗ cho người đi bộ.

Tại các tuyến đường xung quanh khu vực chợ Biên Hòa, không chỉ vỉa hè mà lòng đường cũng được tận dụng làm nơi để bày hàng hóa, nhất là vào buổi sáng hợp chợ, các xe hàng rong, xe đẩy hàng lưu động nhộn nhịp cản trở lối đi.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng đối với cá nhân, từ 200-400 ngàn đồng đối với tổ chức. Đối với hành vi lấn sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (đối với cá nhân), từ 4-6 triệu đồng (đối với tổ chức).

Thường xuyên đi làm ngang đường Nguyễn Văn Trị (gần chợ Biên Hòa), bà Nguyễn Thanh Thảo (ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) cho biết, hôm nào đi xe ô tô là rất vất vả khi di chuyển trên đường Nguyễn Văn Trị, đoạn qua chợ Biên Hòa, do các xe bán hàng rau củ, trái cây đậu chiếm hết lòng đường. “Con đường này lực lượng chức năng thỉnh thoảng hay ra quân thu gom phương tiện, xử lý người buôn bán trên vỉa hè, lòng đường nhưng kết quả không duy trì được lâu. Chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là tình trạng chiếm dụng vỉa hè lại tái diễn” - bà Thảo cho biết.

Tương tự, việc đi bộ trên một số đoạn đường Phan Trung vào buổi sáng và đường Trương Định (phường Tân Mai) vào buổi tối cũng khá bất tiện. Nguyên nhân là do vỉa hè, lòng đường nhiều đoạn bị các hàng quán chiếm dụng để bày tủ hàng, bàn ghế, đậu xe…

Hưởng ứng trào lưu ngồi vỉa hè “chém gió”, quán cà phê ở các góc đường Võ Thị Sáu (phường Trung Dũng), đường Trần Minh Trí (phường Quang Vinh) thường xuyên sử dụng vỉa hè làm mặt bằng kinh doanh. Khách ngồi khá đông nên người đi bộ muốn đi qua chỉ còn cách đi xuống lòng đường.

Không riêng gì các con đường lớn, ngay cả vỉa hè ở các khu dân cư cũng bị một số hộ dân chiếm để sử dụng riêng. Phổ biến nhất là việc đặt các chậu cây cảnh to trên vỉa hè, xây bậc tam cấp…

Đơn cử như ở khu dân cư ven đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất) có một bệnh viện tư nhân khá lớn. Vỉa hè, lòng đường xung quanh khu vực bệnh viện vốn nhỏ hẹp nhưng thường xuyên bị chiếm dụng để buôn bán, đậu xe. Một đoạn vỉa hè bên hông viên bệnh viện còn được tận dụng để xây các bồn bê tông trồng cây. Lòng đường thì xe đậu xếp thành hàng dài, người đi bộ phải đi xuống lòng đường, không đảm bảo an toàn giao thông.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam:

Từng bước đưa trật tự, văn minh đô thị vào nền nếp

Hơn 1 năm qua, Thành ủy Biên Hòa đã có sự chỉ đạo quyết liệt để UBND thành phố cùng các phòng, ban liên quan lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, từ đó đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đưa thành phố Biên Hòa thực sự là thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Một trong những chuyển biến rõ nhất là thành phố đã điều chỉnh lại giờ giấc thu gom rác thải từ ngày sang đêm, qua đó không ảnh hưởng đến giao thông, tránh việc tập kết rác ra đường giữa ban ngày. Bên cạnh đó, các điểm tập kết rác sinh hoạt trong trung tâm thành phố được xóa bỏ, từ đó giải quyết triệt để mất mỹ quan và ô nhiễm, gây cảm giác khó chịu cho người dân. Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, xả rác, đậu xe không đúng quy định.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các phường, xã trong việc quản lý địa bàn về mọi mặt trong đó có trật tự, văn minh đô thị. Phường, xã nào không làm tốt thì người đứng đầu ở đó chưa làm hết trách nhiệm. Thành ủy, UBND thành phố rất mong sự đồng hành hợp tác, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay xây dựng một đô thị Biên Hòa xanh, sạch, đẹp, bởi người dân chính là đối tượng được thụ hưởng nếu chính mình góp phần vào làm tốt công tác này.

Công Nghĩa (ghi)

Tìm giải pháp khả thi

 

Liên quan đến việc xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lãnh đạo một số phường của thành phố Biên Hòa cho biết, với các hộ dân có nhà ở mặt tiền đường nếu vi phạm quy định về sử dụng vỉa hè, lòng đường thì tổ trật tự đô thị có thể xử lý; còn với những người bán hàng lưu động thì khó vì khi thấy lực lượng chức năng từ xa, họ đã lên xe bỏ đi. Riêng các trường hợp chiếm dụng vỉa hè để mở “quán cóc”, các địa phương sẽ nhắc nhở, xử lý nghiêm.

Theo ông T.V.H. (ngụ phường Trung Dũng), nếu chính quyền địa phương quyết tâm thì sẽ xử lý được tình trạng trên. Việc lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè không phải không có quy định để xử lý mà vấn đề nằm ở chỗ áp dụng pháp luật không nghiêm. “Vì sao việc chiếm dụng vỉa hè vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp các quy định. Có hay không sự dung túng, bao che, cái này cần phải làm rõ thì mới có thể xử lý dứt điểm được” - ông H. nói.

Dù không ủng hộ việc chiếm dụng không gian chung để sử dụng riêng, nhưng ông Trần Thanh Toàn (ngụ phường Thống Nhất) lại có góc nhìn thoáng hơn. Theo ông Toàn, việc lấn chiếm vỉa hè gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị cần xử lý. Tuy nhiên, nếu chỉ xử phạt thôi thì không thể giải quyết triệt để tình trạng chiếm dụng vỉa hè, cần có giải pháp hữu hiệu hơn.

“Đối với một số trường hợp, việc buôn bán trên vỉa hè chính là thu nhập nuôi sống cả gia đình. Vậy nên chính quyền cần có giải pháp để tạo điều kiện sắp xếp cho họ một địa điểm thích hợp để họ tiếp tục kiếm sống. Đối với những vỉa hè rộng, nên xem xét cho người có nhu cầu thuê để kinh doanh cải thiện cuộc sống, địa phương có thêm nguồn thu để chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn” - ông Toàn bộc bạch.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế ở thành phố Biên Hòa có nhiều tuyến đường có vỉa hè rộng. Do vậy, cần sự linh động hỗ trợ từ cơ quan chức năng trong việc xem xét có thể kết hợp quy hoạch tổ chức lại không gian vỉa hè hài hòa lợi ích giữa người dân và cảnh quan đô thị, để mọi người đều hưởng lợi từ vỉa hè.

“Nếu xét ở góc độ nhân văn thì việc buôn bán trên vỉa hè là cách đơn giản người nghèo tự kiếm sống, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, nếu để tự phát sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng mất mỹ quan đường phố và văn minh đô thị, ảnh hưởng an toàn giao thông. Nên chăng thay vì cấm thì xem xét cho phép sử dụng vỉa hè và quản lý việc này thông các quy định cụ thể” - bà Phương đề xuất.

 

Gia An

 

 

Tin xem nhiều